Du khách mua vé tham quan vào đền Quán Thánh, Hà Nội. Hiện đền này bán vé tham quan 10.000 đồng/lượt khách - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngoài những người ngạc nhiên rồi cũng tặc lưỡi mua vé cho xong, không ít người dân đi lễ chùa không hài lòng với chuyện phải trả phí.
Dân phàn nàn khi trả phí
Những ngày vừa qua, nhiều người dân đi lễ chùa Bà Đanh "bỗng dưng" bị chặn đường yêu cầu mua vé qua cổng với mức phí 30.000 đồng/người lớn nên khá bức xúc.
Họ cho rằng đầu năm đi lễ thì chuyện công đức cho nhà chùa ai cũng vui vẻ làm, nhưng việc bán vé thu phí như cách làm ở chùa Bà Đanh là không nên.
Nhiều người còn giận dữ nói sẽ không trở lại lễ tại chùa này nữa. Trên địa bàn huyện Kim Bảng, ngoài khu di tích chùa Bà Đanh - núi Ngọc thu phí thì khu du lịch đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn cũng thu phí giá tương tự.
Mới đây nhất, một số du khách tham quan các ngôi chùa trên đỉnh non thiêng phía tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang đã không đồng tình, có người còn to tiếng với nhân viên thu phí.
Lý do họ tham quan các ngôi chùa bên địa phận tỉnh Bắc Giang thì hoàn toàn miễn phí, nhưng chùa Đồng chỉ cách đó vài chục bước chân, họ muốn qua thăm thì lại bị ban quản lý khu di tích Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh chặn lại bán vé với mức thu 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em.
Việc thu phí tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh) được bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018 sau 10 năm (2007-2017) tạm ngưng thu phí cũng đã khiến nhiều người dân phàn nàn.
Thu phí là đúng luật
Trả lời câu hỏi cho việc chùa Bà Đanh bỗng dưng có quầy thu phí, ông Lê Minh Tuấn - giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Kim Bảng, đơn vị trực tiếp thu phí tham quan tại chùa Bà Đanh - khẳng định việc thu phí này là đúng pháp luật, thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Nam về việc thu phí đối với các di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
"Đây là danh thắng chùa Bà Đanh - núi Ngọc, chúng tôi không thể tách bạch người này vào lễ chùa hay vào tham quan thắng cảnh nên chúng tôi phải thực hiện việc thu phí đối với tất cả du khách đến với di tích này chứ không thể phân tách ra ai chỉ đi lễ chùa để không thu phí được, trừ người dân địa phương" - ông Lê Minh Tuấn giải thích.
Ông Lê Xuân Huy - giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam - nói "những cái mới thực hiện thì người dân chưa quen chấp nhận nên có chút phản ứng là bình thường", Hà Nam sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận.Ông cũng nói mức thu phí 30.000 đồng không phải là cao.
Trong khi đó, ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử cũng giải thích việc thu phí tham quan được thực hiện đúng trình tự pháp luật.
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh năm 2017, 80% số tiền thu phí từ việc bán vé tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử sẽ được nộp về ngân sách nhà nước, 20% được trích lại cho ban quản lý để làm công tác chuyên môn.
Phải công khai,minh bạch
Về câu chuyện đang gây bức xúc trong dân chúng này, ông Trần Đình Thành - cục phó Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) - cho hay đối với một di tích, việc thu phí hay không không được quy định cụ thể trong Luật di sản văn hóa mà do HĐND cấp tỉnh quyết định dựa trên thực tế quản lý di tích và nguyện vọng của người dân.
Việc thu phí ở một di tích nào đó nếu được đưa ra thì phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và phải phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tái đầu tư cho di tích. Minh bạch thu chi sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.
Tuy nhiên, cục phó Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng tùy từng di tích và tùy vào nguyện vọng của người dân mà các địa phương cân nhắc để quyết định có bán vé tham quan hay không.
Với các di tích nhỏ quá, mức độ đầu tư của tỉnh có thể đảm bảo chi trả việc tu sửa thì không cần bán vé.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, ông Trần Đình Sơn - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam - đưa ra nhiều ích lợi từ việc thu phí đối với các di tích có bao gồm cả cơ sở tôn giáo bên trong.
Theo ông, ngoài việc tạo nguồn thu để bảo tồn di tích tốt hơn, ích lợi đầu tiên của việc thu phí này là hạn chế bớt người đến di tích hương khói tơi bời, khấn vái cầu xin, bẻ lộc, để tránh gây quá tải và hư hỏng cho di tích.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý cần phải đưa ra mức phí hợp lý và phải công khai, minh bạch thu chi.
Chuyện thu phí ở các nước lân cận
Tại Myanmar, chùa Shwedagon được coi là linh thiêng nhất. Tuy nhiên, để có thể đặt chân vào chiêm bái thì khách tham quan cần bỏ ra số tiền 8.000 kyat (đơn vị tiền tệ của Myanmar).
Với chùa Botataung 2.500 tuổi cũng nổi tiếng không kém ở Myanmar, nơi lưu giữ thánh tích tóc của Phật, tiền vé tham quan là 2 USD/người, nếu có mang theo máy ảnh để chụp thì phải trả thêm 1 USD.
Ở Thái Lan - một đất nước khác cũng xem Phật giáo là quốc giáo, tiền vé tham quan một số đền chùa nổi tiếng như Wat Pho là 200 baht/người, cung điện lớn Wat Phra Kaew/đền Phật Ngọc là 500 baht/người, Wat Arun/Temple of Dawn là 50 baht/người, Wat Benchamabophit The Marble Temple là 50 baht/người...
Chùa Vàng (hay còn có tên khác là chùa Phật Ngọc) ở Campuchia thu 3 USD/người, có máy ảnh thu thêm 2 USD và nếu quay phim thì bỏ ra thêm 5 USD.
Tuy nhiên, việc quay phim chụp ảnh chỉ được cho phép thực hiện ở các khu vực triển lãm bên ngoài.
Việc thu phí tham quan đền chùa nói trên hầu hết nhằm mang lại một khoản kinh phí duy tu, tôn tạo lại cho đền chùa, một phần sẽ được đóng góp cho ngân sách của địa phương có đền chùa tọa lạc.
Với các cơ sở thờ tự, Hà Nội hiện đang thực hiện thu phí đối với khu di tích danh thắng chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh với mức giá 10.000-80.000 đồng.
Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết TP đang xây dựng đề án mức thu phí các di tích danh thắng trên địa bàn TP "theo tinh thần ủng hộ việc thu phí".