(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.



Ném pao - trò chơi dân gian truyền thống đồng bào dân tộc Mông được chơi trong các dịp lễ, Tết.

Chúng tôi đến với 2 xã vùng cao Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) trong những ngày đầu xuân để đón Tết sớm, được khám phá văn hóa đặc sắc và trải nghiệm các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Trong sắc đào phai nở rộ khắp bản làng, các chàng trai, cô gái Mông rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất cùng đi vui xuân. Trên khoảng đất rộng, trong tiếng khèn sôi động, các chàng trai, cô gái Mông tay trong tay tham gia các hoạt động văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Anh Phàng A Páo (xã Pà Cò) vừa cẩn thận quấn dây, điều chỉnh lực phù hợp, khéo léo thả quả tu lu (con quay) về phía con quay của đối phương một các chính xác, vừa hồ hởi nói: Tu lu là trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Ngay từ khi còn là những cậu bé, chúng tôi đã được làm quen với trò chơi này. Ngày bé thì đẽo những quả tu lu và chơi vui với bạn bè trang lứa. Lớn hơn, đẽo những quả tu lu to hơn, cách chơi cũng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Để chơi được tu lu giỏi, người chơi cần có sức khỏe, sự khéo léo phối hợp các động tác của cơ thể để điều chỉnh lực và xác định điểm đánh chuẩn xác. 

Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc cùng chung sống lâu đời, mỗi dân tộc đều thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn... Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của dân tộc vẫn lưu giữ, có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Một trong những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi từ nông thôn đến thành thị tham gia là trò chơi dân gian. Trong đó, phải kể đến một số trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh mảng, đánh tu lu, ném pao, đi cà kheo, gõ keeng loóng... Trò chơi dân gian phổ biến trong đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày… được tổ chức thường xuyên là ném còn. Ở trò chơi này thường được chơi theo cặp nam - nữ hoặc tốp nam - nữ. Thông qua trò chơi, các đôi lứa chọn những người hợp và phối hợp ăn ý với mình để trao duyên. Những quả còn rực rỡ sắc màu tượng trưng cho tình yêu đôi lứa được các cô gái đang độ xuân thì khéo léo, với sự tinh tế, khiếu thẩm mỹ gửi gắm tâm tư qua từng đường kim mũi chỉ. Vừa dừng cuộc chơi khi quả còn đã bay qua vòng tròn sang phía bên kia, chị Bùi Thị Thắm, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Với người dân địa phương, ném còn là trò chơi dân gian truyền thống có từ lâu đời, được duy trì tổ chức trong các dịp lễ hội, Tết và luôn thu hút được đông người dân tham gia. Năm nay, tôi chuẩn bị quả còn từ rất sớm, từng mảnh vải, sợi chỉ đều được lựa chọn cẩn thận để làm ra quả còn ưng ý đem đến vui hội với người thương. 

Trong các trò chơi dân gian, đánh đu, ném còn, ném pao… được ví như sợi dây tơ hồng kết nối nhân duyên cho các nam thanh nữ tú tìm đến với nhau, thì kéo co, đẩy gậy, gõ keeng loóng… lại thể hiện sức khỏe, sự dẻo dai, tinh thần đoàn kết và sự phối hợp ăn ý của người chơi. Còn với trò chơi đi cà kheo, đi cầu khỉ, đánh mảng, đánh cù, đánh tu lu… lại đòi hỏi người chơi khéo léo, tính chính xác của từng động tác để có được kết quả tốt nhất. Với mỗi trò chơi, mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có những quy luật riêng, mang sắc thái khác nhau nhưng mục đích là vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, trên hết là sự gắn kết cộng đồng, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. 

Trò chơi dân gian không đơn thuần là hoạt động giải trí mà ẩn chứa cả một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, ngày càng được tổ chức rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh. Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội đầu xuân như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày xuân, ngày khởi đầu của năm mới, của ước vọng, được hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian và gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy, bình an, mạnh khỏe là điều mà tất cả người dân mong muốn.

 
Đỗ Hà

Các tin khác


Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi mùa xuân có Đảng"

Tối 3-2, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề "Mãi mãi mùa xuân có Đảng”.

Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Tân Sửu 2021

(HBĐT) - Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021.

Dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần và Chợ Viềng Xuân 2021

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn đồng ý dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021.

Linh thiêng chùa Đồng Yên Tử

(HBĐT) - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Theo quan niệm của các tăng ni, phật tử, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được "sinh lực vũ trụ” cho mọi mặt cuộc đời.

Chợ quê Hợp Thịnh ngày giáp Tết

(HBĐT) - Xã Phú Minh và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn cũ) đã "về chung một nhà” với tên gọi mới là xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nhưng chợ trung tâm xã mọi người vẫn quen gọi là chợ Hợp Thịnh. Cứ thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, chợ họp rôm rả. Đây cũng chính là chợ trung tâm của khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, hay còn gọi là cụm xã Phú Cường. Phiên ngày thứ Bảy đông hơn phiên ngày thứ Ba. Vì chợ bán nhiều nông sản quê ngon và sạch, giá cả hợp lý nên phiên ngày thứ Bảy có đông người dân từ các xã lân cận như Quang Tiến, Mông Hóa, phường Kỳ Sơn, thậm chí cả ở Phương Lâm, Đồng Tiến - các phường trung tâm TP Hòa Bình tìm đến mua rau, củ, quả, quà bánh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục