Trao đổi với PV Lao Động, Nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, theo nghĩa chữ Hán, "Hàn” có nghĩa là "lạnh”, "thực” là ăn, Tết Hàn thực có nghĩa là tết ăn đồ lạnh. Ngày tết này ở Việt Nam thực ra bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay.
Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi. Cũng từ đó, ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, dù bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam, phong tục này lại có những thay đổi phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt.
"Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải, mà khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt.
Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường”, TS Nguyễn Ánh Hồng nói.
TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thứ nhất, nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, nó còn bắt nguồn từ tích truyện "bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.
Cũng theo TS Nguyễn Ánh Hồng, bánh trôi truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường. "Bánh trôi nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống. Ngày nay, nhiều gia đình thường "chuộng” bánh trôi chay, nhiều màu sắc, tuy nhiên điều này không đúng với ý nghĩa nguyên gốc của ngày lễ Hàn thực” – TS Hồng nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng, vào ngày lễ này, các gia đình không cần chuẩn bị "mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
"Người bất tử”, "Song Lang”, Tháng năm rực rỡ”… sẽ có trong các suất chiếu phim mở cửa tự do dành cho khán giả Hà Nội trước thềm giải Cánh diều vàng, cùng với hàng loạt phim tài liệu và phim truyện dự giải khác, tại rạp chiếu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, số 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.