Hiện nay, trong tỉnh lưu truyền 3 bản mo Mường được xuất bản, gồm bản của cố nhà nghiên cứu Bùi Thiện, của Sở VH-TT&DL và của nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Nợi. Trong 3 ấn phẩm trên, có thể thấy khá rõ bản của Bùi Nợi và Sở VH-TT&DL chủ yếu được sưu tầm ở địa bàn huyện Tân Lạc, Cao Phong… song cái lõi chủ yếu vẫn là sưu tầm ở vùng Mường Bi (Tân Lạc), xin gọi là Mo Mường Bi. Bản của Bùi Thiện được sưu tầm ở vùng Lạc Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy… xin tạm gọi là bản mo Mường Bùi Thiện do sưu tầm hay Mo Bùi Thiện.
Riêng roóng mo Đẻ đất đẻ nước của Mường Bi và mo Mường của Bùi Thiện có sự khác nhau khá cơ bản về một số chi tiết ở đoạn mở đầu.
Trong xã hội cũ, việc thực hiện tang lễ thường kéo dài 5 - 7 ngày đêm, thậm chí trong các nhà lang đạo quý tộc, tang lễ kéo dài 12 - 15 ngày đêm. Mo Đẻ đất đẻ nước thường được diễn xướng vào đêm thứ nhất hay đêm thứ 2 - 3 trong chuỗi ngày thực hiện tang lễ.
Vắn tắt về nội dung roóng mo Mo Đẻ đất đẻ nước cơ bản như sau: Trời đất thuở xưa còn bạc lạc, bời lời, một vụ nổ lớn sinh ra đất - nước – vũ trụ… Một cây si nhỏ mọc lên, không may nó bị chết yểu. Sau đó, mọc lên cây si khác khổng lồ, từ cây si vươn cành sinh ra các mường lớn, mường nhỏ… Sau đó, cây si bị sâu hà mục ruỗng, gẫy đổ. Từ thân cây si sinh ra lớp nhân vật thứ nhất trong mo Mường là: Dạ Dần, Dạ Dợ... đẻ các nhân vật quái gở như: Khồng Cả, Khồng Vàng, Chim Ây - Cái Ưá...
Chim Ây - Cái Ưá mổ vách đá làm hang để ở, sinh ra rất nhiều trứng, từ các trứng này sinh ra muôn loài và sinh ra loài người. Có vài quả trứng đặc biệt, sinh ra 3 anh em Đá Cài, Đá Cần (có nơi gọi là Tá Cài, Tá Cần) và Nàng Út Dạ Kịt.
Bối cảnh xã hội khi đó rối ren, loạn lạc, con người nhận thấy rằng họ cần phải có một người làm thủ lĩnh để dẫn dắt dân Mường, thế là dân Mường vào hàng mời, rước Đá Cần ra làm lang cai quản đất Mường, không may bị ma Cốch (Sao chổi) đánh chết. Dân Mường lại phải lần nữa vào hang mời Đá Cần ra làm lang… Riêng bản mo Mường Bi có những chi tiết khác biệt so với bản của Bùi Thiện, song sau khi bóc tách sự "can thiệp” mang tính tạo hóa của Bà Nhần, cốt lõi của nội dung cũng tương đồng như Mo Bùi Thiện. Về đặc điểm đều là các lời Mo được sưu tầm trong dân gian, nên sự lặp đi, lặp lại, chi tiết đôi lúc lộn xộn, không logic, gây khó khăn cho các nhà sưu tầm khi biên tập, biên dịch lại. Chúng tôi cố gắng hệ thống lại và truyền tải tới bạn đọc những nội dung, giá trị cốt lõi của Đẻ đất đẻ nước.
Đẻ đất đẻ nước bản Mo Mường Bùi Thiện sưu tầm:
Đẻ đất là roóng mo đầu tiên mở đầu cho chuỗi mo Đẻ đất đẻ nước. Đây là câu chuyện kể lại sự sinh nở của Trái Đất khi còn hỗn mang:
Cuông đất khi xưa còn bạc lạc
Cuông nước xưa kia còn bời lời
Trời với đất còn liền làm một
Chưa có sào sông Ly([1]) chảy lọt lá cỏ tranh
Chưa có sào sông Cái([2]) chảy lọt lá le
Nước sông Đằm, sông Đè([3]) khi xưa chưa có.
Đất trời còn đang trong cảnh "bạc lạc" "bời lời" hỗn mang đất trời chưa hình thành nên muôn loài chưa có:
Bỗng tự dưng
Nghe tiếng xoẹt như tiếng xé gió
Nghe tiếng vèo như con diều hâu bay
Nghe bên chiêu gió thổi ra rầm rầm
Nghe bên đăm gió cuốn ra cuồn cuộn
Cuốn đất đã nên đất
Cuốn nước đã nên nước
Trời ra trước là khật
Đất ra sau lồ lộ
Nở đất ra bằng mẹng cái ang
Nảy đất vàng bằng miệng cái bát, cái đĩa...
Thật là một cuộc sinh nở vĩ đại. Từ một vụ nổ sinh ra đất và nước. Lời miêu tả của dân gian đơn giản nhưng vẫn lột tả được một vụ nổ sinh ra trời - đất - nước…
Đẻ đất đẻ nước bản Mo Mường Bi:
Trời ra trước bạc lạc
Đất ra sau bời lời
Trời ra trước ở trên
Đất ra sau ở dưới
Trên trời đặt ra làm chín
Dưới đất đặt ra làm mười
Trời ở trên úp không lặp
Nắp ở trên úp không vừa.
Từ đây, tác giả dân gian cho sinh ra một nhân vật nữ là Bà Nhần làn người "xếp sắp” lại bầu trời, mặt đất, một dạng kiểu nhân vật Nữ Oa trong thần thoại trong văn hóa Trung Hoa, hay kiểu ông Đùng trong thần thoại cổ của người Mường…
Bà Nhần mới xuống đất bằng
Đặt ra bốn phương
Phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc
Rồi bà Nhần thu đất lại
Nắm đất rắn nên đá
Dồn đất lại nên đồi
Phương Bắc để cao
Dồn lại thành đồi dốc, núi cao
Phương Nam để thấp
Nén đất trũng xuống thành bể, thành sông
Để cho con cá, con khú, con rồng thong dong dưới nước.
Có hay không sự khác biệt trong chi tiết mở đầu
Có thể thấy, trong chi tiết mở đầu bản mo Bùi Thiện hoàn toàn mang tính tự nhiên trời - đất - nước được sinh ra từ hỗn mang qua vụ nổ lớn. Song bản mo Mường Bi không nói đến vụ nổ lớn, chỉ nói đất trời sinh ra bời lời, bạc lạc, sau đó xuất hiện nhân vật Bà Nhần "nắn đất lại nên đá”, "dồn đất thu nên đồi”, "nén đất trũng xuống thành bể, thành sông”… Như vậy có thể thấy, mo Bùi Thiện trời đất, núi non… sinh ra từ tự nhiên; còn mo Mường Bi cho rằng núi đồi, sinh ra nhờ thần thánh.
Ban đầu nghe hơi rối, tại sao cùng là Đẻ đất đẻ nước lại có sự khác biệt về chi tiết sinh ra đất trời, núi non, đất đá? Sau khi xem xét kỹ sẽ thấy, bản mo Mường Bi nếu gạt bỏ đi các chi tiết thần thánh can thiệp nắn đất rắn thành đá, thành núi đồi… thì ta sẽ thấy bản mo Mường Bi và mo Bùi Thiện hoàn toàn tương đồng nhau về tổng thể trong chi tiết mở đầu, có sự thống nhất khá cao trong nội dung cốt lõi.
[1]Sông Ly là con sông thần thoại trên trời.
[2] Sông Cái thường được người Mường gọi các khúc sông sâu, rộng, có nhiều nơi gọi đây là con sông Hồng.
[3] Sông Đằm, sông Đè là tên gọi chung của sông Đà.
(Còn nữa)
Bùi Huy Vọng (TTV)