(HBĐT) - Cách Hà Nội hơn 100 km và khoảng 15 phút đi thuyền, đền Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Đền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia từ năm 2009.
Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đền Thác Bờ thu hút du khách chiêm bái, vãn cảnh.
Trong ký ức của những người sinh sống lâu năm tại vùng đất Thung Nai (Cao Phong), Vầy Nưa (Đà Bắc), Suối Hoa (Tân Lạc), hồi sông Đà còn chưa ngăn dòng làm thủy điện, Thác Bờ - ghềnh Hoa là con thác, ghềnh vô cùng hiểm trở, dữ dằn, thuyền bè qua lại bị đắm nhiều. Chính bởi lẽ đó mà người dân đã cất công lập nên Đền Bà chúa để cầu mong bà che chở, phù hộ cho những chuyến xuôi ngược, đánh cược tính mạng với sông Đà.
Nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà, quần thể đền bao gồm đền Trình (đền Chúa), đền Chầu (đền ông Chẩu) và động Thác Bờ (động Tiên). Đền chủ yếu thờ 2 bà Chúa Thác người Mường và người Dao. Tương truyền, đền thờ bà Chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao xã Vầy Nưa (không rõ tên). Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ, tiến quân lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân chế ngự dòng nước, vượt thác an toàn, phù hộ cho vùng Mường được mưa thuận, gió hòa nên Nhân dân phong 2 bà làm thánh và lập đền thờ phụng. Hàng năm, vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân lại mở hội đền. Hội kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay vào tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín các bến cảng.
Những người dân sinh sống lâu đời trên vùng sông nước xã Thung Nai (Cao Phong) kể lại: Sau khi ngôi đền cũ chìm dưới hàng chục mét nước của thủy điện Hòa Bình, đền thờ ngày nay được lập bên trên nền của đền cũ. Với những du khách đến vãn cảnh, hành hương, đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ nhưng rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa cùng tổng thể cảnh quan núi non, sông nước hùng vĩ. Bên cạnh đó, đền có rất nhiều tượng với 38 pho lớn, nhỏ, trong đó có 2 pho tượng đồng là tượng thờ chính. Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông, bà chúa Sơn Trang (đồng Sơn Trang), Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, Tam tòa Đức Thánh Mẫu...
Khi đến đền Bờ, người đi lễ sẽ cầu nguyện ở đền Trình rồi lên đền Chúa. Mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng 15 - 20 phút đi tàu. Vừa đi lễ, du khách vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước. Kết thúc hành lễ, du khách có thể thong dong vãn cảnh, hít thở không khí trong lành của đất trời, sông núi, khám phá ẩm thực, cảm nhận sức hấp dẫn của những sản vật đặc trưng bày bán phía chân đền. Khi đã ấm lòng và thụ hưởng lộc dâng, chuyến du xuân sẽ tiếp tục với hành trình du ngoạn lòng hồ sông Đà. Du khách sẽ đến với điểm thăm quan nổi bật nhất ở Thác Bờ là động Tiên, choáng ngợp, mãn nhãn với vẻ đẹp của cả một rừng nhũ đá đủ mọi dáng vẻ, hình thù và không quên thành tâm lễ viếng tại nơi đặt bàn thờ Quan thế âm Bồ Tát, Phật tổ quan âm và Bác Hồ trong động.
Mỗi năm, Di tích lịch sử quốc gia đền Thác Bờ thu hút hàng vạn du khách đến vãn cảnh, hành lễ. Nơi đây không chỉ là địa chỉ tín ngưỡng linh thiêng cầu bình an, may mắn mà còn là được lựa chọn cho sự khởi đầu thuận lợi cho hành trình du xuân, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ấn tượng trên hồ Hòa Bình.
Bùi Minh
Phim hay những tư liệu hình ảnh động (gọi chung là phim) là những di sản văn hóa quý giá cần được giữ gìn và bảo tồn. Theo thời gian, những thước phim không tránh khỏi tình trạng hư hỏng, xuống cấp, đòi hỏi một cách thức phục chế cũng như lưu giữ mới, hiệu quả hơn.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật công lập.
Vài năm trở lại đây, các giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi và việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút nhí đã được quan tâm hơn.
Không chỉ phù hợp với quy hoạch tổng thể của khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, việc phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu còn tăng giá trị cảnh quan xung quanh.
(HBĐT) - Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mỗi bộ trang phục truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng, những giá trị được lưu giữ, truyền bá, góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. So với những trang phục của các dân tộc khác thì trang phục người Tày khá giản dị về màu sắc, nhưng lại tinh tế về họa tiết và sự kết hợp hài hòa các phụ kiện đi kèm.
(HBĐT) - Ngày 1/7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban tổ chức (BTC) Lễ kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm ngày tái lập tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BTC chủ trì buổi họp.