(HBĐT) - Thành lập ngày 21/8/2022, câu lạc bộ (CLB) hát tiếng Mường xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) là sân chơi bổ ích, kết nối những người yêu ca hát, đam mê âm nhạc dân tộc Mường. Từ đó thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong đời sống nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.


Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại lễ ra mắt câu lạc bộ hát tiếng Mường xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy).

Mỗi buổi tối, khi cơm nước xong, bà Quách Thị Ọt, Chủ nhiệm CLB hát tiếng Mường xóm Yên Tân ra nhà văn hóa xóm cùng các thành viên CLB luyện tập. CLB có 45 thành viên, 100% là người dân tộc Mường, trên 90% là phụ nữ. Đều đặn mỗi tuần từ 3 - 4 lần, thành viên CLB gặp mặt, cùng nhau luyện tập những lời ca, tiếng hát theo nhiều chủ đề khác nhau, với nhiều thể loại: hát đối, hát giao duyên, hát ví, thường rang bộ mẹng… Dân ca Mường mỗi thể loại có nhạc điệu riêng, nhưng cách hát lại tùy cảm hứng, tùy đối tượng để sáng tạo, điều chỉnh tiết tấu, cung bậc cho phù hợp. Vì vậy, dân ca Mường rất thuận lợi cho việc đặt lời và thực tế lời trong dân ca vừa tự nhiên vừa giàu nhạc điệu. Cùng với đó là những điệu múa đập bông bông, nhảy sạp… thể hiện nét duyên dáng của những cô gái Mường. 

Bà Ọt chia sẻ: "Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng của xóm Yên Tân hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia biểu diễn và luyện tập các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. CLB hát tiếng Mường xóm Yên Tân được thành lập hội tụ những người đam mê ca hát, yêu văn nghệ quần chúng. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên CLB cùng ôn lại những bài hát giàu bản sắc văn hóa dân tộc, gợi lại những ký ức thời xa xưa khi mang tiếng hát "lên nương, làm rẫy”.
Để duy trì hoạt động, CLB ban hành quy chế hoạt động, xây dựng quỹ với mức đóng góp 100.000 đồng/thành viên/năm. Hiện nay, các thành viên CLB đã luyện tập thành thạo trên 20 tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại các ngày hội, lễ, Tết ở địa phương. Từ khi thành lập đến nay, CLB tổ chức được 6 buổi giao lưu văn nghệ với các CLB hát tiếng Mường tại huyện Lạc Sơn, Tân Lạc và một số vùng có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại tỉnh Thanh Hóa. Thông qua hoạt động giao lưu văn nghệ giúp các thành viên được trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để luyện tập và xây dựng các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

"Tham gia sinh hoạt tại CLB tôi được thỏa mãn niềm đam mê ca hát, gặp gỡ, giao lưu với những người có chung sở thích. Đặc biệt, khi tham gia giao lưu văn nghệ với các CLB hát tiếng Mường khác, các thành viên được học hỏi kỹ năng sáng tạo lời hát, trau dồi văn hóa, phong tục bản sắc văn hóa dân tộc Mường để thể hiện qua lời ca, tiếng hát..." - chị Quách Thị Rảnh, thành viên CLB hát tiếng Mường xóm Yên Tân chia sẻ. 

Đồng chí Bùi Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lương cho biết: "Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, CLB hát tiếng Mường xóm Yên Tân duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo Nhân dân hưởng ứng. Thời gian tới, chính quyền xã mong muốn Ban chủ nhiệm CLB và các thành viên tiếp tục tăng cường luyện tập các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm làm tốt công tác bảo tồn, phát huy những làn điệu dân ca để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Qua đó tạo được sân chơi bổ ích, gắn kết những người đam mê nghệ thuật, yêu âm nhạc, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH địa phương".

Đức Anh


Các tin khác


Ngày 18/11 sẽ tiếp nhận cổ vật do Hoa Kỳ trao trả cho Việt Nam

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 16/11 cho biết: Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022) và kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình toà nhà bảo tàng (1932 - 2022), ngày 18/11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề "Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia".

Tìm hiểu sơ lược về nền Văn hóa Hòa Bình: Bài 2 - Dấu tích thời đồ đá qua di chỉ khảo cổ

(HBĐT) - Thời đại đồ đá kéo dài khoảng gần 3,4 triệu năm và kết thúc vào giai đoạn khoảng từ năm 8700 - 2000 trước công nguyên. Trong giai đoạn này, đá đã được sử dụng rộng rãi để tạo ra các công cụ có cạnh sắc, đầu nhọn hoặc một mặt để đập dùng trong săn bắn, hái lượm.

Tìm hiểu sơ lược về nền Văn hóa Hòa Bình: Bài 1 - Từ thời tiền sử đến cột mốc 90 năm được định danh Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Văn hóa Hòa Bình (VHHB) là nền văn hóa tiền sử nổi tiếng, có mặt phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á nhưng phân bố dày đặc và phong phú ở Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền VHHB. Trong đó, riêng tỉnh Hoà Bình có trên 70 di tích đã được phát hiện và nghiên cứu. Sự hiện diện của nền VHHB là minh chứng khẳng định Hòa Bình - Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người. 

Thông tin mới nhất về kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng ''Hoàng đế chi bảo''

Tối 14/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin chính thức về kết quả đàm phán hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo”.

Huyện Đà Bắc: Quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa (NVH) ở các xóm, bản là một trong những danh mục công trình được huyện Đà Bắc thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2022 trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục