Tối 7/6, trong khuôn khổ chuyến hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức triển lãm "Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nhân Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022).


Đại biểu tham quan triển lãm trong buổi khai mạc.

Triển lãm trưng bày, giới thiệu 95 hình ảnh và tư liệu về quê hương, gia đình, cuộc đời của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu-người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19.

Đồng thời, triển lãm cũng giới thiệu các tác phẩm văn học-nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu như: Diễn xướng các tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu: Nói thơ Vân Tiên, Đờn ca tài tử, Sân khấu cải lương vở tuồng "Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga”, vở nhạc kịch "Tiên Nga”, Phim điện ảnh "Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên”; Các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu và hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; các ngôi trường, đường phố… gắn liền với tên ông.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất thân trong gia đình nhà nho, Nguyễn Đình Chiểu là điển hình của tấm gương ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Ngay từ thuở nhỏ ông đã phải trải qua những biến cố lớn của gia đình: Cha bị mất chức quan lại trong triều đình phong kiến, ông được gửi ăn học ở Huế từ năm 11 tuổi. Mẹ mất khi ông ở độ tuổi thanh xuân. Vì thương khóc mẹ, ông lâm cảnh mù lòa, công danh dang dở, hôn thê bội ước, Nguyễn Đình Chiểu vẫn không nản chí. Mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm thuốc giúp người dân nghèo và sáng tác thơ văn.


Người tham quan hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thông qua các hình ảnh, tư liệu tại triển lãm.

Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại.

Từ khi ra đời, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông, tiêu biểu là "Lục Vân Tiên”, "Dương Từ - Hà Mậu” đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ.

Mỗi người dân nơi đây tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và thế giới nhân vật trong văn thơ Đồ Chiểu từ vẻ đẹp tâm hồn thuần hậu, thủy chung đến cách nói mộc mạc. Và như một lẽ tự nhiên, "lối văn” ấy đã thấm sâu vào đời sống nhân dân qua nhiều hình thức biểu hiện văn hóa đó đến nay, không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới tìm hiểu, ngưỡng mộ.

Hơn 20 năm cuối đời, ông lui về ẩn dật sống dạy học, làm thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác văn thơ, truyền dạy nghề y tại làng An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông mất vào năm 1888 và được nhân dân làm lễ trang trọng, an táng tại đây. Tài năng, tiết tháo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở.

Với những cống hiến trên, vào tháng 11/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.

Triển lãm diễn ra đến ngày 17/6. Được biết, "Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu” sẽ lần lượt đi qua các tỉnh Bến Tre, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế.   

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục