(HBĐT) - Những nghệ nhân ở xóm Bèo, xã Xuân Thuỷ (Kim Bôi) luôn tâm huyết, tin tưởng vào sự trường tồn của nghệ thuật dân gian. Đây chính là lý do đánh dấu sự ra đời câu lạc bộ (CLB) dạy và hát dân ca, đánh chiêng Mường xóm Bèo. CLB chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2017.



Các thành viên Câu lạc bộ dạy và hát dân ca, đánh chiêng Mường xóm Bèo, xã Xuân Thuỷ (Kim Bôi) tập luyện, giao lưu nghệ thuật dân gian Mường tại ngôi nhà sinh hoạt chung.  

Do diễn biến dịch Covid-19, các thành viên trong CLB đã lâu mới có dịp gặp gỡ, giao lưu và tổ chức sinh hoạt vào cuối tháng 3. Các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đã thông báo thời gian, trao đổi sơ bộ nội dung của cuộc gặp tới từng người. Địa điểm diễn ra buổi sinh hoạt như thường lệ và các thành viên có mặt đông đủ. Tình hình hoạt động của CLB thời gian qua được báo cáo sơ lược. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, không tập trung nhau nhưng Ban chủ nhiệm, các thành viên vẫn thông tin, liên lạc, kết nối qua điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook… Thay vì thường xuyên như trước, việc truyền dạy, tập luyện được thu xếp thời gian phù hợp và chia thành từng nhóm nhỏ để đảm bảo biện pháp 5K. Phấn khởi là CLB chuẩn bị kết nạp thêm 5 hội viên mới.

Được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian lần thứ hai - năm 2019, bà Bạch Thị Đào, Chủ nhiệm CLB đã truyền tình yêu dân ca Mường đến hàng trăm người, nhiều người là lớp trẻ. Bà cũng là người khởi xướng thành lập CLB dạy hát dân ca và đánh chiêng Mường. Học viên giờ đã có những người hát dân ca hay, hát được nhiền làn điệu như chị Bùi Thị Yên. Có những bé gái mới chỉ 10, 11 tuổi nhưng đã tìm đăng ký tham gia CLB và học những làn điệu dân ca. Em Đinh Thu Hà, 11 tuổi bày tỏ: Em rất thích nghe hát ví, hát dân ca và đang tập luyện để hát được nhiều làn điệu. Mơ ước của em sau này sẽ trở thành nghệ nhân hát dân ca như bà Bạch Thị Đào.

Đến nay, CLB đã quy tụ 33 thành viên tham gia, người cao tuổi nhất đã ngoài 70, ít tuổi nhất là lứa học sinh tiểu học. Đặc biệt, bằng tình yêu và tâm huyết bảo tồn các giá trị văn hoá, CLB đã trở thành điểm sinh hoạt văn hoá, tinh thần của thành viên. Những nghệ nhân, người nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian nhiệt tình truyền lửa cho những người cùng đam mê. Các thành viên CLB cả nam và nữ đều đã có thể tham gia trình tấu chiêng Mường, tự tin biểu diễn một số làn điệu dân ca và chơi nhạc cụ dân tộc Mường.

Ông Bùi Trọng Thơ, Trưởng xóm Bèo cho biết: Xóm có 186 hộ, 945 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 98%. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hoá. Đặc biệt, cấp uỷ, chính quyền địa phương ủng hộ, ghi nhận và tạo điều kiện để CLB hoạt động. Tại địa bàn cơ sở cũng thường xuyên khích lệ, động viên để các thành viên CLB thêm đam mê, tâm huyết với công tác bảo tồn.

Năm năm qua, cùng với tinh thần giữ lửa, lan toả tình yêu với chiêng Mường, nhạc cụ dân tộc và dân ca, CLB đã gặt hái những "trái ngọt" cho địa phương. Nổi bật là giải nhất hội diễn văn nghệ "Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới” huyện Kim Bôi lần thứ III - năm 2019. CLB cũng thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ du khách tại khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi. Các tiết mục tham gia giao lưu trong và ngoài huyện được người xem dành nhiều tình cảm mến mộ.

Bùi Minh

Các tin khác


Ném pao - trò chơi độc đáo của người Mông

(HBĐT) - Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và Mai Châu nói riêng. Ném pao thường được tổ chức trong ngày lễ, Tết, lễ hội truyền thống, những dịp vui của bản. Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui, mà quả pao còn được xem là một minh chứng cho hạnh phúc tình yêu đôi lứa, gửi gắm bao ước vọng trong mùa xuân mới.

Huyện Tân Lạc: Triển khai mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn

(HBĐT) - Thực hiện Công văn số 262/SVHTTDL-NSVHGĐ, ngày 21/2/2022 của Sở VH-TT&DL, UBND huyện Tân Lạc vừa ban hành Văn bản số 45/PVHTT, ngày 20/3/2022 đề nghị các đơn vị xã, thị trấn triển khai mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện. Qua đó, khẳng định và tôn vinh giá trị, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các DTTS.

Thăm đền Sòng Sơn - di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng tại xứ Thanh

(HBĐT) - "Nhất vui là hội Phủ Dày/ Vui thì vui vậy, chẳng tày Sòng Sơn” và "Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”... Đó là những lời hay, ý đẹp được người đời ca tụng khi nói về đền Sòng Sơn nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm đền Sòng Sơn và đến Chín Giếng trước ngày nơi đây tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 26/2 âm lịch. Ngay từ cửa đền vào đã thấy kiệu rước để người dân nơi đây chuẩn bị cho ngày chính hội.

Ra mắt Câu lạc bộ Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 31/3, tại nhà văn hóa Mường Bi, xã Phong Phú, UBND huyện Tân Lạc tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường. Tới dự có lãnh đạo Sở VH-TT&DL; Huyện ủy, UBND và một số ban, ngành huyện; đại diện CLB Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường các huyện Lạc Sơn, Cao Phong.

Thể lệ Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia với chủ đề Tự hào một dải biên cương năm 2022

Sáng 31/3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch… phát động Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia lần thứ 2 với chủ đề "Tự hào một dải biên cương".

Hành xử ở chốn linh thiêng - thể hiện phông văn hóa của mỗi người

(HBĐT) - Văn hóa không chỉ thể hiện ở học thức mà còn cho thấy ở ngay trong trang phục, cách hành xử của con người. Những ngày gần đây, khi du lịch bắt đầu mở cửa đón du khách trở lại, những điểm du lịch tâm linh như đền Chúa Thác Bờ, chùa Tiên… dần thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh. Một số người đến vì thành tâm cầu khấn, cũng có người đến thăm quan, vãn cảnh chùa. Mọi chuyện không có gì cho đến khi nhiều người xuất hiện tại những địa điểm tâm linh với những bộ trang phục không phù hợp và những hành động phản cảm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục