"Nhạc cây” tiếp nối mạch cảm hứng về môi trường sinh thái của Nguyễn Văn Học vừa được Nhà xuất bản Hà Nội in và phát hành (tháng 6-2019). Xuyên suốt qua 20 truyện ngắn là nỗi khắc khoải, trầm tư về các vấn đề của cuộc sống và con người hiện đại, nổi bật trong đó là những câu chuyện về môi sinh, có đề tài về Hà Nội. Nếu như trong các tác phẩm trước, người đọc có thể nhận diện gương mặt của tác giả trong mỗi cảm xúc, suy tư hướng về thiên nhiên; thì trong "Nhạc cây”, anh đã biến cây cối, hoa lá, chim muông, tôm cá trở thành trung tâm tự sự.


 Bìa tập truyện ngắn Nhạc cây.

Khắc khoải, suy tư về môi trường sinh thái

"Nhạc cây” là tác phẩm mở đầu tập truyện ngắn nhằm thể hiện ý tưởng của Nguyễn Văn Học về vai trò của thiên nhiên đối với đời sống con người. Thông qua lời tự sự của cây đa già, người đọc cảm nghiệm được hành trình của thời gian và đời người. Với tuổi thọ hàng trăm năm, cây đa già hiện diện trong đời sống khu phố như chứng nhân cho biết bao thăng trầm, nổi nênh của lịch sử và đời người. Không chỉ mang bóng mát, hương thơm, tiếng nhạc hòa cùng niềm vui, nỗi buồn của biết bao thế hệ, cây cổ thụ còn mang biểu tượng cho nguồn cội, nề nếp gia phong, của sức sống bất diệt, niềm tin vĩnh cửu vào tình yêu, có thể vượt qua những biến cố, thử thách nghiệt ngã của thời cuộc. Dưới gốc đa già và trên từng tán lá, những khúc hoan ca được tấu lên trong niềm vui chiến thắng của dân tộc, những giai điệu da diết hòa điệu trong mỗi cung bậc của tình yêu đôi lứa, và những thanh âm vời vợi xoa dịu nỗi đau của nhiều mảnh đời bất hạnh. Thiên nhiên trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt từ bao đời, tạo tác nên bức tranh lịch sử dân tộc cũng như hành trình đời người.

"Nhạc cây” như câu chuyện cổ tích, nơi tình yêu được thử thách, nơi nỗi đau được hóa giải, nơi lòng tốt, tình người chiến thắng. Thiên nhiên chính là người mẹ bao dung, vĩ đại nuôi dưỡng, chở che tâm hồn, xoa dịu nỗi đau nhân sinh, nỗi buồn nhân thế. Trở về với thiên nhiên như hành trình trở về với nguồn cội và bản ngã nguyên sơ trong mỗi con người. Con người biết trân trọng thiên nhiên đồng nghĩa với việc họ sẽ có một cuộc sống an toàn, bình yên, nếu không, một khi thiên nhiên bị hủy diệt, con người cũng sẽ nhận lấy những hệ lụy khôn lường. Ý vị này được Nguyễn Văn Học thể hiện giản dị, sâu sắc và đầy sức ám ảnh trong nhiều tác phẩm.

"Cụ cây” tiếp nối mạch suy tưởng của "Nhạc cây” khi nhà văn tái hiện hình ảnh cây cổ thụ trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Cây đa già vừa phải đối diện với sự dè bỉu, coi thường của những gốc cây cảnh được bứng từ núi rừng; vừa là nạn nhân của những toan tính thực dụng, ích kỉ của người đời. "Cụ” có thể kiêu hãnh bởi quyền năng, linh khí của mình so với những thân cây nhễ nhại sống dở chết dở do thay đổi môi trường sống; nhưng lại "bất lực” trước sự ngu muội, dục vọng, lòng tham của con người được ngụy trang bởi những mĩ từ văn minh, hiện đại, phát triển, tiến bộ… "Cụ” đã phải trải qua cuộc tồn sinh khắc nghiệt bằng sự bền bỉ, kiên cường được kết tinh hàng trăm năm, và sự chân thành, lương tri của những con người biết trân quý giá trị xưa cũ.

Thiên nhiên trong truyện của Nguyễn Văn Học không phải là những thực thể vô tri vô giác, mà mỗi loài có đời sống riêng, có hình hài và tiếng nói, có niềm vui và nỗi buồn, có cảm xúc và suy nghĩ, có hạnh phúc và nỗi đau. Với trực giác người nghệ sĩ, anh thấu hiểu nỗi đau của muôn loài khi mỗi gốc cây bị bứng khỏi cội nguồn, mỗi cành hoa bị vùi dập, mỗi cánh chim bị săn bắt và làm mồi, mỗi con tôm con cá bị hủy hoại môi trường sống bằng nước thải sinh hoạt, hóa chất công nghiệp ("Cánh chim tìm bạn”, "Ban công xanh”, "Miền nước thơm”). Anh xót cho những làng hoa bị mai một để nhường chỗ cho quá trình đô thị hóa, và thương cho những kiếp hoa bị ruồng bỏ bởi những thú vui vật chất của con người hiện đại ("Duyên hoa”).

Gửi gắm tinh thần bảo vệ môi trường

Những cảm quan triết mĩ về sinh thái và con người được Nguyễn Văn Học lồng ghép khéo léo, tinh tế trong mỗi câu chuyện thường ngày, nơi đó mỗi độc giả không thể đứng bên ngoài, mà như đang dự phần quan trọng vào sự biến chuyển, đổi thay của vũ trụ, muôn loài. Là nhà văn có biệt tài trong việc biến những điều nhỏ nhặt, vụn vặt như sự chăm sóc cây cối, thú chơi chim, chơi hoa thành triết lý nhân sinh, nhân tình, nhân tính, anh đã gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc trong mỗi tác phẩm.

Với anh, thiên nhiên cũng là những sinh mệnh, chúng thấu hiểu tình người, lẽ đời trong từng nhát cắt tỉa, từng giọt nước tưới, từng cử chỉ chăm sóc, từng ánh nhìn thưởng ngoạn. Cây có linh hồn của cây, hoa có cốt cách của hoa, người trồng cây, chơi hoa phải thấu hiểu được tâm tính của từng loài. Từ đó có thể đồng điệu với những hồn cây, hồn hoa, khơi dậy vẻ đẹp tinh khiết, cao thượng của muôn loài, để chúng có thể sống trong "bản mệnh” chính mình và dâng hiến cho đời, cho người ("Ban công xanh”, "Duyên hoa”). Yêu cây, yêu hoa không chỉ mang con người hòa vào đời sống thiên nhiên, mà còn giúp họ tu tâm dưỡng tính, rèn giũa lòng kiên trì, bồi đắp tình yêu thương. Tình yêu thiên nhiên giúp con người sống thư thái, cân bằng, quên đi muộn phiền, lo toan, vượt qua nỗi đau, bi kịch cá nhân. Không những vậy, đó còn là cách để mỗi người lưu giữ những tinh hoa văn hóa, tinh thần của cha ông.

Khi cuộc sống hiện đại xâm lấn, đồng tiền lên ngôi, khiến những ngôi làng "chảy máu”, những nếp nhà bị phá hủy, con người chọn cách chăm hoa như nuôi giữ một niềm tin cho những giá trị văn hóa xưa cũ đang trên bờ vực thẳm. Hoa ký ức, cây sám hối sẽ góp phần giúp con người tĩnh tại, bình an trước những biến động dữ dội của cuộc đời. Thế nhưng không phải ai trồng cây, chơi hoa cũng hiểu hết giá trị như vậy. Sự a dua, học đòi, sự nóng nảy, thô thiển, sự toan tính, ích kỷ của con người đang âm thầm bào mòn, hủy diệt thiên nhiên. Việc bứng những cây cổ thụ từ miền rừng về vườn trồng, việc giăng bẫy những cánh chim trời nhốt vào lồng son, những tưởng là chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên, nhưng thực chất con người đang giết chết muôn loài. Những cánh rừng bị phá hủy, những cánh chim tao tác, những con cá ngắc ngoải dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến chính môi trường sống của con người. Không phải ngẫu nhiên nhiều nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Văn Học luôn có cảm giác đơn độc, nhạt nhẽo, trống rỗng, chán chường. Một phần vì sự hỗn loạn, phi lý, xô bồ của cuộc sống hiện đại, và cũng một phần do con người tự cách biệt mình với thiên nhiên, môi sinh. Những tưởng cuộc sống tiện nghi với các tòa nhà cao tầng, ban công đầy gió, con người sẽ trở nên hạnh phúc, an vui; thế nhưng chính họ đang tự trói buộc mình trong khối bê tông sắt thép với tâm hồn nguội lạnh, hoang hoải, thiếu khuyết. Một khi không được hòa mình vào thiên nhiên, sống cộng sinh cùng muôn loài, họ trở thành những cỗ máy trơ lì cảm xúc, sống nhạt nhẽo, vô cảm với người khác và với muôn loài ("Tiếng của cây đàn”, "Ban công xanh”, "Mưa hoa”).

Thiên nhiên đang dần bị hủy hoại bởi bàn tay thô bạo và ý nghĩ thực dụng của con người. Thế nhưng Nguyễn Văn Học luôn có một niềm tin vào sự trường tồn của thiên nhiên bởi vẫn còn đó những con người có lương tri, trách nhiệm và tình yêu muôn loài cao thượng. Anh gửi gắm hoài vọng ấy vào những con người như thầy Nho, Khẩn ("Đoản hoa”), cụ Hồng, ông Yên ("Trong hương thu vàng”), bà cụ Mong bán nước, ông chủ tịch phường, cô bé Đan Tâm, Diệp Vân ("Giữa dòng hoa trôi”, "Cụ đa”), chị Bích ("Mưa hoa”), cụ Cân ("Duyên hoa”). Nhờ sự đồng điệu với muôn loài, họ chính là người giữ hồn hoa, hồn cây và hồn làng, hồn nước… Nguyễn Văn Học không chỉ khắc họa tình yêu thương muôn loài, mà còn khám phá hành trình thức tỉnh lương tri của con người. Hai cuộc hành trình, dù có lúc xung đột, mâu thuẫn, song cuối cùng đều hướng về mục đích chung nhằm giữ hồn nước, hồn làng, nếp nhà trong từng gốc cây, nhành hoa, tiếng chim. Với những người nhất thời lầm lạc, có những ứng xử tiêu cực, anh luôn mong chờ ở họ sự thức tỉnh lương tâm, để cây sám hối xanh lại trong tim mỗi người.

TheoNhanDan

 

Các tin khác


Giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XV

(HBĐT) - Tối 11/7, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, Ban tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh khóa XV tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Tham dự đêm giao lưu có đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và 21 đoàn đến từ các huyện, thành phố, đơn vị trong tỉnh.

Trên 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 10/7, huyện Cao Phong đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Cao Phong năm 2019 với sự tham gia của trên 300 nghệ nhân, diễn viên thuộc 18 đoàn đến từ các xã, thị trấn, Công viên di sản các nhà khoa học, Công ty TNHH MTV Cao Phong, Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện.

Trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" cho 20 cá nhân

Chiều 10-7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” cho 20 cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Điện Biên.

Nàng Kiều lại lên sàn kịch và lần đầu vào rối cạn

Tháng 10 tới, không hẹn mà nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sẽ trình diện khán giả TP.HCM và Hà Nội một phong cách mới mẻ trong ba dự án sân khấu.

Ga quốc tế Đồng Đăng được công nhận là điểm du lịch

Tối 8/7, UBND huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng.

Cửa sổ văn hóa Việt Nam tại Lyon

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Pháp, ông Roland Beaumont, chủ tịch Hội Asia New Génération Vietnam và là tổng đạo diễn chương trình, khẳng định Festival là dịp tuyệt vời để bạn bè Pháp hiểu sâu hơn nền văn hóa Việt Nam, được thể hiện qua các màn trình diễn múa, thể thao và âm nhạc dân tộc, các ngành nghề thủ công và ẩm thực truyền thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục