Về đền Hùng vào dịp giỗ Tổ, hòa cùng dòng người đến các điểm thờ tự mới cảm nhận rõ sự cổ kính, linh thiêng, giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của di tích cũng như hiểu thêm về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Nguyễn Thị Luân, quần thể di tích lịch sử đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, TP Việt Trì (Phú Thọ). Nơi đây là một trong hơn 1.000 điểm di tích thờ Vua Hùng trên cả nước. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ được coi là mảnh đất gốc, điểm phát tích của dân tộc Việt Nam. Quần thể có diện tích hơn 800 ha, chia thành các khu vực chức năng, trong đó có 4 khu vực tham quan chính. Điểm tham quan chính là khu vực núi Hùng. Trước đây, núi Hùng có tên gọi là núi Nghĩa Lĩnh, núi Nghi Sơn, tên cổ là núi Cả, tức ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 175 m so với mực nước biển. Tương truyền vào thời Hùng Vương, Vua Hùng đã chọn địa điểm cao nhất trên vùng núi này để lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân hạnh phúc. Sau thời đại Vua Hùng, con cháu người Việt với tấm lòng biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng nên đã lập lên những ngôi đền thờ các ngài ở nơi đây. Trên đỉnh núi Hùng hiện nay có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa cùng với lăng mộ Hùng Vương.
Những ngày này, đền Hùng thu hút hàng nghìn du khách về dâng hương, bái tổ.
Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, đền Hùng và ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) luôn được đặc biệt coi trọng. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thần núi của cư dân vùng cao và thờ Vua Hùng - người có công cao như núi, du khách được thấy trong bài vị tại các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng là: Đột ngột, Cao sơn, Ất sơn, Viễn Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là những mỹ tự đẹp đề cao những người có công xây dựng đất nước buổi ban đầu, gắn với tục thờ thần núi người Việt cổ xưa.
Theo cuốn "Đền Hùng - di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia”, ngày nay, đền Hùng được đầu tư xứng tầm là trung tâm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Vào năm lẻ, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trong 5 ngày (từ 6-10/3 âm lịch). Vào năm tròn, năm chẵn, lễ hội tổ chức 10 ngày (từ 1-10/3). Người dân ở các làng xung quanh chọn những chiếc kiệu đẹp nhất và lễ vật ngon nhất cùng chiêng, trống, nghi trượng, bánh chưng, bánh dày rước lên đền Hùng để thờ cúng Ngài. Đi liền phần hội là hoạt động văn hóa phong phú, náo nhiệt với các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, thi nấu cơm, gói bánh chưng, giã bánh dày, đánh trống đồng, hát xoan, hát ghẹo, múa sư tử...
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành lễ hội của toàn dân tộc, ngày hội văn hóa tâm linh lớn nhất cả nước. Đền Hùng trở thành nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân, nơi giáo dục và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Đặc biệt, với người dân Hòa Bình, dịp giỗ Tổ năm nay càng ý nghĩa hơn khi đặc sản cam Cao Phong vinh dự được lựa chọn là lễ vật dâng Vua Hùng. Theo đó, trong 2 ngày 29, 30/3 vừa qua, tại đền Hùng, cam Cao Phong đã được kết hình 2 con rồng với sắc vàng rực rỡ trưng bày tại sân lễ hội. Hoạt động này đã thu hút du khách tới thăm quan, trở thành niềm tự hào của người dân Hòa Bình khi hành hương về đất Tổ.
Bình Giang