Lễ hội Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, quy mô lớn nhất của người Mường tỉnh Hòa Bình. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, 2024, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, quy tụ 4 vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) tham gia, là dịp để các tinh hoa văn hóa dân tộc Mường hội tụ và tỏa sáng.


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2024 được tổ chức với nhiều hoạt động đậm đà bản sắc.

Lễ hội Khai hạ gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công mở đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với mọi nhà. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với nhiều nghi thức độc đáo, tạo nên nét riêng trong lễ hội. Tùy từng vùng Mường mà thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội có sự khác nhau. Lễ hội Khai hạ Mường Vang (Lạc Sơn) tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch Mường Vang tại miếu Áng Ka và một số địa điểm khác; lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) tổ chức ngày mùng 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng tại miếu Cả; lễ hội Khai hạ Mường Động (Kim Bôi) tổ chức ngày mùng 3/5 âm lịch, tức ngày mùng 4/4 theo lịch Mường Động tại miếu Mường Chanh. Ở huyện Tân Lạc, Lễ hội Khai hạ được tổ chức ngày mùng 7, 8 tháng Giêng, tức ngày mùng 6, 7/7 theo lịch Mường Bi. Lễ hội là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước làm nông nghiệp... Trải qua hơn 20 năm phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm 2024, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/2 (tức ngày mùng 6, 7, 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Trong ngày 6, 7 tháng Giêng, thời tiết nắng ấm, đông đảo người dân vùng Mường Bi và các vùng Mường trong tỉnh tụ hội về sân vận động xã Phong Phú theo dõi thi đấu các môn thể thao bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Các xã, thị trấn tổ chức trại văn hoá của địa phương. Đây cũng là một trong những điểm nhấn mới của lễ hội Khai hạ năm nay, các xã, thị trấn dựng trại theo mô hình nhà sàn, nhà nổi mang đặc trưng của địa phương, đồng thời trang trí, trưng bày các vật dụng, đồ thủ công mỹ nghệ tái hiện một cách sinh động không gian văn hóa nhà sàn Mường. Ngày mùng 8 tháng Giêng, thời tiết nắng đẹp thuận lợi cho tổ chức các hoạt động chính của lễ khai mạc với phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện nghi lễ cúng thổ công, thổ địa, Thành Hoàng, rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng và màn trình tấu chiêng Mường của 500 nghệ nhân âm vang khắp núi rừng Mường Bi, thôi thúc đông đảo nhân dân và du khách tham gia trẩy hội.

Sau phần nghi thức cấy cày đầu xuân tại Bưa Trùng, các đại biểu và du khách hòa vào phần hội với nhiều hoạt động hấp dẫn như: trình diễn nghề dệt vải truyền thống, trò chơi dân gian đi cà kheo, ném còn, đánh đu… Phần hội đặc sắc với các nội dung thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc và tranh Cúp bóng chuyền Khai hạ năm 2024; thi đan lát truyền thống (đan lồng gà, đan rọ đựng trứng), hát đối. Bên cạnh đó là hoạt động trình diễn bản âm, xéc bùa, nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam, trò chơi dân gian đánh mảng, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, đánh đu, cầu bập bênh, ném còn... Tại lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hoá, du lịch… của các địa phương trong tỉnh và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cùng nhóm bạn tham dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh, chị Lê Thu Trang, du khách quận Hà Đông, TP Hà Nội chia sẻ: Dịp đầu xuân, tôi cùng nhóm bạn thường rủ nhau tham dự các lễ hội, điểm đến tâm linh để du Xuân, cầu lộc, cầu tài. Năm nay, lần đầu tiên tham gia Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tôi thấy đây là lễ hội lớn, được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động hấp dẫn. Tôi ấn tượng nhất với màn trình tấu chiêng Mường, có rất đông nghệ nhân tham dự, âm thanh độc đáo... 

Đồng chí Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội khẳng định: Trải qua quá trình phát triển và những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Khai hạ đã in sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Mường Hòa Bình. Cho đến nay, người dân vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, là nơi kết tinh, hội tụ những di sản văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách mỗi mùa lễ hội. Việc Lễ hội Khai hạ của người Mường được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được tỉnh quyết định là lễ hội truyền thống hàng năm của tỉnh đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để văn hóa thực sự là mạch nguồn, là động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 


Hương Lan

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục