Du khách tham quan, chiêm bái tại di tích núi Niệm, thôn Chùa, xã Phú Thành (Lạc Thủy).
Cách trung tâm xã Phú Thành khoảng 3 km, quần thể danh thắng núi Niệm nằm trong dãy núi Ba Cô, gồm 3 di tích liền kề nhau: di tích lịch sử văn hóa đền Niệm, di tích thắng cảnh động Thông Linh, di tích khảo cổ học mái đá Niệm. Đền Niệm có từ lâu đời, khởi nguyên là một ngôi đền nhỏ dưới chân núi, thờ tam vị chúa Mường. Tương truyền, người dân trong vùng thấy những ánh hào quang trên dãy núi cùng đáp xuống và biến mất. Đó được cho là hiện thân của tam vị chúa Mường đến giúp khai dân, lập ấp. Để tưởng nhớ công lao, người dân đã lập đền thờ dưới chân núi. Mỗi khi có việc đại sự của làng, tổng, quan chức địa phương và người dân lại đến ngôi đền để khấn, niệm được phù hộ, cái tên núi Niệm được gọi từ đó.
Bà Bùi Thị Lan, thôn Chùa được xã tín nhiệm giao quản lý toàn bộ khu vực quần thể núi Niệm. Bà Lan cho biết: "Gia đình tôi đã 4 đời làm thủ nhang ở đền Niệm, tiếp nhận cai quản, tổ chức các nghi lễ trong đền. Mỗi năm đền tiếp đón hàng nghìn du khách, đông nhất là dịp lễ, Tết. Mọi hoạt động thu chi trong đền đều tự chủ, nguồn thu hàng năm từ công đức, dịch vụ được kiểm kê, trích ra để sữa chữa, tu bổ khu di tích. Mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ sửa chữa, mở rộng đường giao thông đến khu di tích núi Niệm, quy hoạch bãi để xe rộng rãi để thuận tiện cho du khách đến tham quan, chiêm bái”.
Chúng tôi tiếp tục tham quan di tích với sự hướng dẫn của bà Lan vào động Thông Linh. Trước đây động bị phù sa sông Bôi xâm thực, lấp kín. Năm 2009, chính quyền và người dân tổ chức nạo vét, bới đất để tu bổ đền đã lộ ra hang động với vô vàn nhũ đá, măng đá tuyệt đẹp. Động Thông Linh chia thành 2 cung phòng. Cung thứ nhất rộng trung bình 10 m, chỗ sâu nhất 15 m, cao nhất khoảng 17 m, có một tảng đá liền khối chặn lối đi, tạo thành 2 ngách chính vào lòng động. Ngách thứ nhất rộng trung bình 2,5 m, sâu 12 m là thế giới của các khối nhũ đá lung linh, huyền ảo. Khối từ trên cao tỏa xuống như một đóa hoa khổng lồ, khối như chân váy của nàng tiên phất phơ trong gió, khối lại vươn lên như cây chống trời hay cây đa cổ thụ. Đến với cung phòng thứ hai dài trên 20 m, nơi rộng nhất 6 m, vòm trần cao từ 2 - 14 m, chúng tôi được chiêm ngưỡng thế giới nhũ đá nhưng là cảnh thôn quê trù phú như tạc từ bên ngoài vào. Các khối nhũ mọc so le từ nền động vươn lên như một khu vườn đầy hoa trái xen kẽ các ngôi nhà.
Rời ngách nhỏ tiến về phía Tây Nam cửa động theo một cầu thang quanh co dẫn ra ngoài cửa hang. Cửa hang cao hơn mặt ruộng khoảng 15 m. Ngọn gió đồng thổi mang hương thơm của hoa trái như đánh thức mọi người về với thực tại để tiếp tục khám phá mái đá Niệm. Tháng 9/2012, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thám sát các hang động trong dãy Ba Cô và núi Niệm. Qua thám sát, đoàn thu được trên 300 công cụ các loại: đá văn hóa Hòa Bình, xương, nhuyễn thể... Đây là những tư liệu quan trọng cho quá trình nghiên cứu văn hóa Hòa Bình. Ngoài ra, những điểm nổi bật khác của khu di tích như bức phù điêu "Cửu long tranh châu”, dàn chiêng cổ, trống đồng…, đặc biệt là lễ hội đình làng Chùa được tổ chức mùng 5 tháng giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương dự hội.
Đồng chí Bùi Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: Quần thể di tích núi Niệm mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, tâm linh, đậm bản sắc dân tộc. Cùng với các di tích, danh thắng khác của huyện như chùa Tiên, nhà máy in tiền, quần thể di tích núi Niệm góp phần tô điểm bức tranh du lịch huyện Lạc Thủy, quảng bá tới du khách gần xa, tạo nguồn thu dịch vụ cho địa phương.
Hoàng Anh