Thầy Duy Tiến dạy chúng tôi về lý luận, kinh nghiệm sáng tác ca khúc, cách phổ nhạc thơ, nghe và ký âm. Thầy Lê Đóa giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử âm nhạc, các loại hình thanh nhạc, khí nhạc, nhạc cụ… Sáng28-12-1989, trong giờ giải lao giữa các tiết học, thầy Duy Tiến nói với tôi: "Cậu công tác ở Campuchia nhiều năm, cậu viết một bài về Campuchia đi”. Là người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (từtháng5-1975 đếntháng12-1978), tôi được chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam với quân đội, nhân dân Campuchia; được dự các cuộc giao lưu múa hát giữa chính quyền và nhân dân hai nước trong các dịp lễ, tết nên tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước luôn in đậm trong trái tim tôi.
Tác giả (đứng ngoài cùng, bên trái) cùng các cán bộ, chiến sĩ đội văn nghệ Sư đoàn 4, Quân khu 9, năm 1980. Ảnh tư liệu |
Tôi nhận lời với thầy Duy Tiến nhưng trong lòng thì lo lắng, không biết sẽ viết thế nào. Một mình co ro nằm đắp mền, tôi ôn lại kỷ niệm những ngày ở đơn vị, kỷ niệm với nhân dân nước bạn. Trong giây phút ấy, các cụm từ Việt Nam, Campuchia, đoàn kết, gắn bó, hữu nghị, thủy chung, hòa bình, tự do, son sắt… giữa hai dân tộc cứ ùa về, ùa về nhảy nhót trong tôi. Tứ nhạc, tứ thơ trào dâng: "Việt Nam-Campuchia đã bao đời nay gắn bó, tình anh em son sắt không bao giờ phai, cùng đứng lên đấu tranh diệt kẻ thù chung, giữ hòa bình giữ gìn hai nước chúng ta. Việt Nam - Campuchia chúng ta cùng đoàn kết, kề vai ta bên nhau đắp xây tình anh em…". Cứ thế, nhạc và thơ tuôn trào.Tôi tung mền vùng dậy sang phòng học ngồi vào đàn piano, chép lại ý nhạc đang trào dâng trong cảm xúc. Chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, tôi đã hoàn chỉnh bản nhạc.
Sang tuần mới, trước giờ học buổi sáng, tôi đưa bài hát cho thầy Duy Tiến. Thầy xướng âm nho nhỏrồi bảo: "Cậu viết tốt lắm, để tớ chấm thêm bè, bài này sẽ làm bài mở màn cho buổi diễn báo cáo tổng kết lớp học trước thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu và thủ trưởng Cục Chính trị cùng các cơ quan, ban, ngành”. Thầy còn nói thêm: Bài sáng tác của ai đến hôm báo cáo người đó tự hát, nếu không tự hát được sẽ nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Văn công Quân khu.
Ngày 10-1-1990, buổi biểu diễn báo cáo tổng kết lớp học có sự hỗ trợ của ca sĩ Kim Thắng, Đoàn Văn công Quân khu 9 (nay là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ), nhạc sĩ Mai Ngọc Hùng (nay là Đại tá, Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9). Tôi được chọn 4 bài tham gia chương trình:"Việt Nam-Campuchia Samaki”(Tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia),"Đẹp mãi tên anh”,"Hành khúc tiến về biên giới”,"Em yêu màu áo xanh”.Trong số đó, bài hát"Việt Nam-Campuchia Samaki”được khán giả đón nhận, tác phẩm đã đi vào cuộc sống, góp phần mang một thông điệp về tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia