(HBĐT) - Không còn là trò chơi dân gian trong dịp lễ, Tết, đánh mảng giờ đây được coi là môn thể thao yêu thích của phụ nữ xóm Cả - xã Liên Vũ (Lạc Sơn). Trò chơi này được mọi người từ già tới trẻ biết đến và tổ chức chơi vào mỗi buổi chiều ở các khoảng sân rộng trong xóm.
Chị Bùi Thị Giang (chi hội phụ nữ
đội 4 - xóm Vôi) cho biết: Đồng mảng hiện giờ rất khó kiếm. Đây là hạt của một
loại cây sống trên núi cao. Loại hạt này vỏ cứng, màu nâu đen và có nhiều kích
cỡ khác nhau. Nhiều người không thể tìm được hạt dây đồng mảng thường lấy một
miếng gỗ tròn, sơn màu đen rồi chơi”.
Là trò chơi dành cho nữ, đòi hỏi
tính tập thể và khéo léo rất cao. Để trò chơi được diễn ra, số lượng các thành
viên phải là số chẵn, có thể là 10 hoặc 20 người, chia thành 2 đội. Trước khi
bước vào trận đấu, các đội bắt đầu chèm (tung) đồng mảng. Hai thành viên bất kỳ
bắt đôi với nhau, chèm đồng mảng để xác định đội chơi và lượt chơi của mình.
Người chơi cọ một mặt của đồng mảng xuống nền đất đến khi xuất hiện màu trắng
rồi bắt đầu chèm. Người nào chèm được đồng mảng mặt sấp (mặt đen) thì cùng một
đội, đội đó sẽ được đi trước và ngược lại, đội tung được mặt ngửa (mặt trắng)
sẽ thành một đội, lên làm bia.
Trò đánh mảng của người Mường ở
mỗi vùng đều có chút khác biệt nhưng ở xóm Cả có 7 bước chơi cơ bản bao gồm:
bắn đất, lăn chân, sang xếu, bước bàn, chò què, nhảy rột và đóng. Để bắt đầu,
các đồng mảng được đánh số thứ tự và dựng đứng theo một hàng ngang. Mỗi thành
viên trong đội được sắp xếp và đứng theo thứ tự giống thứ tự của các đồng mảng.
Hiện nay, đánh mảng trở thành môn thể thao yêu thích của nhiều người
dân ở xóm Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn).
Người dân xóm Cả cho biết,các bước của trò chơi khá
khó và phức tạp. Nếu không phải người địa phương, đã được theo dõi từ lâu thì
khó có thể hiểu được luật chơi và chơi trong ngày một ngày hai. Ví dụ ở bước
thứ nhất là bắn đất, người chơi phải đặt đồng mảng xuống đất rồi ngồi bắn.
Trước hết là bắn nửa chừng, rồi sau đó mới bắn thẳng đồng mảng lên bia sao cho
đổ bia và bay ra ngoài ranh giới đã kẻ sẵn. Người trong đội làm bia phải dựng
lên ngay nếu bia bị đổ. Nếu bắn trúng bia nhưng đồng mảng không bay qua được
ranh giới là không đạt yêu cầu.
Bước thứ 2: kẹp đồng mảng vào khe giữa ngón chân cái
và ngón chân trỏ, nhảy lên đến lưng chừng và dùng chân bắn đồng mảng về phía
bia. Nếu bia đổ và bắn ra ngoài ranh giới là thành công. Tiếp đến bước thứ 3 là
sang xếu. Người chơi sẽ đặt đồng mảng lên mu bàn chân và nhảy lò cò. Trong lúc
nhảy, một bên chân làm trụ để nhảy, đồng thời chân còn lại đá ra trước và sau,
bắt buộc phải giữ không để cho đồng mảng rơi. Khi lên gần đến bia, đá đồng mảng
sao cho trúng và đổ bia, bay ra khỏi ranh giới thì ăn điểm.
Mỗi bước trong trò chơi đều có những kỹ năng không thể
thiếu như: ở bước thứ nhất, người chơi phải xác định thật chính xác vị trí của
bia thì mới bắn đổ bia. ở bước sang xếu, chị em phải thật khéo léo để giữ đồng
mảng trên mu bàn chân sao cho không bị rơi trong lúc nhảy lò cò...
Chị Bùi Thị Huyền (xóm Cả - xã Liên Vũ) cho biết: "Vào
dịp Tết, người dân trong xóm tập trung lại chơi rất đông. Chơi đến mấy tiếng
đồng hồ, nhảy rất mệt nhưng vẫn không muốn nghỉ. Tết thường có những đội chơi
của các thế hệ đấu với nhau. Như Tết vừa rồi, đội của tôi gồm những chị em tầm
40-50 tuổi, đấu với những bác ngoài 65 tuổi và đội của thanh niên trên dưới 20
tuổi. Nhiều người cứ nghĩ trò chơi dân gian này đang bị mai một, nhưng ở xóm
Cả, phong trào chơi đánh mảng rất sôi nổi. Có những buổi tối chúng tôi tự tổ
chức chơi ngay ở sân nhà, rất đông vui và gần gũi”.
Trước đây, trò chơi này chỉ dành cho phụ nữ nhưng vì
từng được xem nhiều lần nên nam giới cũng có thể hiểu luật và tham gia chơi. Em
Bùi Văn Cường (xóm Cả) chia sẻ: "Đôi lúc đi học, trong giờ ra chơi, mấy bạn nữ
cùng lớp thường hay chơi trò này. Về nhà, các bà, các cô trong xóm cũng thường
xuyên tổ chức chơi nên em không rõ là mình biết chơi từ bao giờ”.
Không phân biệt và giới hạn độ tuổi, trò đánh mảng
không chỉ giúp chị em phụ nữ nâng cao sức khỏe mà còn thắt chặt tình làng nghĩa
xóm, góp phần gìn giữ và bảo tồn trò
chơi đã được lưu truyền từ lâu đời.
Linh
Nhật
(SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền)