Đến với bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình để cảm nhận về một bản Mường nơi lòng hồ non nước hữu tình, lòng người hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.



Hiện nay, một số hộ dân ở bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình đã xây dựng các homestay để đánh thức tiềm năng vùng lòng hồ.

Nằm trong vùng "vén dân” khi xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, bản Bích Trụ gần như mất toàn bộ đất canh tác và trở thành một bản vùng lòng hồ. Biến khó khăn thành lợi thế, người dân Bích Trụ đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đồng thời chú trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện nay, 53 hộ dân trong xóm đã phát triển 167 lồng cá các loại và 4 hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch cộng đồng.

Từ thành phố Hòa Bình, chỉ mất 20 phút đi thuyền hoặc đi đường bộ để đến bản Bích Trụ. Cách Thủy điện Hòa Bình hơn 3 km, Bích Trụ được chia làm hai cụm dân cư chính nhưng nhìn tổng thể các hộ chủ yếu sinh sống men theo lòng hồ Hòa Bình. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bản Mường này vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Trong đó chủ yếu là những ngôi nhà sàn xây được xây dựng khang trang, thoáng mát.

Ông Bùi Văn Chức, xóm Bích Trụ cho biết: Để bảo vệ rừng, từ lâu bản chúng tôi không còn dựng nhà sàn gỗ. Tuy nhiên, phong tục của cha ông để lại, các hộ chuyển sang xây nhà theo phong cách nhà sàn, vừa chắc chắn, vừa thoáng mát. Đặc biệt, khi xây dựng nhà sàn, toàn bộ chuồng trại chăn nuôi được chuyển ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Không chỉ lưu giữ những nếp nhà sàn, nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ, lưu truyền, làm nên nét cuốn hút độc đáo riêng có ở Bích Trụ. Chị Bùi Thị Phương là người gốc Tân Lạc về Bích Trụ làm dâu. Từ nhiều năm nay, cũng như những phụ nữ Mường ở Bích Trụ, chị Phương giữ thói quen mặc trang phục dân tộc vào ngày lễ, ngày Tết. Ngoài ra, các chị đã thành lập đội văn nghệ và thường xuyên luyện tập các bài chiêng cổ, các điệu Thường rang - bọ mẹng để biểu diễn trong các ngày lễ, hội.

Đặc biệt, không khó để nhận ra người dân Bích Trụ rất tự hào với bản làng của mình và luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, bản Mường xinh đẹp này đang là điểm đến lý tưởng nằm trên cung đường khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa du lịch vùng lòng hồ. Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng bản Bích Trụ cho biết: Sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, việc giữ gìn môi trường nước trên hồ Hòa Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặt khác, những năm gần đây, để giữ chân du khách mỗi khi đến với lòng hồ Hòa Bình chính là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, làn nước trong xanh, bản sắc văn hóa độc đáo. Vì vậy, hàng năm, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban công tác mặt trận bản Bích Trụ đã xây dựng kế hoạch và vận động người dân chủ động thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường hoa, vườn hoa thanh niên và thu dọn vệ sinh tại các bến bãi, điểm tham quan du lịch, trên mặt hồ.

Hiện nay, cùng với nghề nuôi trồng thủy sản đã gắn bó từ lâu đời, nhiều hộ dân tại Bích Trụ bắt đầu phát triển mô hình du lịch, nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như đi bộ, đạp xe khám phá bản làng, leo núi, chèo bè mảng, đánh bắt cá tôm, câu cá trên hồ, hay thưởng thức các món ăn do bà con tự chăn nuôi, chế biến hoàn toàn theo phong cách ẩm thực dân tộc Mường.

Đồng chí Hà Văn Thiểm, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai xây dựng Bích Trụ trở thành điểm du lịch cộng đồng tại vùng lòng hồ. Xã đã hỗ trợ các hộ đầu tư xây dựng cảnh quan, các sản phẩm du lịch độc đáo và kết nối du lịch với các bản vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc để tạo ra các tuyến du lịch hấp dẫn vùng lòng hồ.

Cuối tháng 11 này, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch tại bản Mường Bích Trụ. Tại ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc. Đặc biệt, tại ngày hội có tổ chức đua thuyền Kayak và trình diễn dù lượn thể thao có động cơ; trưng bày không gian văn hóa đặc trưng dân tộc Mường; sản phẩm du lịch đặc trưng và hoạt động trang trí vườn hoa thanh niên. Trong khuôn khổ ngày hội, thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình du lịch tham quan hồ Hòa Bình - Không gian văn hóa bản Mường Bích Trụ - thác Giăng; tham quan hồ Hòa Bình - Không gian văn hóa bản Mường Bích Trụ - thác Giăng - đền Chúa Thác Bờ; tham quan các điểm du lịch của thành phố. Với những hoạt động hấp dẫn, ngày hội sẽ khắc sâu hơn nữa trong lòng du khách về một bản Mường với non nước hữu tình, sự hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Đinh Hòa


Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục