(HBĐT) - Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và Mai Châu nói riêng. Ném pao thường được tổ chức trong ngày lễ, Tết, lễ hội truyền thống, những dịp vui của bản. Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui, mà quả pao còn được xem là một minh chứng cho hạnh phúc tình yêu đôi lứa, gửi gắm bao ước vọng trong mùa xuân mới.


Thiếu nữ dân tộc Mông, xã Hang Kia (Mai Châu) chơi ném pao ngày xuân.

Đến với xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) những ngày xuân, dưới tán đào bung nở sắc hồng phai, những phụ nữ dân tộc Mông mải miết khâu những đường chỉ cuối cùng cho bộ váy mới, đặc biệt chị em tự tay khâu cho mình những quả pao đầy màu sắc để chơi xuân. Để làm quả pao, chị em thường khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh, bởi theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Khi khâu vải phải cuộn thật chặt, khi nào thấy căng tròn mới được.

Không biết quả pao có từ khi nào và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người đàn ông Mông đi tìm vợ đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng, còn người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Trò chơi ném pao đơn giản nhưng thể hiện tính nhân văn sâu sắc, từ trò chơi ném pao mà nhiều đôi lứa mới gặp gỡ, hứa hẹn và đem lòng yêu thương nhau đi đến thành vợ, thành chồng.

Chị Sùng Thị Múa, xóm Hang Kia, xã Hang Kia cho biết: "Từ xưa, truyền thống của người Mông vùng cao khi Tết đến, xuân chị em phải có quả pao. Trò chơi ném pao mang ý nghĩa tình cảm, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện chúng tôi cũng truyền lại cho con cháu, các thế hệ trẻ không bỏ qua ném pao, đây là bản sắc tốt đẹp của đồng bào Mông”.

Một trong những người làm thổ cẩm, khâu pao cho nam, nữ trong xã nhiều năm nay, chị Sùng Y Mái, xã Pà Cò chia sẻ: Người đàn ông dân tộc Mông "đi tìm vợ” tiêu chuẩn đầu tiên của họ là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, cầm quả pao không cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông đảm đang thì phải biết làm quả pao tốt. Trong đời sống hiện đại, giá trị thẩm mỹ, tinh thần của quả pao vải thổ cẩm tự làm không thay đổi, vẫn được đa số người dân ưa chuộng, lựa chọn.

Ném pao thường diễn ra ở sân nhà văn hóa bản, sân bóng, hoặc khu đất mà người ném pao thấy hợp lý. Người chơi chia làm hai bên nam - nữ, mỗi bên từ 3 - 10 người, đứng đối diện, hai đội cách nhau khoảng 3 - 5 m tùy theo diện tích của sân bãi. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được pao. Nếu thua phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quyết định. Khi ném pao, cũng là lúc các đôi trai gái trao nhau những ánh mắt, nụ cười, trao nhau tình cảm, sau cuộc chơi nếu thấy ưng ý, người con trai sẽ giữ lại quả pao của người con gái và tìm đến nhà để bày tỏ tình cảm, tiến tới kết duyên đôi lứa.

Hiện nay, đời sống ngày càng phát triển, việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa, trò chơi truyền thống của người Mông được chú trọng. Bởi vậy, trong nhiều năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn đã quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các mô hình học tập ngoài giờ lên lớp. Những hoạt động này đồng thời cũng giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Cô giáo Vàng Y Sai, giáo viên trường TH&THCS Hang Kia chia sẻ: "Để bảo tồn, phát triển các trò chơi dân gian, trong đó có một số trò như ném pao, ném còn của học sinh người Mông, trường vận dụng nhiều biện pháp để thu hút học sinh như huy động sự tham gia của phụ huynh, 1 tuần sắp xếp 1 buổi chiều thứ Tư để các em được tham gia các trò chơi dân gian".

Cùng với trò chơi ném pao, đồng bào Mông ở Mai Châu còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh én, tu lu, đẩy gậy, ném còn... Thông qua các trò chơi không chỉ thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của người đàn ông, sự khéo léo, nhanh nhẹn của người phụ nữ Mông mà còn gửi gắm biết bao ước nguyện, khát vọng trong mùa xuân mới - một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, đủ đầy.

Thu Hường

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)


Các tin khác


Hành xử ở chốn linh thiêng - thể hiện phông văn hóa của mỗi người

(HBĐT) - Văn hóa không chỉ thể hiện ở học thức mà còn cho thấy ở ngay trong trang phục, cách hành xử của con người. Những ngày gần đây, khi du lịch bắt đầu mở cửa đón du khách trở lại, những điểm du lịch tâm linh như đền Chúa Thác Bờ, chùa Tiên… dần thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân vãn cảnh. Một số người đến vì thành tâm cầu khấn, cũng có người đến thăm quan, vãn cảnh chùa. Mọi chuyện không có gì cho đến khi nhiều người xuất hiện tại những địa điểm tâm linh với những bộ trang phục không phù hợp và những hành động phản cảm.

Xã Gia Mô: Đoàn kết xây dựng đời sống mới

(HBĐT) - Cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được cán bộ và Nhân dân xã Gia Mô (Tân Lạc) hưởng ứng, tham gia tích cực. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng củng cố, phát huy, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Tôn vinh di sản nghệ thuật của cố họa sĩ Phan Kế An

Nhiều tác phẩm của cố họa sĩ tài danh Phan Kế An, bao gồm cả những bức vẽ chưa từng được công bố, đang được trưng bày trong triển lãm "Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu”, diễn ra đến ngày 16/4 tại Viện Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Cuộc thi đấu hót chim chào mào mở rộng lần thứ II

(HBĐT) - Ngày 27/3, tại Công viên Tuổi trẻ, câu lạc bộ chim chào mào thành phố Hòa Bình tổ chức cuộc thi đấu hót chim chào mào mở rộng lần thứ II, năm 2022 "Đấu trường đỉnh cao – kết nối đam mê".

Nhiếp ảnh Hòa Bình lặng lẽ đi qua mùa dịch

(HBĐT) - Dẫu không có nhiều những tay máy chuyên nghiệp, nhưng từ mấy thập kỷ qua, nhiếp ảnh Hòa Bình đã từng bước tạo được chỗ đứng trong làng nhiếp ảnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc, thậm chí ở quy mô toàn quốc. Qua đó quảng bá văn hóa, con người đất Mường ra tỉnh bạn và với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có phần trầm lắng.

Thủ tướng Chính phủ gửi Thư chúc mừng đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào Khmer, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi Thư chúc mừng đến đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer. Báo Nhân Dân trân trọng giới toàn văn bức Thư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục