Bảo tàng tỉnh Hoà Bình là bảo tàng khảo cứu địa phương. Những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt chức năng sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật và di sản văn hoá, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các loại tư liệu, tài liệu, hiện vật, di sản văn hóa nổi bật và đặc sắc. Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh có 4 phòng trưng bày di sản văn hóa được chia thành 4 chủ đề, trong đó chủ đề trưng bày nền Văn hóa Hòa Bình đặt tại không gian rộng, trung tâm, nổi bật nhất.
Văn hoá Hoà Bình là "gạch nối” giữa thời đại Đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) và thời đại Đá mới (Văn hóa Bắc Sơn). Nơi cư trú chính là các hang động và mái đá, ngoài ra có một bộ phận rất nhỏ cư trú ngoài trời và thềm sông suối. Họ sống theo chế độ mẫu hệ, kinh tế chủ yếu là săn bắt và hái lượm. Đặc trưng nhất của nền văn hoá này là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội, bằng sự kết hợp các thủ pháp chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè - đẽo, mài - cưa tạo ra những công cụ như: công cụ hình đĩa, 1/4 viên cuội, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi…
Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ trên 18.000 hiện vật. Đợt trưng bày chuyên đề "Văn hóa Hòa Bình” trên đất Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh là sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình” (1932 - 2022) với trên 1.000 hiện vật gốc, gồm có bộ sưu tập hiện vật đá, xương; bộ sưu tầm hình ảnh, các bản trích giới thiệu, sơ đồ và tài liệu khoa học liên quan. Các hiện vật của nền Văn hóa Hòa Bình nói riêng, di sản văn hóa của tỉnh nói chung đang được bảo quản tối ưu, sắp xếp ở các vị trí khoa học, hợp lý. Qua đó phát huy nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, phổ biến tri thức khoa học, lịch sử đến với công chúng hiệu quả, góp phần phục vụ nhu cầu nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của các nhà khoa học và Nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 16 di tích đã được công nhận, trong đó có 13 di tích cấp tỉnh và 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, huyện có di tích khảo cổ hang xóm Trại, xã Tân Lập và di tích khảo cổ mái đá Làng Vành, xã Yên Phú. Đây là 2 di tích khảo cổ có các hiện vật phong phú, tiêu biểu về Văn hóa Hòa Bình, đã được nhà khảo cổ M. Colani và Viện Khảo cổ học khai quật từ lâu. Hiện nay, các di tích này đều được giao trông coi quản lý và là điểm thăm quan, tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh và của Sở VH-TT&DL về bảo tồn và quản lý các di tích, Phòng VH-TT huyện tham mưu UBND huyện Lạc Sơn triển khai kế hoạch bảo vệ các di tích trên địa bàn, đặc biệt là các di tích quốc gia và cấp tỉnh. Để bảo tồn lĩnh vực văn hoá và gắn kết với phát triển du lịch, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 08 về bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc Mường huyện Lạc Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, UBND huyện đã triển khai Đề án và ban hành kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn từ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để thực hiện các nội dung về bảo tồn, tôn tạo các di tích cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó có nội dung bảo tồn các văn hóa phi vật thể để tới đây phát triển du lịch trên địa bàn.
Mong muốn giữ gìn di tích xứng tầm là di tích quốc gia
Bùi Văn Thành, Xóm Hui, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn
Xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn có dãy núi Sáng với hang Chổ, động Mãn Nguyện, hang Núi Sáng và hang Khụ Thượng được công nhận 2 di tích khảo cổ cấp quốc gia và 2 di tích danh lam. Đây là những di tích quan trọng của ngành khảo cổ trong tìm hiểu, khám phá đời sống cư dân của người tiền sử. Sinh ra và lớn lên ở nơi đây, tôi luôn tự hào vì đây là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình. Nơi đây còn chứa đựng nhiều điều về nguồn gốc của con người. Những di tích này thường xuyên có các đoàn khảo cổ, nghiên cứu lịch sử về thăm quan, khai quật. Cũng từ đó nhiều người biết đến xã Cao Sơn hơn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc quản lý, gìn giữ, đầu tư tôn tạo di tích chưa được chú trọng. Việc quản lý chỉ dừng lại ở xây tường bao khu di tích. Có nơi không có biển hiệu, không có bảng giới thiệu di tích… Nhiều người đến lần đầu không biết đây là nơi nào. Những khu vực quan trọng chưa được khai quật, không được rào, bảo vệ để phục vụ công tác nghiên cứu, khai quật của các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về người tiền sử. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đầu tư, tôn tạo di tích để phục vụ khách du lịch và thế hệ trẻ tìm hiểu về Văn hóa Hòa Bình.
Trách nhiệm gìn giữ giá trị di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình ở hang Muối
Nguyễn Thị Hương Trà, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc)
Trên địa bàn thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có hang Muối (hang Màn) là di tích khảo cổ học thuộc nền Văn hóa Hòa Bình, có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Phát hiện ra di tích hang Muối là bước hết sức quan trọng và mang giá trị lịch sử to lớn, có ý nghĩa về nhiều mặt khoa học. Di tích hang Muối là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho nền khoa học nước nhà cũng như nền khoa học thế giới một tư liệu quý.
Nhân dân thị trấn Mãn Đức nói chung và tuổi trẻ thị trấn nói riêng luôn cảm thấy tự hào vì mảnh đất này là một trong những nơi mà cư dân nguyên thủy đã từng sinh sống. Bởi vậy những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Mãn Đức luôn khuyến khích đoàn viên, thanh niên không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng chung tay tham gia bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di tích khảo cổ học tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua những hoạt động thiết thực như: tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cối để di tích luôn sạch đẹp, giới thiệu giá trị di tích khảo cổ học hang Muối đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài tỉnh… Từ đó, góp phần tạo sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tham gia bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích trong Nhân dân.