(HBĐT) - Đẻ đất, đẻ nước (ĐĐ, ĐN) là tên gọi chung phổ biến cho tập hợp của nhiều cát, roóng (chương) mo kể về tích đẻ đất, đẻ ra con người và muôn loài được dân gian Mường thể hiện theo dạng những bài văn vần chức năng, truyền miệng, diễn xướng mang tính nghi lễ kể chuyện trong những ngày tang lễ. T
Tập hợp các roóng mo ĐĐ, ĐN là bộ sử thi hào hùng của dân tộc Mường. Từ việc sinh ra đất, trời, nước, cây si khổng lồ, cây Chu Thân đồng bông thau lá thiếc, săn muông (thú) khổng lồ Tìn Vịn Tượng Vượng… thật là những hình tượng nghệ thuật hoành tráng nói về những biến cố lớn trong bình minh lịch sử người Mường.
ĐĐ, ĐN thuộc loại hình mo kể chuyện, mang tính nghi lễ nhằm mục đích kể chuyện lần cuối về mọi sự cho hồn người chết (thực chất là những người sống) được biết trước khi đi về Mường ma.
Mo ĐĐ, ĐN được giới học giả nghiên cứu mo Mường hiện nay gọi là mo sử thi. Bởi toàn bộ các cát, roóng (chương) mo trong ĐĐ, ĐN thực chất là mô tả cuộc dịch chuyển của con người từ thời kỳ ăn lông ở lỗ, hang động ra lập Mường, từ thời kỳ săn bắn, hái lượm khai khẩn đất đai ngoài thung bằng, lũng hẹp, từ đó tìm ra lửa, tìm ra kim loại đồng, sắt… cải tạo cây trồng, thuần dưỡng vật nuôi..., luyện kim loại đồng, sắt làm công cụ lao động, vũ khí săn bắt... Xã hội từ thời kỳ công xã nguyên thuỷ hình thành các bộ lạc, có kẻ trên, người dưới, xuất hiện những cá nhân nổi trội đứng lên làm thủ lĩnh dẫn dắt và cai quản cộng đồng... Tất cả những điều này đều có trong mo.
Thành phần các cát, roóng (chương) Đẻ đất, đẻ nước
Hiện nay, đã có vài văn bản mo được ghi thành chữ và in thành sách. Qua tìm hiểu, trong bài viết này tôi sử dựng tư liệu chính ở 2 cuốn: Trương Sỹ Hùng - Bùi Thiện (1995), Vốn cổ văn hoá Việt Nam (2 tập), Nxb Văn hoá thông tin và cuốn Bùi Nợi - Mo Mường (3 tập), Nxb Văn hóa Dân tộc năm 2012.
Trong mo ĐĐ, ĐN có thể phân làm 2 nhóm như sau: Nhóm sử thi và nhóm có tính sử lồng với truyền thuyết giải thích việc làm, sự vật, hiện tượng trong đời sống tín ngưỡng dân gian Mường. Việc phân loại trên có tính tương đối, đôi khi ước lệ để việc nghiên cứu mo Mường đi vào cụ thể hơn.
Nhóm mo sử thi cơ bản bao gồm các cát, roóng (chương) sau:
ĐĐ, ĐN, Đẻ trứng Điếng, Xin lửa, Làm nhà, Hỏi vợ, Trồng dâu nuôi tằm, Đẻ sanh, Đại hạn đại lụt (Ban hồng thủy), Cổn Chu - Kéo lội, Tranh Chu đốt nhà Vua Dịt Dàng, Săn muông, Đẻ trống đồng, Đẻ gạo, Kén đất làm dinh …
Sơ lược về nội dung một số roóng mo như sau:
ĐĐ, ĐN: Kể về việc đẻ ra đất, nước từ hỗn mang một vụ nổ lớn sinh ra trời, đất, nước... (sinh ra vũ trụ). Từ trên mặt đất sinh ra cây si khổng lồ, từ cây si chết, từ thân cây sinh ra muôn loài…
Đẻ trứng Điếng: Kể về việc đẻ ra trứng chim, từ đó đẻ ra con người và muôn loài... Nói về việc con người ở trong hang đá, sự phân tầng xã hội, khởi nguyên xuất hiện chế độ lang - đạo trong xã hội Mường.
Xin lửa: Kể về việc làm ra lửa, nhờ có lửa con người mới bắt đầu chế biến thức ăn, ăn chín, lửa sưởi ấm đêm đông, lửa xua đi côn trùng bảo vệ con người, lửa xua cả thú dữ, lửa giúp con người đốt quang bờ bãi để mở ra đất canh tác nông nghiệp…
Làm nhà, đẻ sanh, đẻ nổi, đẻ bát, lấy vợ cho Lang Cun Cần: Đây là tập hợp các roóng mo nói về lúc con người ra khỏi hang đá, lập làng Mường, định cư ngoài thung lũng, chân đồi, chân núi. Từ đây người Mường học theo con rùa để làm nhà, làm gốm, nấu đồng đúc sanh nồi… Đặc biệt roóng mo Lấy vợ cho Lang Cun Cần nói về chế độ hôn nhân cận huyết thống thời sơ sử, người Mường nhanh chóng nhận thấy anh em, người cùng dòng máu lấy nhau là không nên, ảnh hưởng rất lớn đến giống nòi sau này…
Trồng dâu nuôi tằm: Kể về khởi nguyên sinh ra nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Đẻ gạo: Đây là roóng mo ngắn nói về nhận thức của người Mường cổ về vấn đề làm nông nghiệp cấy lúa nước, họ nhận thấy dưới chân núi bằng phẳng, xa hơn nữa là đồng bằng, trồng lúa nước cho cuộc sống thịnh vượng hơn làm lúa nương.
Kén đất làm dinh: Sau quá trình phát triển, người Mường bắt đầu tràn xuống vùng đất thấp, bằng phẳng hơn, đó là đồng bằng Bắc Bộ. Vị vua trong truyền thuyết của người Mường là Dịt Dàng bắt đầu xuống đất kẻ chợ cho lập kinh đô ở đất kinh kỳ kẻ chợ.
Cổn Chu - Kéo lội, Tranh Chu đốt nhà Vua Dịt Dàng: Đây là các roóng Mo hào hùng, nói về việc tìm ra cây Chu thân đồng bông thau lá thiếc, chặt cây Chu đồng chuyển xuống đồng bằng trải qua bao hy sinh máu đổ, khó nhọc mới đến được kinh kỳ kẻ chợ làm điện ngài, ngai vàng cho Vua Dịt Dàng… Đây là biểu tượng văn hóa thời kỳ đồ đồng tương ứng với thời kỳ văn minh Đông Sơn. Vào giai đoạn này việc phân chia giai tầng và đấu tranh, xung đột tranh giành quyền lợi giữa các giai tầng và nội bộ giai tầng cầm quyền… Điển hình là hình tượng đốt cung điện Vua Dịt Dàng.
Săn muông hay còn gọi là Săn muông Đìn Vịn Đượng Vượng (có nơi gọi là Tìn Vịn Tượng Vượng): Đây là roóng mo rất hào hùng, kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người trước sự tấn công của muôn loài hoang dã từ côn trùng, rắn rết, cho đến hổ, báo, voi… đến con thú khổng lồ Đìn Vịn Đượng Vượng. Dưới sự "lãnh đạo” của Vua Dịt Dàng, người Mường tổ chức các đội săn, tiêu diệt con thú khổng lồ, mang lại cuộc sống yên lành cho dân Mường. Có lẽ hình tượng con thú khổng lồ Đìn Vịn Đượng Vượng phải chăng còn phản ánh ảnh xạ thế giới khủng long một thời thống trị trái đất…
Nhóm có tính sử thi lồng với truyền thuyết giải thích sự việc, hiện tượng
Thực ra tính sử ở nhóm mo này đôi khi rất mờ, song nó cũng phản ánh ít nhiều thực tế đời sống người Mường thuở xa xưa. Tính sử bị thay thế bằng việc tạo ra các sự việc, sự kiện nhằm giải thích một phong tục nào đó, như tục mo trâu chia của cho người chết, tục mổ gà cúng khi đau ốm cầu mạnh khỏe…
Nhóm có tính sử thi lồng với truyền thuyết giải thích sự việc, hiện tượng có một số roóng mo tiêu biểu như: Đẻ Khót, Đẻ Mo, Đẻ cờ Pèn, Vải che mặt, Đẻ gà, Đẻ núi, Đẻ trâu - gắn với nghi lễ Mo trâu, Đẻ đèn, Đẻ rượu cần…
Đẻ Khót, Đẻ Mo: Đây là 2 roóng Mo có nói về việc học mo của thầy mo, cũng như việc tìm ra các hòn đá lạ, đá quý và các đồ khác… để thầy Mo dùng làm đồ tế khí, đồ thiêng trong công việc làm mo.
- Zạ Zần bắc bôông - dạ dần bắc bông: Kể về việc sinh ra cây cối.
Đạch năm đạch khảng còn hôốc là nàng Thuôi Vạn - đặt năm đặt tháng hay còn gọi là nàng Tuôi Vạn: Kể về việc đặt năm, đặt tháng, kể về việc sinh ra các kiểu chết chóc của con người.
Đại hạn, đại lụt - đại hạn đại lụt: Kể về sự tích bắn 9 mặt trời, 9 mặt trăng và nạn hồng thuỷ từ đó giải thích về tục thờ cúng của người Mường.
Vải che mặt - đây là chương mo ngắn nói về việc khi con người tắt thở, người Mường lấy mảnh vải đen che mặt người chết. Roóng mo này giải thích việc đó và kể về khởi nguyên người xưa tìm ra giống bông vải, sau đó biết trồng bông, dệt vải…
Đẻ gà, đẻ trâu: Kể về sự tích con người nuôi trâu, nuôi gà, bảo vệ chúng, bù lại khi có việc người Mường được mổ thịt chúng để tiến hành hiến sinh hay làm đồ cúng thực hiện nghi lễ.
Như vậy có thể thấy, mo sử thi ĐĐ, ĐN dù có đậm đặc hay mờ nhạt tính sử, nó vẫn có giá trị rất lớn trong việc thực hiện các nghi lễ và phản ánh lịch sử thời xa xưa của người Mường. Tìm hiểu, nghiên cứu về mo sử thi ĐĐ, ĐN góp phần quan trọng giúp hiểu thêm về cuộc sống, lịch sử người Mường thời sơ sử và những bài học có giá trị xuyên thời gian cho tới ngày nay.
BÙI HUY VỌNG (TTV)
(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ có 2 tôn giáo đang hoạt động là Công giáo và Phật giáo với 15.215 tín đồ, chiếm 24,9% dân số toàn huyện. Công giáo có 2 giáo xứ, 18 giáo họ, 5 linh mục, 17 tu sỹ, 42 chức việc, 6.925 tín đồ thuộc giáo xứ Khoan Dụ - xã Khoan Dụ và giáo xứ Đồng Danh - xã Phú Thành. Về Phật giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện hoạt động theo 36 tổ đạo tràng với 8.290 tín đồ.
(HBĐT) - Theo Sở VH-TT&DL, tỉnh đang triển khai kiểm kê di sản mo Mường và thu thập bản cam kết cộng đồng nắm giữ di sản nhằm đánh giá thực trạng, từ đó đề ra phương hướng bảo vệ và phát huy di sản một cách hiệu quả, phù hợp. Việc kiểm kê được hoàn thành trong tháng 3 để chuyển sang các nhiệm vụ tiếp theo. Nội dung kiểm kê bao gồm tất cả những yếu tố liên quan đến di sản, từ con người, hiện vật đến các tư liệu hiện có.
Việc Dàn nhạc giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAMYO) và Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) của Học viện Âm nhạc VYMY liên tiếp ra mắt và đi vào hoạt động vừa qua đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho sự phát triển của âm nhạc hàn lâm nước nhà.
(HBĐT) - Để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, lễ hội đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) năm nay tạm dừng hoạt động liên quan đến phần hội. Các nghi lễ thờ cúng vẫn diễn ra trang trọng, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng dân tộc Mường trên địa bàn.
Thông tin nhạc sỹ Văn Dung - tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Đường Trường Sơn xe anh qua”, "Những bông hoa trong vườn Bác”… qua đời khiến nhiều nhạc sỹ, người yêu nhạc tiếc thương một nhà báo - nhạc sỹ tài hoa.
Sáng 9/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm "Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - viết tiếp những ước mơ”; phát động nhắn tin ủng hộ Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.