(HBĐT) - Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy. Văn hóa người Việt được đặc trưng bởi Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.


Đoàn thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) tại Lễ rước kiệu về Đền Hùng năm 2022 do các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích tổ chức.

Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO ghi rõ: "Bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên trong gia tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý "Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước”; nhấn mạnh với nhân dân toàn thế giới về ý nghĩa của tín ngưỡng đặc biệt này đối với dân tộc Việt Nam: "Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn Tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và những ngày còn lại trong năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao Tổ tiên trong dựng nước và giữ nước”.

Đến thời điểm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh, chưa có bất kỳ một hồ sơ tương tự về Tín ngưỡng thờ Tổ tiên chung của cả một đất nước được UNESCO lựa chọn đưa vào danh mục di sản của mình. Vì thế, để nhấn mạnh đến tính riêng có, độc đáo và cũng là để trở thành một ví dụ toàn cầu về tinh thần yêu nước, đoàn kết, hồ sơ đã ghi rõ: "Người Việt coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nhưng cũng là truyền thống của nhiều tộc người ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ khiến người dân ở tỉnh Phú Thọ, cả nước Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của triết lý hướng về cội nguồn trong cuộc sống tinh thần của các cộng đồng địa phương. Việc ghi danh cũng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng thờ cúng Hùng Vương ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế ở các làng, xã, không chỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh”...

Sau 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị Tổ tiên - dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước. Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu; các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ; hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông... Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.

Theo đồng chí Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022: Để tiếp tục lan tỏa Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ trong đời sống cộng đồng, trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian; khôi phục và bảo tồn các lễ hội liên quan  đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về di sản văn hóa phi vật thể "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là tài sản quý giá của nhân loại và vai trò, trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị to lớn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Phát huy vai trò của cộng đồng là một giải pháp quan trọng và bền vững trong việc bảo tồn di tích nhằm hướng đến mục đích: Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa mang lại. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ... đến tất cả các cấp, ngành và Nhân dân toàn tỉnh, du khách trong và ngoài nước, thông qua đó cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích nơi thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tập trung xây dựng, phê duyệt quy hoạch hệ thống các di tích liên quan đến thờ cúng Hùng Vương, các tướng lĩnh thời Hùng Vương đảm bảo chủ động, khoa học, hiệu quả… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các giá trị văn hóa, gắn bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa vừa có năng lực, trình độ, vừa có tâm huyết là cơ sở quan trọng, là nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trước mắt và cả lâu dài. Hoạch định và thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.


P.V (TH)


Các tin khác


Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam

Ngày 4/4, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Festival Huế phối hợp với Ban Bảo trợ điện Huệ Nam (còn gọi điện Hòn Chén) tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam năm 2022, với sự tham dự của hơn 400 thanh đồng, đạo hữu theo đạo Mẫu cùng đông đảo người dân địa phương, du khách.

Chương trình Vào hạ năm 2022 và khai trương Suối Hoa tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

(HBĐT) - Từ ngày 3 - 15/4, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong (Cao Phong) tổ chức chương trình du lịch Vào hạ và khai trương Suối Hoa. Sự kiện được gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, nhằm hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2022 và kích cầu du lịch nội địa.

Ném pao - trò chơi độc đáo của người Mông

(HBĐT) - Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và Mai Châu nói riêng. Ném pao thường được tổ chức trong ngày lễ, Tết, lễ hội truyền thống, những dịp vui của bản. Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui, mà quả pao còn được xem là một minh chứng cho hạnh phúc tình yêu đôi lứa, gửi gắm bao ước vọng trong mùa xuân mới.

Huyện Tân Lạc: Triển khai mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn

(HBĐT) - Thực hiện Công văn số 262/SVHTTDL-NSVHGĐ, ngày 21/2/2022 của Sở VH-TT&DL, UBND huyện Tân Lạc vừa ban hành Văn bản số 45/PVHTT, ngày 20/3/2022 đề nghị các đơn vị xã, thị trấn triển khai mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện. Qua đó, khẳng định và tôn vinh giá trị, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các DTTS.

Thăm đền Sòng Sơn - di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng tại xứ Thanh

(HBĐT) - "Nhất vui là hội Phủ Dày/ Vui thì vui vậy, chẳng tày Sòng Sơn” và "Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”... Đó là những lời hay, ý đẹp được người đời ca tụng khi nói về đền Sòng Sơn nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm đền Sòng Sơn và đến Chín Giếng trước ngày nơi đây tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 26/2 âm lịch. Ngay từ cửa đền vào đã thấy kiệu rước để người dân nơi đây chuẩn bị cho ngày chính hội.

Ra mắt Câu lạc bộ Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 31/3, tại nhà văn hóa Mường Bi, xã Phong Phú, UBND huyện Tân Lạc tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường. Tới dự có lãnh đạo Sở VH-TT&DL; Huyện ủy, UBND và một số ban, ngành huyện; đại diện CLB Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường các huyện Lạc Sơn, Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục