Những ngày này, dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt khu mộ và khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Qua đó, sớm hoàn thành để phục vụ Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2024.


Khuôn viên khu lưu niệm và nhà thờ Danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nằm ở thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) được tu bổ, tôn tạo.

Dự án tu bổ, tôn tạo khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông được khởi công từ tháng 9/2024. Theo tiến độ được phê duyệt, công trình triển khai trong 180 ngày. Tuy nhiên, để kịp phục vụ lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các đơn vị tăng tốc để hoàn thành công trình trước thời hạn. Nhà thầu đã huy động trên 100 công nhân thi công liên tục.

Ông Phí Ngọc Hòe, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng công trình văn hóa Hà Tĩnh thông tin, việc rút ngắn tiến độ công trình từ 180 ngày xuống còn 90 ngày là thách thức lớn đối với đơn vị thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ để đơn vị hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Di tích Quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông tại huyện Hương Sơn được chia làm hai địa điểm, gồm khu mộ và tượng đài nằm ở thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung và khu lưu niệm, nhà thờ nằm ở thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm. Hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt này gồm 10 hạng mục công trình như: xây mới nhà ban quản lý; cải tạo sân hành lễ; tu bổ sân thượng, sân hạ phương đình… Tổng mức đầu tư dự án gần 15 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thi công các hạng mục đạt trên 85%.

Để đảm bảo tiến độ, UBND huyện Hương Sơn thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công tập trung, tăng cường nhân lực, máy móc, tăng ca, thi công liên tục; lắp dựng rạp, căng bạt, mái che để triển khai thi công khi gặp thời tiết không thuận lợi; bố trí cán bộ theo dõi, đôn đốc hằng ngày, báo cáo tiến độ với lãnh đạo UBND huyện để chỉ đạo thực hiện kịp thời.

Ông Hồ Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, việc các đơn vị hoàn thành các hạng mục công trình dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích quốc gia đặc biệt danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với Đại danh y, góp phần vào thành công lễ kỷ 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được chính quyền địa phương triển khai. Huyện Hương Sơn cũng phát động đợt cao điểm toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn ra sức phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2024. Xem đây là kết quả thiết thực nhất để chào mừng kỷ niệm.

Ngày 21/11/2024, phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024. Trong đó, vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa.

Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là di tích Quốc gia đặc biệt.

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 1791), sinh ra tại quê cha ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Thuở nhỏ, ông theo cha ăn học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả nho, y, lý, số. Năm 26 tuổi, ông từ bỏ quan trường về phụng dưỡng mẹ già tại quê ngoại ở làng Bàu Thượng (xã Tịnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là "Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị đến hiện tại. Mộ ông được táng tại chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố (xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh).


Theo Baotintuc

Các tin khác


3,6 tỷ đồng hỗ trợ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Lạc Sơn

Thực hiện Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, huyện Lạc Sơn tập trung triển khai các nội dung, hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực nhằm thúc đẩy mục tiêu của dự án là "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch”.

Tuổi trẻ Hòa Bình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xác định rõ vai trò tiên phong, xung kích trong mọi hoạt động, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

10 đội tham gia Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chương trình xây dựng nông thôn mới

Ngày 4/12, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh tổ chức Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) năm 2024.

Huyện Lạc Thuỷ nâng cao chất lượng tiêu chí văn hoá

Những năm qua, huyện Lạc Thuỷ tập trung thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM), qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xây dựng NTM trên toàn huyện.

Nam Định: Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa - cuộc đời và giai thoại”

Sáng 30/11, tại TP Nam Định, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tổ chức Hội thảo khoa học: "Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục