(HBĐT) - Sắc bùa hay còn gọi "phường xéc bùa", "phường chúc", "phường bùa” là loại hình hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống của đồng bào Mường thường diễn ra trong các sự kiện lớn, ngày hội, ngày lễ, Tết của dân tộc. Đặc biệt, vào ngày Tết, phường bùa thường tổ chức đi sắc bùa các gia đình trong bản. Phường bùa đi tới đâu rộn vang tiếng chiêng tới đó, tạo nên không khí ngày xuân tươi vui, rộn ràng.


Phường bùa ở phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) đi chúc Tết và trẩy hội đầu năm. 

Theo người Mường, sắc bùa hay còn gọi là "xéc bùa”, có nghĩa là xách cồng. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian, diễn ra hàng năm vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường, gắn với một số nghi lễ nhằm cầu mong một năm mới phát tài, thịnh vượng, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, con người may mắn và dồi dào sức khỏe.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Thảo, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) cho biết: Hàng năm, cứ đến dịp Tết hay dịp mừng nhà mới của dân bản, người Mường lại tập trung thành phường bùa đi chơi, đi chúc nhau những điều tốt đẹp. Nét đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều biểu hiện qua lời hát. Mọi trình tự diễn ra trong suốt buổi hát sắc bùa đều có câu hát tương ứng, người ta không phải dừng lại để nói hay hướng dẫn. Hát mở cổng, hát chúc mừng, hát xin lên nhà, hát đồng ý, hát cảm ơn… Độc đáo nhất là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà, thể hiện cái tài và khả năng ứng tác của cả hai bên. Những câu hát đều do sự ngẫu hứng của hai bên trên nền tảng của truyền thống dân ca Mường và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc sắc bùa.

Trình tấu chiêng xéc bùa là một hình thức sinh hoạt văn hóa đầu xuân truyền thống, vừa là không gian văn hóa gia đình, vừa là không gian văn hóa cộng đồng rộng lớn. Vừa trình tấu chiêng, vừa sáng tác ngẫu hứng những lời hát dân ca chúc tụng cuộc sống ấm no và mùa xuân tươi đẹp. Phường bùa dưới sự dẫn dắt của ông trùm là người am hiểu các bài chiêng và giỏi hát đối đáp có tài ứng xử. Dàn chiêng ít thì 4 - 5 chiêng, đầy đủ thì có 12 chiêng với các nhóm chiêng chót, chiêng bồng, chiêng trầm.

Sau ngày mùng 1 Tết, phường bùa bắt đầu đi chúc Tết các gia đình trong bản. Trước khi đi, phường bùa thường tụ họp ở nơi trung tâm bản đánh chiêng với âm thanh rộn rã, rồi lần lượt đi đến từng nhà trong bản. Phường bùa vừa đi vừa đánh những bài chiêng khác nhau, đến nhà ai thì dừng lại đánh bài chiêng theo điệu phát rác nhà ông. Ông trùm phường bùa cất lời hát phát rác nhà ông. Chủ nhà mới ra mở cổng cho vào, người nhà đã đứng ở sân hoặc trên cầu thang đón phường bùa. Ai cũng vui mừng mong phường bùa đến nhà chúc Tết. Chủ nhà bày rượu cần, có khi cả cỗ để mời phường bùa. Phường bùa đứng chung quanh bình rượu cần hoặc mâm cỗ đánh nhiều bài chiêng như: bài chiêng uống rượu, đi đường, đi quanh đường làng, sắc bùa và bông trắng, bông vàng.

Những bài hát cổ truyền hay sáng tác ngay tại chỗ các bài hát mới về mùa xuân, cây cối, đất trời, mùa màng và nhiều nội dung phong phú, hay và ý nghĩa như: "Anh em phường bùa chúng tôi/Chúc Tết nhà ông/Trông đi ngó lại/Trâu bò nhà ông/Nhốt buộc đầy sân/Đụm lúa nếp nhà ông/Ăn đến hết tháng 5/Đụm lúa chăm nhà ông/Ăn đến hết tháng 10/Dàn chiêng xéc bùa chúng tôi/Leo qua 9 vai núi/Lội qua 10 áng mây…”. Sau cuộc chúc mừng, chủ nhà biếu phường bùa một vài tấm bánh, một ít gạo, có khi cả tiền và những lời cảm ơn tốt đẹp. Trùm phường bùa thay mặt phường bùa cảm ơn và chúc chủ nhà: "Nhà cao có nhiều lúa, ngô, trâu, bò, lợn, gà, quanh năm no đủ, chúc mọi người mạnh khỏe, may mắn, bình an". Cứ vậy, trong những ngày xuân, phường bùa sẽ lần lượt đến chúc Tết các nhà trong bản, trong mường, vừa đi vừa đánh các bài chiêng... tạo nên âm sắc rộn vang riêng có của bản Mường.

Mỗi năm, khi Tết đến, xuân về, khắp các nẻo đường của bản mường đều vang lên những tiếng chiêng và điệu hát sắc bùa rộn ràng, tươi vui cầu cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

 Đỗ Hà

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục