Dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Xác định di sản văn hóa (DSVH) dân tộc Mường là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Năm 2024, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy DSVH Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để khơi nguồn các giá trị đặc sắc của văn hoá Mường.


Trò chơi dân gian đánh mảng của dân tộc Mường đang được nghiên cứu, khôi phục phát triển trở thành môn thể thao đại chúng. Ảnh chụp tại xã Vân Sơn (Tân Lạc).

Bảo tồn, khơi dậy các giá trị văn hóa đặc sắc

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Đề án đã quan tâm chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện Tân Lạc thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch khu bảo tồn, trở thành "bảo tàng sống” lưu giữ các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tiến hành công tác phục chế các trống đồng có giá trị để bảo quản và phục vụ trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Đồng chí Tô Anh Tú, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Đến nay đã phục chế được 9/74 trống đồng có giá trị trong bộ sưu tập trống đồng tại Bảo tàng tỉnh. Trong tháng 11/2024, chào mừng Ngày Di sản Việt Nam, đúng dịp tỉnh tổ chức Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức gian trưng bày chuyên đề "Vật báu xứ Mường” với 2 bộ sưu tập quý trống đồng và chiêng Mường, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Cũng trong năm 2024, tỉnh mời các nhà khoa học về nghiên cứu, đánh giá những giá trị của quần thể hang động và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; UBND tỉnh đã trình Bộ VH-TT&DL về việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sở VH-TT&DL tiếp tục mời các nhà khoa học về nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

Đặc biệt, nội dung được đông đảo cán bộ, nhà nghiên cứu văn hoá và người dân quan tâm là việc nghiên cứu thiết kế mẫu kiến trúc nhà sàn cổ của người Mường và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp điều kiện hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã triển khai đề án, xin ý kiến các sở, ngành liên quan. Sở Xây dựng đã tiếp thu giải trình và dự thảo cuốn Sổ tay mẫu kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để địa phương tham khảo vận dụng. Cùng với đó nghiên cứu, sưu tầm xây dựng mẫu quy cách của bộ trang phục truyền thống thông thường và lễ phục của người Mường để phổ biến trong cộng đồng và giới thiệu cho du khách khi đến Hòa Bình.

Biến di sản thành tài sản

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể (PVT) tiếp tục được quan tâm. Tỉnh phối hợp Viện Âm nhạc Việt Namvà UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học về DSVH mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH PVT cần bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời chỉ đạo tiến hành kiểm kê, sưu tầm DSVH PVT của dân tộc Mường. Đến nay có 4 DSVH PVT của người Mường được đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia gồm: Mo Mường Hòa Bình; nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình; lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình; lịch tre của người Mường Hòa Bình. Hiện tiếp tục trình Bộ VH-TT&DL 2 hồ sơ DSVH PVT của người Mường Hòa Bình là "Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy của người Mường Hòa Bình”; "Hát dân ca thường đang - bộ mẹng của người Mường Hòa Bình”. Năm 2024, tỉnh triển khai công tác kiểm kê DSVH PVT của các dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Sơn và TP Hòa Bình, trong đó cơ bản là kiểm kê DSVH PVT của dân tộc Mường. Cùng với đó chỉ đạo khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường Hòa Bình.

Điểm mới trong công tác bảo tồn giá trị văn hoá Mường là Sở VH-TT&DL phối hợp Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL) triển khai công tác nghiên cứu trò chơi dân gian "đánh mảng” tiêu biểu của dân tộc Mường để khôi phục, phát triển trở thành môn thể thao đại chúng đưa vào trong hệ thống các giải thi đấu của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục phát triển các loại hình hoạt động câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian để huy động các nghệ nhân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của người Mường.

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Việc khơi dậy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch đã bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Trên địa bàn các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình lấy bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch tỉnh Hòa Bình.

  

Hương Lan

Các tin khác


Giữ gìn, phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mường

Trong ngày làm việc, học tập đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hàng nghìn nữ công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị; các em học sinh từ lớp 9 trở lên thuộc các trường học trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã hưởng ứng mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường với sắc màu áo váy hoa văn thổ cẩm, tạo hình ảnh đẹp, dấu ấn về tinh thần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong nhân dân.

Rộn ràng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 - Xuân Ất Tỵ 2025 tại Vĩnh Phúc

Sáng 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 - Xuân Ất Tỵ 2025 và tọa đàm "Thơ Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất” (1975 - 2025).

Ngày Thơ Việt Nam năm 2025 tại Hòa Bình - “Miền sáng đường thơ”

Ngày 9/2, tại Trung tâm Hội nghị Hòa Bình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23, năm 2025 với chủ đề "Miền sáng đường thơ”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, nghệ nhân, câu lạc bộ thơ và những người yêu thơ trong tỉnh, cùng các văn nghệ sĩ quê hương Hòa Bình đang sinh sống, sáng tác ngoài tỉnh và đại diện một số Hội chuyên ngành Trung ương đến từ Hà Nội.

Trình diễn thơ ca chào mừng Ngày thơ Việt Nam Xuân Ất Tỵ

Ngày 9/2 (tức 12 tháng Giêng), tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn), Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 - Xuân Ất Tỵ 2025. Trên 250 hội viên đến từ 13 CLB thơ ca trong toàn tỉnh, CLB thơ ca tỉnh bạn và đông đảo bạn thơ, người yêu thích thơ ca đến tham dự.

Lòng có thành thì tâm mới nguyện

Năm cũ trong gia đình chị Lanh xảy ra nhiều chuyện lục đục. Từ nội tại có, rồi tai bay vạ gió cũng có. Thế nên những ngày giáp Tết, cùng với việc lo mua sắm, chị Lanh không quên sắm thêm đồ lễ rồi đặt lịch với "nhà thầy” để ra Tết làm lễ dâng sao, giải hạn cầu an cho gia đình. 

Vật thiêng xứ Mường hội tụ và tỏa sáng

Hoà cùng không khí lễ hội của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024, một địa chỉ không thể bỏ qua khi người dân và du khách đến tìm hiểu, tham quan là gian trưng bày chuyên đề "Vật thiêng xứ Mường” tại Bảo tàng tỉnh. Đến đây, ta như hòa mình vào không gian nối liền giữa quá khứ và hiện tại với 2 khu trưng bày hiện vật đặc sắc trống đồng cổ và nghệ thuật chiêng được người Mường giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ, được coi như vật báu hồn thiêng của dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục