Trong bối cảnh có nhiều cuộc thi ảnh ở trong nước gần đây, chất lượng các ảnh đoạt giải và triển lãm luôn là vấn đề được các tay máy quan tâm nhất. Dư luận thường nhiều chiều và không ít ý kiến trên mạng xã hội thường chê ảnh đoạt giải không đẹp bằng ảnh triển lãm.


"Du lịch chùa cầu, Hội An” - một tác phẩm trong triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018.

Một cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - về những vấn đề của nhiếp ảnh Việt Nam.

Với vị trí là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội, anh có nhận xét gì về chất lượng các cuộc thi ảnh gần đây?

- "Xu hướng lối mòn” đã xuất hiện trong các liên hoan ảnh khu vực, khi đều đi theo các chủ đề đất nước, con người, gần như là tự do, chỉ có điều tác giả phải nộp ảnh chụp trong khu vực. Nhiều tác giả không có đầu tư sáng tạo, không có ràng buộc khuôn khổ nhất định về thể loại. Năm sau chụp na ná như các ảnh đoạt giải năm trước. Thậm chí, có tác giả chụp nhiều ảnh tương tự trong một series, năm ngoái gửi một ảnh, năm sau gửi một ảnh. Nếu những người cầm máy không thực sự nỗ lực và đam mê thì chất lượng ảnh LH khu vực khó mà nâng cao.

Với các cuộc thi lớn như triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hay cuộc thi ảnh về biển đảo do Ban tuyên giáo phát động năm nay thì mảng ảnh bộ vượt trội, đem lại sự thú vị. Bấm một ảnh đơn đẹp rất khó, đòi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố may mắn, có những tác giả Việt Nam chỉ thành công trong một vài ảnh đơn. Còn thực hiện ảnh bộ, tác giả phải có nền tảng tư duy tốt, có sự đầu tư.

Vì thế theo tôi, với các LH ảnh khu vực nên có chủ đề cụ thể, ảnh toàn quốc thì vẫn nên duy trì ảnh bộ và ảnh đơn.

Việc có nhiều bức ảnh "na ná” nhau trong nhiều cuộc thi không phải là chuyện hiếm, vậy làm sao để tạo dựng phong cách riêng?

- Từ những cuộc thi định hướng, nên mở những đề tài chuyên biệt. Hiện nay, có 2 mảng đề tài mà nhiều tác giả Việt Nam chụp cực kỳ đẹp là ảnh Macro và ảnh các loài chim. Xu hướng chuyên sâu này rất hay.

Trong hội nghị tập huấn giám khảo toàn quốc vừa qua, anh quan tâm nhất tới vấn đề gì và có đề xuất gì để việc thẩm định ảnh tốt hơn?

- Cần có quy chế cụ thể và chi tiết. Chuẩn hóa phương thức chấm, thang điểm, những ràng buộc sau thi có thể coi như quy chế đạo đức nghề nghiệp để giám khảo có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, chứ không "rũ áo” ra đi.

Trong một số cuộc thi, giám khảo này nói nhìn ảnh này có vấn đề, có photoshop nhưng không chứng minh được, và bức ảnh đó chỉ dừng ở một vị trí nhất định mà không thể đi xa được. Cần có biện pháp chế tài cho giám khảo nhận định, phát ngôn không đúng, ảnh hưởng cục diện cuộc thi. Qua hội nghị này, hy vọng có thêm một lực lượng trẻ tham gia đội ngũ giám khảo và mỗi giám khảo ý thức hơn về lá phiếu của mình.

Chuyện tranh cãi về photoshop vẫn chưa có kết luận ở hội thảo nên dùng ở mức độ nào. Ý kiến của anh ra sao?

- Photoshop chỉ là một trong nhiều công cụ hoàn thành tác phẩm. Đa phần giám khảo xem photoshop như "tội đồ” nói thẳng ra là các vị đó hơi lớn tuổi, mù tịt về photoshop, mù công nghệ, cái gì không biết dễ phủ nhận. Họ nghĩ đó là giải pháp an toàn nhưng nó đã hạn chế sự thăng hoa trong ảnh nghệ thuật.

Trong dòng chảy bão hòa của nhiếp ảnh hiện nay, làm sao để tách ra khỏi đám đông để vượt lên? Là một tác giả thành công, anh có chia sẻ gì?

- Chúng ta đang tập trung quá nhiều kinh phí, nhân sự, tiền bạc vào cuộc thi. Thi có mặt tốt là tạo cho tác giả nỗ lực, và nhiều người trưởng thành nhanh qua thi. Tuy nhiên, sau giai đoạn thành công, họ là hội viên, có tước hiệu và tiếp tục thi thì chặng đường của họ lại ngắn lại, vì đích đến chỉ là cuộc thi. Vì thế, bên cạnh việc giảm số lượng, nâng cao chất lượng cuộc thi, cần tổ chức nhiều workshop, hội nghị mang tính chuyên sâu khám phá về lĩnh vực ảnh đương đại và ai cảm thấy phù hợp con đường nào thì tự chọn, điều đó sẽ làm ảnh đa dạng hơn.

Có thể thấy một số tay máy trẻ xuất sắc nhưng lại không tham gia các cuộc thi của Hội, vì công tác quảng bá còn kém hay vì chất lượng cuộc thi?

- Chủ đề cuộc thi chưa hấp dẫn thì khó thu hút đông. Rồi thành phần ban giám khảo, nhiều khi lại ngại công bố, dẫn đến số lượng hơi lèo phèo. Ở nước ngoài, họ nhìn vào danh sách giám khảo để chơi. Rồi giải thưởng cao, hiện vật, hiện kim có giá trị cũng là một yếu tố.

Chúng ta có nhiều tác giả tốt nhưng lại chưa có một nền nhiếp ảnh mạnh. Anh có đồng ý và nếu có thì đưa ra giải pháp nào?

- Các phần mềm đơn giản trên điện thoại cũng phải cập nhật (update). Trong hội nghị, có báo cáo viên trình bày tốt nhưng lại lấy minh họa dẫn chứng từ cách đây 40, 50 năm. Đừng nạp thông tin cũ, mà khi xác định hướng đi, phải tự đào sâu bằng cách tìm hiểu đọc và xem những triển lãm của nhiếp ảnh đương đại.

Tự làm mới, tìm tòi nhiều hơn (tìm tòi chỉ nhấn nút là có, nhưng nhiều người thiếu sự nhạy bén). Ở nước ngoài, nhiều triển lãm nghệ thuật (Art exhibition) chấm trộn lại không phân biệt, tách riêng nhiếp ảnh và tranh, tượng… cái nào đạt chuẩn thì chọn. Chừng nào ở Việt Nam có được điều đó thì chúng ta mới đạt mức chuẩn mới.

- Xin cảm ơn!

                                                                              VIỆT VĂN (THỰC HIỆN)


                                                 Theo báo Lao Động


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục