(HBĐT) - Từ năm 2020, lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được khôi phục lại. Đây là lễ hội lớn của cả vùng, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của Nhân dân.



Đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được xây dựng lại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của Nhân dân.

Theo các cụ cao tuổi trong vùng, đình Khói thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và một số vị thần khác. Xưa kia, Mường Khói có rất nhiều sự kiện diễn ra tại đình như lễ rằm tháng Bảy, các lễ sóc vọng hàng tháng. Tuy nhiên, sự kiện văn hoá tín ngưỡng quan trọng nhất là lễ hội đình, được tổ chức vào tháng Giêng. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ những ngày cuối năm cũ, lang cun đã triệu tập các ậu đến họp bàn công việc. Theo quy định, mỗi gia đình đóng góp từ 3 - 5 hào bạc để làng mua trâu làm cỗ cúng thần. Trước hội 1 ngày, mọi người đến đình làm vệ sinh sạch sẽ, mỗi làng, xóm cắt cử người lên rừng lấy củi, lá chuối… và cử vài người có tài nấu ăn đến làm cỗ.
Ngày mồng 8 là ngày vào hội, dân làng tập trung lau chùi đồ thờ tự, quét dọn đình, làm nhà diệc, chuẩn bị nhân lực cho ngày hội. Chính hội vào ngày mồng 9, dân làng tập trung đông đủ tại đình để tổ chức rước sắc phong và rước bóng Quốc Mẫu Hoàng Bà. Chiều cùng ngày, hội bắt đầu mở tại cánh đồng Khậm Xét, thanh niên nam nữ đua tài, đua sức với các trò chơi đặc sắc của dân tộc Mường, như đấu vật, bắn nỏ, đua ngựa, hát thường đang, bộ mẹng, ném còn, đánh khăng. Hội kéo dài đến hết ngày mùng 10 kết thúc. Chiều hôm đó, làng tổ chức rước sắc phong về nhà lang và rước Quốc Mẫu Hoàng Bà như hôm đi đón.

Trải qua thời gian nhiều biến động, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên năm 1950, đình bị dỡ bỏ, lễ hội không còn được tổ chức. Năm 2018, đình Khói được xây dựng lại trên nền đất xưa, mang nét đẹp công trình kiến trúc nghệ thuật. Những cổ vật, đồ thờ tự quý mang dấu ấn thời Nguyễn được lưu giữ tại nhà truyền thống Mường Khói và một số gia đình trong xã. Được cấp uỷ, chính quyền huyện quan tâm, lễ hội được khôi phục lại với quy mô cấp huyện. Diễn ra trong 2 ngày (mồng 8 - 9 tháng Giêng), nội dung cơ bản của lễ hội vẫn theo quy trình, nghi thức cổ truyền xưa, duy có rước sắc phong không tổ chức. Đây là lễ hội với những nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn của Nhân dân với các vị thần, cầu mong một năm mới có cuộc sống đầy đủ hơn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, bình an, hạnh phúc.
Gồm 2 phần (phần lễ và phần hội), nghi thức đầu tiên trong ngày chính lễ (mồng 8) là lễ rước kiệu đi rước Thánh. Đoàn rước kiệu làm lễ tại đình Khói, xuất phát từ đình Khói đến nhà Thánh tại thửa ruộng Lai Liềm. Khi đoàn rước đến nhà Thánh, kiệu được hạ xuống, thầy cúng bắt đầu khấn xin đón rước Quốc Mẫu Hoàng Bà về đình dự hội. Sau đó, đoàn rước khởi kiệu di chuyển về đình, làm lễ dâng hương tại đình. Tiếp theo là phần khai mạc lễ hội, rồi đến các nghi thức dân gian như đè đình, bắn nỏ, kéo co, đánh mảng, vật dân tộc, bóng chuyền. Sáng mồng 9, các xóm tổ chức dâng lễ tại đình, thi ẩm thực, buổi chiều hoạt động thi đấu thể thao, trao giải. Cuối giờ chiều, dân làng tổ chức rước kiệu mời Quốc Mẫu Hoàng Bà về lại nhà Thánh tại thửa ruộng Lai Liềm, hạ cờ và bế mạc lễ hội. Ngoài phần lễ và phần hội, lễ hội còn tổ chức hội chợ và bán các đặc sản địa phương. Người dân mang đến lễ hội những nông sản, ẩm thực như bánh uôi, cơm lam, xôi màu, chuối, mía…
Ở vị trí giữa cánh đồng Khậm Xét, ngôi đình có địa thế đẹp, cảnh quan thiên nhiên rộng rãi, thoáng đãng, cây cổ thụ um tùm toả bóng mát khiến đình thêm thanh tịnh, linh thiêng. Đồng chí Bùi Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Mang giá trị nhân văn sâu sắc, lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, có sự tham gia của cả cộng đồng dân cư với nhiều nghi thức và tục trò độc đáo. Đây còn là nơi gặp gỡ, tôn vinh giá trị, bản sắc văn hoá các dân tộc, tăng tính cố kết cộng đồng. Qua hoạt động lễ hội đẩy mạnh xúc tiến, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, con người, kết nối đình Khói với các di tích khác, hình thành các tuyến, điểm du lịch của huyện.

Bùi Minh

Các tin khác


Sự kết hợp độc đáo giữa xiếc và cải lương

Nối tiếp thành công từ tác phẩm "Cây gậy thần”, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa hoàn thành dàn dựng vở diễn "Thượng Thiên Thánh Mẫu”, tác phẩm thứ hai trong dự án "Huyền sử Việt”. Vở diễn đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người xem khi thể hiện sự sánh đôi đầy táo bạo, nhưng cũng rất ngọt ngào giữa cải lương và xiếc.

"Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2022" hứa hẹn tiếp tục là món ăn tinh thần hấp dẫn khán giả

Thông tin từ Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) ngày 16/1 cho biết: "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2022” được phát sóng vào 20 giờ đêm 30 Tết (tức ngày 31/1/2022).

Sôi nổi cuộc thi gói bánh chưng của người Việt tại Singapore

Trong hai ngày 15 và 16/1, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore đã diễn ra cuộc thi gói bánh chưng, bánh tét và trang trí, trưng bày thành phẩm với chủ đề "Tết Việt” của bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại "đảo quốc sư tử”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật "Mãi mãi niềm tin theo Đảng"

Tối 16/1, tại Hà Nội, chương trình giao lưu nghệ thuật "Mãi mãi niềm tin theo Đảng” lần thứ 16 đã được tổ chức, nhằm chào mừng 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022).

Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh: Khai thác, phát huy vốn văn hóa dân gian

(HBĐT) - Những ngày này, nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh khẩn trương tập luyện những tiết mục múa hát để kịp ghi hình và phát sóng phục vụ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Lập danh mục xác định tên gọi, địa điểm 79 di chỉ văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Năm 2021, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được chú trọng, có tác dụng lớn trong việc lưu giữ và quảng bá tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục