Cán bộ Phòng VH-TT huyện Cao Phong, UBND xã Bình Thanh khảo sát thực tế tại điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ 2.
Gia đình ông Đinh Quang Sinh làm nghề du lịch tại điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ 2 đã hơn 30 năm. Cặm cụi vót từng cây tre để làm chiếc cà kheo phục vụ khách du lịch, ông chia sẻ: Có những tháng, gia đình nhà tôi chỉ đón được 1 - 2 đoàn khách đến tham quan. Gọi là đoàn khách cho lịch sự chứ thực ra chỉ là 1 nhóm có từ có 2 - 3 người. Họ không tham quan mà chủ yếu là đặt cơm và nghỉ qua trưa. Bởi lẽ, ở đây đâu có gì cho họ tham quan. Làm cái cà kheo này chủ yếu phục vụ "người Tây”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, du lịch cộng đồng ở xóm Mỗ 2 được hình thành tự nhiên và không ai nhớ chính xác xóm làm du lịch từ bao giờ và bắt đầu làm như thế nào. Tuy nhiên, mọi người đều khẳng định, nhờ làm du lịch mà đời sống của bà con ấm no hơn. Cụ Nguyễn Duy Nghĩa, người cao tuổi trong xóm nhớ lại: Những năm 78 - 79 của thế kỷ trước, có những đoàn khách chuyên gia Liên Xô (cũ) từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đến thăm quan, tìm hiểu cuộc sống của bà con dân tộc Mường nơi đây. Sau khi đến thăm, thấy được cái hay, cái đẹp của xóm, họ đã đưa gia đình, bạn bè đến chơi ngày một đông. Theo thời gian, bản Giang Mỗ (tên gọi cũ của điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ 2 ngày nay) trở thành cái tên quen thuộc với du khách nước ngoài và trở thành điểm đến du lịch từ lúc nào không ai hay.
Nhưng đó là câu chuyện một thời "hoàng kim” của bản Giang Mỗ. Còn hiện nay, phần lớn hộ dân trong xóm không mặn mà với công việc này. Xóm Mỗ 2 có 121 hộ nhưng chỉ có 39 hộ làm du lịch. Du lịch cộng đồng nhưng xóm không huy động được sự tham gia của cả cộng đồng nên cảnh quan "vô tình” bị phá vỡ. Không còn những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn, dòng suối chảy róc rách chảy ngày đêm. ông Đinh Văn Dần, trưởng xóm Mỗ 2 cho biết: Trước đây, dưới chân núi Mỗ có hơn 100 nóc nhà sàn giữ nguyên bản được nếp ăn ở, sinh hoạt, văn hoá đặc trưng của dân tộc Mường. Giờ đây, xóm chỉ còn 32 nóc nhà sàn. Nếp ăn ở, sinh hoạt, văn hóa đặc trưng cũng bị mai một phần nào.
Là du khách hiếm hoi chúng tôi gặp được tại điểm du lịch xóm Mỗ 2, chị Nguyễn Thị Hiếu đang trên đường cùng gia đình về Thái Nguyên sau chuyến du xuân Đền Bờ, ghé vào đây đặt cơm ăn trưa. Chị cho hay: Tôi biết đến điểm du lịch xóm Mỗ 2 qua mạng internet nhưng xem hình trên đó đẹp và hấp dẫn hơn thực tế nhiều quá.
Không có sức hút, không tạo được điểm nhấn nên điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ 2 lúc nào cũng trong cảnh đìu hiu. Người dân thôi làm du lịch chuyển hẳn sang làm nông nghiệp hoặc đi phụ hồ. Anh Nguyễn Văn Lân, người dân trong xóm chia sẻ: Nếu cứ trông chờ vào du lịch thì cơm cũng không có mà ăn. Từ đó, chúng tôi buộc phải tìm công việc ổn định cho gia đình.
ở nhiều địa phương, làm du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc mà còn góp phần xoá đói - giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, tại điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ 2 dường như mọi thứ đi ngược lại.
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Năm 2017, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch khôi phục và bảo tồn điểm du lịch cộng đồng này. Mục tiêu của huyện là phát triển xóm Mỗ 2 thành điểm du lịch cộng đồng đảm bảo thu hút du khách đến tham quan, du lịch. Theo đó, huyện sẽ đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng xóm Mỗ 2; xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm, có hệ thống dịch vụ ăn uống, có đội văn nghệ trong bản biểu diễn phục vụ khách tham quan. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới việc khôi phục bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một bằng cách xây dựng gian nhà trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản, nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Bên cạnh đó, huyện sẽ dành kinh phí hỗ trợ một số hộ dân hoặc nhóm hộ dân trồng lúa trong khuôn viên của xóm và tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân.
Minh Tuấn (Đài Cao Phong)