(HBĐT) - Thăm khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tại thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), tôi không khỏi ngỡ ngàng với không gian thoáng rộng được điểm tô bởi 2 nếp nhà khang trang: một ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường và một ngôi nhà rông của các buôn làng Tây Nguyên. Trong gần 4 năm (2016-2019) xây dựng, tôn tạo, đến nay, di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam là một điểm nhấn ấn tượng trong quần thể di tích huyện Lạc Thủy.


Kiến trúc của di tích Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam được bố trí hài hòa, thể hiện rõ đặc trưng văn hóa và tinh thần đoàn kết 2 miền Nam - Bắc. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy giới thiệu: Khu Đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam, sau đổi tên thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được chuyển về xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê từ năm 1959 và đứng chân trên địa bàn đến năm 1976. Đây là "cái nôi" đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ, con em các dân tộc thiểu số miền Nam tập kết ra Bắc và là mô hình đào tạo đặc biệt, duy nhất của nước ta lúc bấy giờ. Thể theo nguyện vọng của các cựu học sinh đã từng sống, lao động, học tập tại trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Lạc Thủy đầu tư, tôn tạo lại di tích nhà trường.

Ngay khi có ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tháng 10/2016, UBND huyện Lạc Thủy đã tiến hành các thủ tục xây dựng công trình di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2,1 tỷ đồng, gồm các hạng mục: cổng tường rào, nhà bia di tích, khuôn viên cây xanh tạo cảnh quan và các hạng mục phụ trợ. Công trình được hoàn thiện sau gần 5 tháng thi công. Lễ khánh thành nhà bia và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được tổ chức vào ngày 19/3/2017, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Ủy ban Dân tộc; Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh: Gia Lai, Đắc Lắc, Kom Tum, Hòa Bình… và đông đảo cựu cán bộ, học sinh của trường. Tại buổi lễ, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 10 tỷ đồng, Hội cựu học sinh tặng 50 triệu đồng… và đề đạt ý kiến nên tiếp tục đầu tư, tôn tạo để di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam xứng tầm với di tích cấp tỉnh.  

Tháng 12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Tháng 3/2018, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư, xây dựng công trình (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Tháng 7/2018, huyện Lạc Thủy đã khởi công xây dựng công trình giai đoạn 2. Sau 16 tháng khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ so với dự kiến để kịp đón các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường.

Khu di tích hiện tại, ngoài tấm bia kỷ niệm Trường Cán bộ dân tộc miền Nam còn có thêm ngôi nhà rông được thiết kế 2 tầng, 3 gian, chiều dài 16,1 m, rộng 7,1 m, cao 13,6 m… phù hợp với không gian, kiến trúc điển hình của các công trình đồng bào dân tộc miền Nam. Hạng mục nhà sàn cũng được thiết kế 2 tầng, 5 gian với chiều dài 13,5 m, rộng 6,9 m, cao 7,9 m, kết cấu hài hòa, hợp lý với không gian tổng thể của di tích.

Công trình di tích được xây dựng bởi ý Đảng, lòng dân, bởi vậy mang ý nghĩa hết sức lớn lao, sâu sắc. Đặc biệt đã thể hiện một cách sinh động tinh thần đoàn kết giữa 2 miền Nam - Bắc của Tổ quốc. Kỳ vọng di tích sẽ trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ. Huyện Lạc Thủy mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí nguyên là cán bộ, học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và các tổ chức, cá nhân… để tiếp tục đầu tư, sưu tầm các hiện vật bổ sung cho khu di tích đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghiên cứu, học tập của du khách và nhân dân.

                 
Thúy Hằng

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục