Bạn nói thật say sưa về mùa này… mùa này… Những con phố, những cánh rừng ở Sơn La, Điện Biên được phủ một màu trắng huyền hoặc, quyến rũ bởi những cánh hoa trắng, tím tinh khiết. Người bạn quê gốc Tây Bắc như thả hồn về với một góc rừng Tây Bắc xa xôi mà gần gũi, nơi gắn bó với tuổi thơ ấu và tuổi hoa niên trước khi về Hà Nội học đại học…
Hoa ban… loài hoa được coi như biểu trưng cho vùng Tây Bắc, cho hình ảnh người con gái Thái xinh đẹp, thủy chung, trong sáng. Chẳng thế mà có thi sĩ khá danh tiếng lần đầu lên Tây Bắc đã viết nên những vần thơ say đắm lòng người: Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu… Bao đời, hoa ban gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; hòa quyện với tiếng khèn, lời ca, điệu múa và những mùa lễ hội nơi vùng cao nhiều bản sắc dân tộc. Niềm vui, nỗi niềm của bao cặp trai gái nảy nở dưới những cành ban la đà trong sương mới. Hoa ban đã là một phần không thể thiếu của mỗi người dân Tây Bắc… hoa ban đã "xuống phố”, có mặt ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước.
Gặp người Tây Bắc và gặp những người bạn từng đi Tây Bắc, từng đến Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đều có những cảm xúc trong lành, chân tình dành cho miền đất này và hoa ban. Họ nói rằng: Loài hoa này luôn "hớp hồn”, dù họ chẳng phải thi nhân, nhạc sĩ. Ai mà chẳng rung động hòa quyện vào những bài thơ, câu hát năm nào. Có người bạn "đứng tim” khi lần đầu nghe ban nhạc Bức Tường của cố nhạc sĩ Trần Lập trình bày bài "Hoa ban trắng”. Bài hát viết dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết về một người con gái tên Ban cùng với tình yêu sâu nặng với người mình yêu. Và những ngày này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ, chào mừng 65 năm chiến thắng lịch sử, có người xúc động chia sẻ về bài hát có tên "Hoa ban” của nhạc sĩ Minh Quang. Anh là một người làm thơ khá lâu năm, từng được bạn bè biết đến là có thơ được phổ nhạc nhiều. Anh kể: Vừa có chuyến đi thăm Điện Biên và có dịp ngồi uống cà phê, thưởng thức ca nhạc ở ngay chân đồi lịch sử A1. Trong một tối "Ca nhạc tự chọn”, tôi đã hạnh phúc khi được nghe lại bài hát này: "Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ nhành hoa ban ép vội/ Cho tôi mơ cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/ Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay/ Ôi mái đầu cha tôi đã bạc/ Nhưng vẫn còn miên man trong tôi hơi ấm đêm về/ Và một rừng trắng muốt hoa ban…”. Người hát chỉ là một cậu thanh niên tầm 20 tuổi, nhưng biểu cảm khá sâu sắc, tình cảm… Những người ngồi nghe ở xung quanh, phần lớn là du khách phương xa xúc động lắm.
Hình ảnh hoa ban không đơn thuần chỉ về một loài hoa thân thuộc nơi này, mà còn gắn với ký ức của một người chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hình ảnh hoa ban đã "nằm lòng” bao người chiến sĩ từng qua những năm tháng máu lửa nơi Điện Biên anh hùng… Cũng dễ hiểu và chia sẻ cùng anh. Không chỉ "nhân vật trữ tình” trong bài hát gắn bó với Điện Biên, với hoa ban, mà chính cha anh, chú anh cũng từng là chiến sĩ, dân quân hỏa tuyến chinh phục và vượt qua bao con dốc, con đèo vùng Tây Bắc những năm 50 của thế kỷ XX như dốc Cun, đèo Thung Khe, đèo Pha Đin… Những nơi đó, mùa này năm nào cũng trắng xóa những rừng ban. Đấy là lý do mà anh thấy xúc động, trân trọng một bài hát.
Và còn nhiều, còn nhiều những câu thơ, bài hát có hình ảnh ấm áp, quen thuộc của hoa ban nơi Tây Bắc xa xôi. Thấy hoa ban, nghe câu hát, lời thơ về hoa ban, họ thấy lại ký ức, tuổi trẻ và những niềm vui sống từng trải qua nơi Tây Bắc yêu thương.
Tản văn của Bùi huy
"Người bất tử”, "Song Lang”, Tháng năm rực rỡ”… sẽ có trong các suất chiếu phim mở cửa tự do dành cho khán giả Hà Nội trước thềm giải Cánh diều vàng, cùng với hàng loạt phim tài liệu và phim truyện dự giải khác, tại rạp chiếu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, số 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.