(HBĐT) - Sau khi đất - nước - trời - núi đồi… được sinh ra, cây si là cây đầu tiên tự sinh, tự mọc ra trên mặt đất. Cây si không phải là cây si thường, nó là cây si ban đầu - nói theo tiếng Hán - Việt thì là cây khởi thủy, từ cây si sinh muôn loài trên mặt đất.


Các tác giả Đặng Văn Lung - Vương Anh - Hoàng Anh Nhân, trong cuốn "Đẻ đất đẻ nước, Sử thi Mường” in năm 2012, đã nhận thấy: "Cái làm thành nội dung Đẻ đất đẻ nước không phải là một hành động ngẫu nhiên, bất kỳ và tùy tiện, mà là một câu chuyện có nhiểu hành động được chọn lọc kỹ càng, mang màu sắc tượng trưng độc đáo…”.

Như vậy, mỗi một nhân vật, một hành động… có trong Mo Mường đều được người xưa có ngụ ý xây dựng để truyền tải những thông điệp, những giá trị nào đó, cây si có trong Đẻ đất đẻ nước càng cho thấy rõ điều đó. Cây si không chỉ là cây, mà được tác giả dân gian Mường cho sinh ra như một nhân vật khởi thủy có tính ban đầu tạo nên nhiều thứ.

Tại sao người Mường chọn cây si là biểu tượng đầu tiên trong Mo Sử thi Đẻ đất đẻ nước. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này.

Như trong bài 1 đã nói, sau khi đất, nước, trời, núi đồi… được sinh ra, trên mặt đất nảy lên một cây si nhỏ mọc trên vách đá, cây cố lớn, nhưng không lớn được, cây si bị gió đánh đổ. Sau đó có một cây si khác mọc lên, chẳng mấy chốc đã thành cây si khổng lồ:

Mỏng manh cây si mọc lên

Nơi đất bằng, đất tốt

Đất tốt, đất lành cây si mọc

Đầu hôm rễ mọc dài ba mươi gang

Sáng mai rễ đã dài mười sải

Buổi sáng thân si to bằng cái chày

Ban trưa to bằng cái cối

Chập tối to bằng đụn mười bốn, mười ba…

Bản Mo Mường Bi của Bùi Nợi mô tả cũng rất hoành tráng:

Phất phơ cây si đã mọc

Lóc ngóc cây si đã lên

Ban sáng bằng cái chày

Ban trưa nửa ngày to bằng đụn mười bốn

Ngọn bằng đụn mười ba

Chia cành ra nhánh, cánh lá xum xuê.

Ra bốn mươi rễ, bảy mươi cành, mươi ngọn

Gốc cây si ăn sâu dưới đất

Ngọn cao khuất cả Mường trên núi, trên trời…

Với sức lớn như vậy cây si lớn dần thành cây si khổng lồ, cây si vũ trụ, cây sinh ra cành tỏa ra các hướng, mỗi một cành, một nhánh cành si sinh ra các Mường, như Mường Vang, Mường Thàng... Đẻ ra đồng ruộng, các bưa, các bãi...

Roóng cành đen nên con chim ác

Roóng bạc nên các vì sao

Roóng trắng ngà nên mặt trăng...

Phải năm không lành, cây si bị gió đánh đổ xuống rộc, từ thân, gốc si đều bị chết. Từ cây si chết mục đẻ ra lớp nhân vật đầu tiên trong Mo Mường là: Dạ Dần, Dạ Dợ, dạ keo Renh... đẻ các nhân vật quái gở như: Khồng Cả, Khồng Vàng (Tướng ma chuyên làm chuyện gở), Cun Út chàng Tu, Cun Tù chàng Tần (Loại tướng ma quỷ chuyên quản các loại ma tù nhân) đẻ ra Chim Ây cái Ứa, đẻ ra Dạ Dần…

Đây là lớp nhân vật thần thoại đầu tiên trong Mo Mường, cũng từ đây hình thành nên một số khỉ thủy phong tục tín ngưỡng dẫn gian Mường còn kéo dài cho đến ngày nay.

