Đông đảo học sinh đến tìm hiểu các hiện vật trong phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh với chủ đề "Di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”.
Cháu Trần Nguyễn Diệp Anh, học sinh lớp 7E, trường THCS Lý Tự Trọng hào hứng: Cháu rất vinh dự được thăm quan gian trưng bày về di sản văn hóa Mường. Ngoài các kiến thức học ở sách vở trên ghế nhà trường, chúng cháu được nhìn thấy thực tế các hiện vật và nghe cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu kiến thức mới về văn hóa Mường. Đây là hoạt động bổ ích đối với học sinh chúng cháu.
Cô Nguyễn Thị Ngà, giáo viên dạy Ngữ văn trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: Tôi vinh dự được dẫn các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế về văn hóa Mường. Đây là hoạt động rất hữu ích đối với cả giáo viên và học sinh, vì ngoài những kiến thức các em được học ở nhà trường chủ yếu là qua sách vở, lý thuyết về lịch sử địa phương. Từ các hiện vật thực tế sẽ trang bị những hiểu biết về phong tục tập quán, di tích lịch sử và những nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường. Đây là dân tộc chiếm đại đa số trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, những hoạt động như thế này được các cấp, ngành tổ chức thường xuyên hơn nữa để thế hệ trẻ hôm nay được tìm hiểu sâu hơn, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường Hòa Bình.
Tại phòng trưng bày có gần 200 tài liệu, hiện vật gốc và các tài liệu bổ trợ phản ánh một số nét đặc trưng của văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình. Cùng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, cán bộ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi được tìm hiểu từng bộ sưu tập được trưng bày. Đầu tiên là bộ sưu tập trống đồng. Hòa Bình là tỉnh phát hiện và lưu giữ số lượng trống đồng nhiều thứ hai trong cả nước. Trống đồng được phát hiện ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh phát hiện được trên 100 chiếc. Chiếc trống đồng phát hiện sớm nhất là trống Sông Đà (phát hiện năm 1887). Trống đồng phát hiện ở Hòa Bình chủ yếu là trống loại II Heger với các nhóm sớm muộn khác nhau. Niên đại của trống loại II Heger kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVIII. Đặt ở trung tâm của phòng trưng bày là bộ sưu tập sanh đồng. Thời xưa, sanh đồng là đồ gia dụng dùng để nấu thức ăn của người Mường. Người Mường rất quý các loại sanh đồng, nó không chỉ là đồ đun nấu thông thường, mà còn được xem như là thứ tài sản có giá trị lớn, là biểu tượng cho sự giàu có của gia chủ. Những chiếc sanh lớn thường chỉ nhà lang, nhà giàu thế lực mới có. Nhà bình dân thường chỉ có sanh nhỏ. Tiếp đến là bộ sưu tập gốm cổ. Xưa kia, người Mường thường có tục lệ chia của cho người chết. Gia đình càng giàu có và quyền quý thì đồ tùy táng càng nhiều, càng có giá trị. Cho nên gốm cổ ở Hòa Bình ngoài một số ít là đồ gốm gia bảo, còn lại đều là đồ tùy táng trong các ngôi mộ cổ. Ngoài gốm cổ Việt Nam vào các thời Lý, Trần, Lê, còn có gốm Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này có thể thấy sự giao lưu buôn bán giữa Hoà Bình với các địa phương khác ở thời kỳ trước rất thịnh vượng.
Nổi bật và rực rỡ hơn cả là khu trưng bày nghề dệt truyền thống dân tộc Mường. Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Mường Hòa Bình đã có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Các bé gái 9- 10 tuổi đã biết theo mẹ lên nương trồng bông, chăm sóc và thu hoạch. Đến khi 13- 14 tuổi đã biết tự đi hái bông và tập la kéo sợi. Để dệt được một tấm vải cần phải trải qua nhiều công đoạn với kỹ thuật công phu, tỉ mỉ từ khâu làm đất, trồng bông, ươm tơ, se, nhào, nhuộm đến mắc sợi lên khung dệt. Các sản phẩm làm ra là bằng chứng ghi nhận trình độ khá cao về kỹ thuật và mỹ thuật của người Mường.
Đặc biệt, lần đầu tiên văn hóa tín ngưỡng Mo Mường được trưng bày cho đông đảo nhân dân tìm hiểu. Mo Mường là sử thi thần thoại được diễn xướng trong đám tang của người Mường. Nội dung các áng Mo Mường gắn liền với đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và lịch sử phát triển của một dân tộc về sự sống và cái chết, sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn con người, thể hiện sự cố kết cộng đồng, yêu hòa bình, hướng thiện, luôn ước mong hướng tới một tương lai tốt đẹp… Ngày nay, Mo Mường vẫn tồn tại và không ngừng được bổ sung hoàn thiện qua nhiều thế hệ ông mo. Giá trị đặc biệt của di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Hiện nay, dấu ấn di sản văn hóa người Mường tỉnh Hòa Bình vẫn được thể hiện rõ nét trong kiến trúc nhà sàn, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực, trong các di tích lịch sử văn hóa, trong các cổ vật như: Trống đồng, chiêng đồng, sanh đồng, đồ gốm trong mộ Mường… và ở các lĩnh vực khác như phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… Người Mường ở Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng cách ngày nay trên hai vạn năm. Là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hơn 5.000 chiếc cồng chiêng quý giá; sản sinh ra sử thi Đẻ đất, đẻ nước; nơi diễn ra các lễ hội rộn rã cồng chiêng, tưng bừng trong lời ca, điệu múa, ấm tình người trong các thuần phong mỹ tục vẫn còn đậm nét văn hóa của người Việt cổ. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mường đã được các cấp, ngành quan tâm, đặc biệt là ý thức của nhân dân và sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Việc tổ chức hoạt động trưng bày các tài liệu, hiện vật văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa lớn trong tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Hương Lan