Lễ hội Gầu Tào đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, tạo nên những nét đặc trưng riêng độc đáo, đậm đà bản sắc trong trang phục, trong âm nhạc, tạo hình, truyền thống phong tục và các lễ hội… Truyền thống văn hóa dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Xác định điều đó, Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 coi văn hóa là một trong những động lực quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh.Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Chương trình hành động thực hiện NQĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Tập trung xây dựng và phát triển con người Hòa Bình hoàn thiện cả về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc, quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Tiếp tục lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Sử thi Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập.
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, các dân tộc trên địa bàn vẫn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ. Nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao. Người Tày vẫn giữ được bản sắc riêng, độc đáo như làn điệu dân ca, duy trì học chữ cổ trong cộng đồng... Người Dao vẫn giữ phong tục cấp sắc, Tết nhảy, học chữ cổ... Người Mông giữ được trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ, Tết Mông cùng với các lễ hội, âm nhạc - khèn Mông... Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng và trở thành lễ hội thường niên hàng năm thu hút đông đảo người dân tham gia như: Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc); Xên bản xên Mường dân tộc Thái, Gầu Tào đồng bào dân tộc Mông Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu)...
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể (VHPVT) tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2030. Đối tượng gồm di sản VHPVT tiêu biểu của 5 DTTS Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Phạm vi thực hiện trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra 7 mục tiêu chủ yếu là: Tổ chức sưu tầm, kiểm kê, bổ sung các tài liệu, tư liệu VHPVT, hiện vật liên quan đến các di sản VHPVT tiêu biểu các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc lập danh mục, tư liệu hóa di sản VHPVT tiêu biểu đang tồn tại trong cộng đồng 5 DTTS. Lập hồ sơ khoa học 10 di sản VHPVT tiêu biểu các DTTS trên địa bàn tỉnh trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia. Hoàn thành đề án hồ sơ khoa học di sản VHPVT Mo Mường Hòa Bình đề nghị Chính phủ trình tổ chức UNESCO thế giới công nhận là di sản VHPVT của nhân loại. Tổ chức thực hiện một số dự án truyền dạy các di sản VHPVT tiêu biểu như: Nghệ thuật chiêng Mường; kết cấu và cách dựng nhà sàn dân tộc Mường truyền thống; nghệ thuật hát Thường đang, Bộ mẹng dân tộc Mường; lịch cổ dân tộc Mường và cách sử dụng; nghệ thuật hát Khắp dân tộc Tày, dân tộc Thái... Biên soạn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về di sản VHPVT tiêu biểu các DTTS tỉnh. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tác nghiệp công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, trình diễn, tuyên truyền di sản VHPVT cho cán bộ các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở VH-TT&DL, các huyện, thành phố. Có 4 Dự án thành phần của Đề án, gồm: Kiểm kê di sản VHPVT tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình; sưu tầm, tư liệu hóa di sản VHPVT tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình; giới thiệu, quảng bá, truyền dạy di sản VHPVT tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình; xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản VHPVT tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay càng trở nên ý nghĩa hơn cũng là tròn 90 năm Thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình. Tỉnh ta cũng đang gấp rút chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh nền Văn hóa Hòa Bình như tổ chức điền dã thám sát một số di chỉ khảo cổ tại các di tích tiêu biểu về nền Văn hóa Hòa Bình. Trưng bày triển lãm chuyên đề "Văn hóa Hòa Bình” giới thiệu Bộ sưu tập hiện vật đá, xương với 500 hiện vật gốc; 100 ảnh tư liệu mô tả, minh họa về nền Văn hóa Hòa Bình. Hội thảo Quốc gia 90 năm xác lập nền Văn hóa Hòa Bình; công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác.
Văn hóa các DTTS là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng. Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam là dịp để giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các dân tộc trong cộng đồng hiểu về nhau, gần gũi, đoàn kết cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Từ đó cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
Đinh Hòa