Trong số các nhân vật được sinh, đáng chú ý nhất chính là cặp đôi Chim Ây cái Ứa. Đôi chim này đẻ ra trứng Điếng (có nơi gọi là Trứng Tiếng), từ những quả trứng này sinh ra muôn loài, sinh ra con người, sinh ra Đá Cài (có nơi gọi là Tá…), Đá Cần, Nàng Út Dạ Kịt… là gia đình đầu tiên được biết đến của người Mường.

Chúng ta đều biết, vùng người Mường sinh sống là vùng đồi núi thấp, thảm thực vật xanh tươi quanh năm, có hàng vạn loại cây to, tốt… vậy tại sao tác giả dân gian Mường lại chọn cây si là nhân vật, là biểu tượng trong Mo Đẻ đất đẻ nước?

Cây si là loài cây mọc hoang trong thiên nhiên nhiệt đới rất dễ gặp trong vùng Đông Nam Á. Cây si lá dày, màu xanh sậm, trên thân, cành có rất nhiều rễ phụ nhỏ buông xuống, khi gặp điều kiện thuận lợi nó phát triển rất nhanh thành thân cây. Si rất dễ trồng, cành nhánh đem dâm đều sống, thậm chí cắt cành đem ngâm vào nước nó cũng sống. Có lẽ ở Việt Nam trừ vùng nước mặn ra, hầu như đất nào cây si cũng sống được. Khi đã bám đất, cây phát triển rất nhanh, cành là xum xuê, chỉ gần chục năm thân cây đã to có dáng như cổ thụ. Trong địa vực người Mường sinh sống, cây si rất dễ trồng và mọc hoang nhiều trong thiên nhiên.

Với nhiều loài thực vật khác khi bị đốn gốc đổ xuống đều bị chết, riêng với si hoàn toàn ngược lại, cành bị chặt rời khỏi thân cây, gốc bị đốn, các cành si, cây si đều có thể tái sinh mọc lên những thân cây mới lại phát triển, đâm cành, xanh lá vươn lên. Do đặc điểm sức sống mãnh liệt nên si được người Mường sử dụng là biểu tượng mãnh liệt của sức sống con người.

Trong đời sống thường ngày, người Mường thường trồng cây si ở các nơi thiết chế thờ tự chung của cộng đồng như: Đền thờ Thành Hoàng, Đền thờ Chúa Đất (Người có công khai phá đồng, ruộng, lập nên làng Mường), các đình, chùa. Trong thiên nhiên nơi nào có cây si cổ thụ người Mường không xâm phạm, họ coi đó là nơi trú ngụ của thần linh. Không chỉ được trồng tại các khu thiết chế thờ tự, ngày nay, cây si còn được trồng làm cây cảnh làm đẹp, lấy bóng râmcho nhà cửa, công sở.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Thành, thì cây si mang tính lưỡng hợp, gốc sống ở trên cạn, các cành, tua rễ nó có thể thả xuống nước, sình lầymà vẫn sống được. Người Mường cũng là dân tộc sống lưỡng hợp, họ sống được trên núi, chân núi thấp, thung lũng và cả đồng bằng. Về phương thức sản xuất người Mường vừa trồng lúa nương, vừa rất giỏi việc trồng lúa nước. Địa vực người Mường sinh sống có những con sông lớn chảy qua như sông Đà (vùng Hòa Bình), sông Mã (vùng Thanh Hóa), sông Bôi, sông Bưởi…Việc săn bắt trên cạn, song họ cũng rất giỏi việc đánh cá trên sông nước, nhất là ở vùng sông Rậm, bến Bờ (sông Đà), Rác Hoa (Ngòi Hòa)… họ rất thành thạo. Người Mường cũng rất giỏi việc mở ruộng nước, đào ao thả cá.

Như vậy có thể thấy rõ, người Mường chọn cây si là nhân vật, là biểu tượng trong Mo Đẻ đất đẻ nước là hoàn toàn có chủ ý. Đây là thứ cây có sức sống, sức sinh sôi mãnh liệt, phản ánh sức sống của dân tộc Mường, một dân tộc bản địa ở Việt Nam đã có lịch sử hàng nghìn năm với bề dày văn hóa trầm tích chứa đựng những giá trị nhân văn xuyên thời gian.


Bùi Huy Vọng (TTV)


Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục