Có thể thấy, ba tác phẩm được giải A có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực đề cập. Tác phẩm "Lịch sử” (Historiai) được coi là mở đầu cho sử học hiện đại phương Tây do tác giả Herodotus viết vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên. Tên tuổi Herodotus cũng được mệnh danh là "Cha đẻ của môn Sử học”, từng biên soạn cuốn sách này bằng tiếng Hy Lạp cổ đại và công trình này đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Dịch giả - PGS, TS Lê Đình Chi (sinh năm 1977), công tác tại Trường đại học Dược Hà Nội. Ông là người chuyển ngữ nhiều sách văn học, lịch sử, tiểu sử nổi tiếng, như: Napoleon đại đế, Những kỳ vọng lớn lao, Những người nuôi giữ bồ câu, Biểu tượng thất truyền… "Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu” do PGS, TS Nguyễn Văn Thường chủ biên là công trình nghiên cứu công phu, cung cấp nhiều kiến thức y học bổ ích và thiết thực trong quá trình nghiên cứu, học tập, tham khảo chuyên môn giúp đội ngũ y, bác sĩ đưa ra được quyết định áp dụng thực tế để chữa trị và cứu chữa cho các bệnh nhân. Cuốn "Đoàn binh Tây Tiến” được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952. Đến năm 2019, sau 67 năm, bản thảo viết tay của tác giả mới được in và phát hành. Tác phẩm thuật lại những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, giúp độc giả hiểu thêm về nhiệm vụ của đoàn binh Tây Tiến trong nhiệm vụ tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, ý chí kháng chiến của dân tộc, tinh thần của quân đội Việt Nam.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, giải thưởng năm nay có nhiều nét đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, trong điều lệ và quy chế giải thưởng cho phép điều chỉnh số lượng giải của mỗi mảng sách, bổ sung một giải đặc biệt lựa chọn từ các cuốn sách đoạt giải A, có giá trị xuất sắc, vượt trội về nội dung (dù năm nay chưa có cuốn nào đạt được). Bên cạnh đó, các hội đồng chấm sơ khảo, chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia ngoài việc mời những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học uy tín, phù hợp chuyên ngành sách còn mời một số nhà khoa học trẻ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Học viện Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam... tham gia chấm chọn. Tác phẩm được đề nghị giải A còn phải qua khâu phản biện kín. Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia, 27 cuốn sách, bộ sách đoạt giải được đánh giá cao về nội dung phong phú, tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng bạn đọc. Đáng chú ý, nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn cao, mang tính thời sự, được xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, các NXB đã có sự đầu tư công phu hơn về chất lượng nội dung và hình thức. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận, góp phần hoàn thiện hơn chất lượng sách trước khi giới thiệu tới người đọc. Tuy nhiên, còn hai mảng sách trống giải A, ít nhiều cho thấy vẫn thiếu sự phát triển đồng đều trong đề tài, chất lượng xuất bản. Để giải quyết vấn đề này cần sự quan tâm, đầu tư hiệu quả hơn nữa từ phía những người nghiên cứu, sáng tác đến hệ thống xuất bản, phát hành.
Do tác động của dịch Covid-19, ngành xuất bản nói chung đang gặp nhiều khó khăn, bị sụt giảm doanh thu, nhiều đơn vị phát hành phải tạm đóng cửa… So với hai kỳ giải trước, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba đã phải đối diện thử thách, trở ngại trong công tác tổ chức chấm giải, họp các hội đồng, quyết định thời điểm trao giải. Dù vậy, giải thưởng lần này cùng các hoạt động xuất bản, phát hành, kích cầu văn hóa đọc vẫn được duy trì, sáng tạo bằng nhiều nỗ lực và hình thức linh hoạt. Với những đổi mới quan trọng, các mục tiêu của giải thưởng đều đã được từng bước thực hiện qua từng mùa giải; góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và hội nhập.
TheoNhanDan