(HBĐT) - Từng có mặt tại chợ Bờ huyện Đà Bắc liên tục 5 năm (từ 1977 - 1982), khi đập thủy điện Hòa Bình chưa đắp, nay mỗi dịp Tết đến, tôi lại da diết nhớ chợ Bờ với những phiên chợ Tết đông vui như trẩy hội. Nhất là giờ đây, khi nơi này trầm sâu dưới trăm mét nước. Tết lại sắp về, Bờ xưa có thổn thức cùng tôi?


Bến Hạ - Bờ xưa.

Cách thành phố Hòa Bình khoảng 20 km đường bộ và hơn chục km đường sông, chợ Bờ là thủ phủ từ khi thành lập tỉnh Mường (1886), trên bến, dưới thuyền và sau này thêm tấp nập người xe. Trong suốt chiều dài lịch sử, chợ Bờ luôn là nơi gọi mời du khách muôn phương tìm đến. Bởi nó ở vị trí đắc địa. Bởi nó có thác Bờ hung dữ về mùa lũ; thanh bình, kiều diễm mùa nước xanh. Vùng chợ Bờ nay chỉ còn trong ký ức, nhưng càng lần mò ký ức, chúng ta càng gặp lại thác Bờ không chỉ ở nhiếp ảnh, mà cả trên những tác phẩm văn học, mỹ thuật nổi tiếng được tạo bởi những nghệ sỹ nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX.

Có lẽ do sức hút của thác Bờ quá lớn nên các văn nghệ sỹ khi đó bỏ qua hoặc chưa kịp xoay cảm hứng của mình về phố Bờ, chợ Bờ, đó là điều đáng tiếc? Phố Bờ, một thị tứ miền núi nằm cạnh thác Bờ, có sông Đà và QL6A chạy qua. Sự hưng thịnh, mở mang giao thương xưa kia của khu vực này thể hiện thông qua nơi chợ Bờ. Tháng Tết đến, chợ Bờ ta bỗng thấy toát lên rõ lắm bản sắc văn hóa và mức sống của Nhân dân các dân tộc trong vùng.

Thường thì chợ Bờ cứ 10 ngày họp một phiên. Phiên chợ có ngày chợ đón và ngày chợ chính. Chợ đón quan trọng đối với người buôn. Họ đón mua trước hàng hóa mà chủ yếu nông sản của người bản địa. Chợ chính, họ bán hàng mua được của ngày chợ đón cho người tiêu dùng, hoặc bán buôn cho thương lái mang về xuôi. Quy định chợ phiên là vậy, nhưng có thể nói, tháng Chạp và nhất là gần Tết Nguyên đán thì ngày nào cũng là ngày chợ.

Bà con từ các vùng lân cận như những dòng thổ cẩm kéo từ núi ra. Những sản vật rừng từ những gùi, bề được bày ra cùng chủ nhân của rừng ngồi san sát bên nhau. Trước mặt họ là sản vật của rừng, của núi, của suối và của vườn. Từng xâu mộc nhĩ, nấm hương vừa thơm mùi rừng, vừa nồng nàn khói bếp cùng nụ cười sơn nữ khác nào "bỏ bùa” du khách. Từng buộc măng củ, măng lá nâu vàng, khô kiệt xếp thành hàng chờ những bàn tay đón đỡ, nâng niu và đặt vào túi, vào làn, vào bao tải mang về xuôi. Cùng với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành thì ngày Tết ở miền xuôi không thể thiếu bát canh măng khô hầm với chân giò lợn (măng mọc). Nhưng măng khô do bà con miền núi cung cấp.

Cánh lính trẻ đồng bằng lên miền núi công tác ngày ấy bị hút vào chợ Bờ không chỉ ngày Tết, chợ Tết. Đường sá xa xôi, ngày nghỉ không về quê được, gia đình riêng lại chưa có, phương tiện thông tin đại chúng còn hiếm hoi… nên chỉ chờ phiên là chúng tôi ra chợ. Đi chợ để gặp người, gặp văn hóa qua sắc phục và tiếng nói. Tiếng Mường nếu chú ý nghe, dựa vào những từ phổ thông rồi luận ra. Tiếng Dao lại véo von như chim hót. Đôi lúc chúng tôi cứ quanh quẩn bên mấy em gái người Dao để nghe những âm điệu líu lo. Gặp người Tày là "khán bò”, mà lần đầu tiếp xúc, chúng tôi cứ nghĩ họ chào mình là "cán bộ”, mãi mới hay là câu hỏi "khỏe không?”.

Đó cũng chính là khác biệt tuyệt vời giữa miền núi và miền xuôi ở trong chợ. Sự phong phú, đa văn hóa của các dân tộc cùng được thể hiện, phô bày nơi chợ Bờ. Cùng lúc ta được nghe nhiều ngôn ngữ, ngắm nhìn nhiều sắc phục. Cái bề của người Dao khác cái gùi của người Mường; cái ríu (túi lưới) luôn bên thân người Dao công dụng chẳng khác cái ớp của người Mường, nhưng một đan bằng giang, một tết bằng sợi… thật phong phú và thú vị biết bao.

Giáp Tết, những phiên chợ thật đông. Cảm nhận như nhà nhà đi chợ, người người đi chợ. Chợ Bờ đầy người. Trên 2 cây số đường 6A chạy qua phố Bờ cũng đầy người. Đã vậy, lại thêm những chiếc xe tải đoàn 2, đoàn 20 cũng dừng nghỉ "ăn” chợ Tết làm cho nơi đây đã đông vui lại càng nhộn nhịp. Lại nữa, từng đoàn thuyền từ Hào Tráng xuống, Vầy Nưa lên, Thung Nai sang, Ngòi Hoa lại… khẩn trương cập bến lên chợ làm náo nhiệt bến Thượng, bến Hạ nơi bến nước sông Đà.


Người Dao chuẩn bị xuống chợ Bờ. Ảnh: ST

Với phụ cấp (lương) 39 đồng/tháng, chúng tôi dành dụm mua quà về thêm phong phú Tết xuôi. Tàu xe khó khăn, đăng ký, xếp hàng mua vé thật vất vả. Tết không được về quê thì nhớ, thì buồn, nhưng được về lại lo đi đứng, tầu xe ra sao? Đối với cánh lính trẻ lại là con trai, chúng tôi thể nào cũng cố mua lấy ít măng khô, mộc nhĩ, nấm hương về làm quà gia đình và người thân. Như trên đã nói, ngày ấy miền xuôi hiếm măng khô, mộc nhĩ, nấm hương. Hiếm mới quý. Đã vậy, những thứ này khô, nhẹ, chen ních tầu xe không sợ dập, bẹp… thật là nhất cử lưỡng tiện.

Miền xuôi hết Tết, nhưng miền núi hình như Tết chỉ mới bắt đầu. Trở về đơn vị, chúng tôi hòa ngay vào không khí Tết của bà con phố Bờ, Hào Tráng, Vầy Nưa... Ở miền xuôi, đi chúc Tết chỉ tới mỗi nhà một lúc, có khi vừa xong lời chúc nhau năm mới khỏe mạnh, may mắn, có khi chưa kịp uống nước đã vội xin phép đi nhà khác. Như thế, ở làng quê miền xuôi, một buổi sáng có thể tới được nhiều nhà. Ở miền núi không thế, đã đến là phải ngồi mâm, ăn ít, ăn nhiều cứ phải lên đũa, rượu thì khỏi nói. Nhà gỗ, nhà sàn rộng, chỗ ngồi thoải mái, tốp trước đang ngồi, tốp đến sau ngồi tiếp vào… tưng bừng đón xuân. Chưa quen thấy lạ và khó nhất là uống rượu, bởi chưa biết nói gì, mà chưa biết nói gì thì chỉ có uống, thế là say. Dần dần, chúng tôi quen với Tết miền núi. Năm nào được về xuôi ăn Tết với gia đình thì chưa hết phép đã lại muốn ngược Hòa Bình để hưởng không khí Tết với bà con miền núi thân thương.

Hơn 40 năm đã qua, đời sống thay đổi, văn hóa tiếp biến nên phong tục tập quán cũng có những đổi thay, đó là tất yếu đối với cả miền xuôi, miền núi. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của người miền núi Hòa Bình còn đậm bản sắc. Tết đến, hơi xuân tràn mọi nẻo. Các Mường náo nhiệt khí xuân. Nhà nhà dựng cây nêu, xóm xóm căng lưới bóng chuyền, bãi này chuẩn bị ném còn, bãi kia là nơi thi bắn nỏ rộn ràng tiếng hò reo cổ vũ… nam, nữ trong làng đều là cầu thủ. Đội văn nghệ các xóm ca hát tưng bừng, ai cũng có thể là diễn viên. Cây nhà lá vườn càng quý càng thương!

Tết lại Tết. Xuân lại xuân. Sực nhớ đã có một cái Tết cuối cùng tại chợ Bờ, của chợ Bờ năm 1982 để rồi địa danh này vĩnh viễn chìm sâu nơi đáy nước. Phố Bờ và các cơ quan huyện Đà Bắc chuyển về Tu Lý và nay đã thành thị trấn Đà Bắc, còn người dân các vùng lân cận tứ tán. Năm 2022, thấm thoát đã tròn 40 năm vén dân chuyển huyện theo con nước vùng hồ Thủy điện Hòa Bình. Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, trong tôi, trong bạn có thức lại những cái Tết Bờ xưa của 40 năm về trước?.


Lê Va


Các tin khác


Hấp dẫn bánh dày trong ngày tết của đồng bào Mông

(HBĐT) - Trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, không thể thiếu được món bánh dày. Ngày nay, đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất riêng từ nếp ăn ở, sinh hoạt, trang phục, trong đó phải kể đến tục làm bánh dày ngày tết. Với người Mông, ngoài rượu thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết. 

Bảo tồn lễ hội đình Khói

(HBĐT) - Từ năm 2020, lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được khôi phục lại. Đây là lễ hội lớn của cả vùng, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của Nhân dân.

Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Nhâm Dần

(HBĐT) - Chào xuân mới 2022, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, Báo Hoà Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022.

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở VH-TT&DL với Báo Hòa Bình và Đài PT-TH tỉnh

(HBĐT) - Chiều 20/1, tại Sở VH-TT&DL đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Sở VH-TT&DL với Báo Hòa Bình và Đài PT-TH tỉnh trong công tác tuyên truyền các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tỉnh Hoà Bình đến năm 2025.

Nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân

(HBĐT)-Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, đảm bảo phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, tập luyện thể thao, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục