(HBĐT) - Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong Nhân dân. Với nhiều hoạt động phong phú, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, đội văn nghệ quần chúng được thành lập không chỉ tạo sân chơi cho những người đam mê, yêu văn nghệ mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Những ngày này, tại nhà văn hoá các thôn, xóm, khu dân cư lại vang lên tiếng đàn, tiếng nhị và những lời ca, điệu múa của các bà, các chị tập luyện văn nghệ chuẩn bị biểu diễn tại hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 2023. Mỗi đội văn nghệ lựa chọn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá của từng dân tộc, những tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước… Tiết mục biểu diễn được lựa chọn, tập luyện kỹ, vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị, vừa phù hợp thị hiếu của người dân địa phương. Nhiều đội văn nghệ đã khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc của người Mường, múa xoè dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa chuông dân tộc Dao...
Đồng chí Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã Thung Nai (Cao Phong) cho biết: Các xóm trong xã đều có đội văn nghệ từ 15 - 30 người tham gia. Đội văn nghệ vừa hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương, là nhân tố tham gia tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Hiện nay, các đội văn nghệ quần chúng, CLB văn hóa văn nghệ... được duy trì, nhân rộng ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia. Toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng và hàng trăm CLB văn hoá văn nghệ. Bên cạnh tập luyện biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại, các đội văn nghệ chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. Qua đó, nhiều loại hình văn nghệ dân gian, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển. Hoạt động của các đội văn nghệ cơ sở không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Hàng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức, trong những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ - thể thao thu hút người dân tham gia. Thông qua đó tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các hạt nhân văn hóa văn nghệ, góp phần làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật biểu diễn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của đông đảo nhân dân.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã, đang khẳng định chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm có hàng nghìn buổi biểu diễn và các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ được tổ chức từ tỉnh xuống cơ sở. Sức hấp dẫn của phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, người dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Để duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình các CLB, đội văn nghệ. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Đỗ Hà