Huyện Lạc Sơn thành lập và duy trì các câu lạc bộ hát thường rang bộ mẹng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Lạc Sơn có địa bàn rộng, dân cư đông, là 1 trong 4 vùng Mường nổi tiếng (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh Hòa Bình. Với trên 91% dân số là đồng bào dân Mường, việc giữ "hồn Mường”, cốt cách văn hóa Mường luôn là điều trăn trở với những người giữ trọng trách đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Mường Vang. Để nâng tầm giá trị DSVH, tháng 12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện”; UBND huyện ban hành đề án "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Sơn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tháng 8/2022 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án.
Nghị quyết số 08-NQ/HU ban hành năm 2021, đề án và kế hoạch triển khai ban hành năm 2022 nhưng trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện đã được triển khai từ nhiều năm trước. Theo đó, từ năm 2020 - 2023, UBND huyện đã thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện; câu lạc bộ (CLB) mo Mường cấp huyện; 7 CLB hát thường rang bộ mẹng dân tộc Mường cấp xã; 5 CLB chiêng Mường; 252 CLB văn nghệ cấp xóm, phố và một số CLB dệt thổ cẩm, làng nghề mây tre đan tại các xã, thị trấn. Phục dựng 2 lễ hội truyền thống trên địa bàn, gồm: Lễ hội đình Khói - xã Ân Nghĩa, lễ hội đình Khênh - xã Văn Sơn. Phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở và các cơ quan thông tấn, báo chí trong tỉnh làm phim về Tết Độc lập, ẩm thực người Mường, ghi âm, ghi hình hát thường rang bộ mẹng tại một số CLB để lưu giữ và truyền thông, quảng bá. Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu về các khu di tích lịch sử - văn hóa như đình Khói, đình Cổi và các lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội Đu Vôi, lễ hội đình Khênh, lễ hội đình Khói, lễ hội hang Khụ Dúng... Trình đề nghị công nhận 1 nghệ nhân nhân dân và 7 nghệ nhân ưu tú. Đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy chữ Mường, mo Mường, hát thường rang bộ mẹng dân tộc Mường và nghề dệt thổ cẩm.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vật thể dân tộc Mường trên địa bàn huyện cũng được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã trình cấp có thẩm quyền công nhận 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, gồm: Di tích đình Băng, di tích đình Khênh và di tích đình Khói. Đầu tư xây dựng một số di tích như: Đình Khói, đình Cổi, đình Khênh và di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện tiếp tục đề nghị công nhận một số di tích cấp tỉnh như: Trạm tiếp nhận cung cấp lương thực, thực phẩm cho lớp huấn luyện quân sự "Trường Sơn kháng Nhật học hiệu" tại xã Tân Mỹ; di tích hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành. Đề xuất cấp nâng cấp 2 di tích khảo cổ học cấp quốc gia hang xóm Trại - xã Tân Lập, mái đá Làng Vành - xã Yên Phú thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. Phối hợp đề xuất đầu tư xây dựng bảo tàng "Văn hóa Hòa Bình" thời tiền sử tại xã Tân Lập và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng không gian văn hóa Mường tại xóm Vành - xã Yên Phú. Nghiên cứu các phương án tổ chức lễ khai hạ dân tộc Mường tại huyện Lạc Sơn năm 2024 và xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện dự kiến vào năm 2024. UBND huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một số di tích như: khu căn cứ cách mạng Chiến khu Mường Khói; hang Khụ Dúng; đình Băng; di tích Trường Sơn kháng Nhật học hiệu; địa điểm thành lập Văn phòng Tỉnh ủy tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa… nhằm nâng tầm và phát huy giá trị các DSVH trên vùng đất Mường Vang.
Thúy Hằng (CTV)