(HBĐT) - Cafe Xưa đặc sánh "chất cũ” bắt đầu ngay từ cái tên "Cửa hàng mậu dịch số 61”, "Quầy giải khát”… cho đến những vật dụng chưa phải là quá cổ nhưng chắc chắn cũng rất ít xuất hiện trong cuộc sống hiện đại hôm nay như: bàn là than củi, quạt con cóc, bếp dầu, tivi đen trắng, chiếc xe đạp mipha… Bao trùm lên toàn bộ không gian quán là màu ve vàng cổ kính, nền lát gạch bông và tiếng nhạc không lời du dương. Với khoảng hơn 1.000 hiện vật tái hiện cuộc sống từ thời chiến tranh cho đến bao cấp, đổi mới, Cafe Xưa, số 61, Nguyễn Biểu, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) như một nốt nhạc lạ giữa không gian phố thị ồn ào, hiện đại.


 

Một góc của quán cafe Xưa đặc sánh "chất cũ”.

 

Bước chân vào cửa quán, ngay trước mắt chúng tôi là những chiếc xe đạp "thần thánh”: Favorite, Phượng Hoàng, Eska, Thống Nhất… mà gia đình nào cũng đã từng sở hữu ít nhất một chiếc. Thật thú vị là trên gác - ba - ga chiếc xe đạp Thống Nhất, anh chủ quán đam mê đồ cổ đã "thửa” được một chiếc thùng kem, kèm theo chiếc còi tay giờ đã thành của hiếm. Cả tuổi thơ của chúng tôi ùa về với ký ức chạy theo những chiếc xe đạp bán kem khắp đường làng và hò reo "kem mút, kem mút!”

Bước chân vào trong quán, phía bên phải là "Quầy giải khát” tái hiện không gian quán nước xưa với giá đồ uống được niêm yết tính bằng "đồng”, tên đồ uống mộc mạc như: nước chanh, nước cam… bàn ghế ngồi uống nước được "chế” lại từ những chiếc máy khâu cũ. Đặc biệt, cốc uống nước là những chiếc ca sắt tráng men in hình bông hoa, con vật… vốn là vật dụng yêu thích của trẻ nhỏ trong mỗi gia đình.

Thích thú ngắm nghía những đồ vật cổ của Cafe Xưa, anh Nguyễn Anh Tuấn, xóm 9, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) chia sẻ: Quán Cafe Xưa cho tôi cảm giác như ở nhà mình với những vật dụng cực kỳ thân quen, gần gũi, gợi lại rất nhiều cảm xúc về tuổi thơ, về ký ức những ngày đã qua. Tôi thường hay đưa các con đến đây chơi để giới thiệu, giải thích cho các con về những vật dụng trong gia đình giờ ít được sử dụng, về cuộc sống của bố mẹ, ông bà ngày xưa.

Đúng như anh Tuấn chia sẻ, Cafe Xưa giành hẳn một nửa diện tích để bài trí bàn ghế, đồ đạc như một ngôi nhà xưa với bộ bàn ghế sa - lông gỗ cũ có kiểu dáng đơn giản, sập gụ, tủ chè. Đồ đạc được bày biện "trong nhà” cũng chuẩn chất xưa với những tờ công trái được đóng khung treo lên tường, chiếc máy đánh chữ, đài băng cối - đĩa than, chiếc đèn bão, máy chơi điện tử cầm tay... Trung tâm "ngôi nhà” là lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, bên dưới là chân dung Bác Hồ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Duy Tiến, chủ quán Cafe Xưa chia sẻ: Bản thân tôi là một người đặc biệt yêu thích sưu tầm đồ cổ. Sau một thời gian sưu tầm, lượng đồ cổ tôi sở hữu khá nhiều. Xuất phát từ ý tưởng muốn có một địa điểm để trưng bày, chia sẻ, giao lưu về đồ cổ, tôi đã xây dựng và đưa vào hoạt động quán Cafe Xưa từ tháng 11/2018. Sau khi quán đi vào hoạt động, thật hạnh phúc là có nhiều khách đến quán uống nước sau đó đã mang những đồ cổ mà mình có đến tặng hoặc gửi để trưng bày ở quán. Quán đã trở thành điểm gặp gỡ của những người đam mê, yêu thích đồ cổ. Cùng với việc lượng khách tăng thì số lượng bạn trẻ đến quán, tìm hiểu về cuộc sống xưa ngày càng đông.

Bên cạnh những đồ vật gia đình, điểm nhấn đặc biệt của Cafe Xưa là bộ sưu tầm gồm hơn 20 chiếc máy ảnh cơ, hơn 100 chiếc đồng hồ, chủ yếu là đồng hồ Nga. Quán còn gây ấn tượng với khách bởi phòng đọc sách, truyện với hơn 500 đầu sách, truyện, trong đó có nhiều cuốn sách, bộ truyện tranh nổi tiếng xuất bản từ những năm 1980. Quán còn chuẩn bị sẵn cho khách những bộ cờ tướng, cờ vua, cá ngựa, ô ăn quan… để khách có thể trải nghiệm, giải trí. Ngoài ra, bắt nhịp với xu hướng "check in” của giới trẻ, Cafe Xưa giành toàn bộ không gian sân để trang trí thay đổi theo chủ đề, chủ điểm các mùa hoặc dịp lễ, Tết. Giữa sự ồn ào, hối hả của phố thị, Cafe Xưa là điểm đến khá ấn tượng, thú vị với những ai đam mê đồ cổ, ngược dòng ký ức muốn tìm về tuổi thơ.

Dương Liễu


Các tin khác


Ga quốc tế Đồng Đăng được công nhận là điểm du lịch

Tối 8/7, UBND huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng.

Cửa sổ văn hóa Việt Nam tại Lyon

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Pháp, ông Roland Beaumont, chủ tịch Hội Asia New Génération Vietnam và là tổng đạo diễn chương trình, khẳng định Festival là dịp tuyệt vời để bạn bè Pháp hiểu sâu hơn nền văn hóa Việt Nam, được thể hiện qua các màn trình diễn múa, thể thao và âm nhạc dân tộc, các ngành nghề thủ công và ẩm thực truyền thống.

Văn nghệ quần chúng - Món ăn tinh thần của người dân phường Thịnh Lang

(HBĐT) - Hội diễn Nghệ thuật quần chúng phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) diễn ra đầu tháng 6/2019 thu hút hàng nghìn người dân đến xem, cổ vũ. Gần 23h, phần biểu diễn cuối cùng mới hoàn thành nhưng sân trụ sở UBND phường nơi tổ chức hội diễn vẫn đông vui với tiếng vỗ tay không dứt. Gần 200 diễn viên đã mang tới 31 tiết mục hát, múa, trình tấu nhạc cụ, chiêng Mường.

Dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc

(HBĐT) - Ngày 28/6, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND phê duyệt Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh.

Sáng tạo nghệ thuật và các chuẩn mực văn hóa, luật pháp

Tiếp cận từ góc độ văn hóa thì tác phẩm nghệ thuật trước hết là một tác phẩm văn hóa, và vì thế luôn đặt ra những chuẩn mực mà người làm nghệ thuật chân chính cần tuân thủ. Ðiều đó cũng có nghĩa, dù hư cấu, tưởng tượng như thế nào, nghệ sĩ vẫn cần tự ý thức về các chuẩn mực có vai trò định tính, định giá mọi sản phẩm văn hóa đang tồn tại trong xã hội, để từ đó sáng tạo nên tác phẩm không đi ngược lại các chuẩn mực này.

Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

(HBĐT) - Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 2.134 lao động trực tiếp và 986 lao động gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch. Trong đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 8,9%; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp chiếm 45,1%; lao động phổ thông chiếm 46%.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục