Hoà cùng không khí lễ hội của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024, một địa chỉ không thể bỏ qua khi người dân và du khách đến tìm hiểu, tham quan là gian trưng bày chuyên đề "Vật thiêng xứ Mường” tại Bảo tàng tỉnh. Đến đây, ta như hòa mình vào không gian nối liền giữa quá khứ và hiện tại với 2 khu trưng bày hiện vật đặc sắc trống đồng cổ và nghệ thuật chiêng được người Mường giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ, được coi như vật báu hồn thiêng của dân tộc Mường.

Các đại biểu và học sinh Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) tham quan gian trưng bày chuyên đề "Vật thiêng xứ Mường” tại Bảo tàng tỉnh.

Trống đồng - vật khí cổ xưa

Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, chị Đoàn Thị Nữ, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu: Trống đồng là nhạc khí cổ xưa, có từ thuở Vua Hùng dựng nước. Gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cổ. Trải qua dòng chảy thời gian, vai trò của trống đồng ngày càng thưa vắng đối với người Việt (Kinh), còn ở các vùng Mường vẫn được sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng đến những năm đầu thế kỷ XIX.

Tỉnh Hòa Bình có số lượng trống đồng được phát hiện đứng thứ hai cả nước chỉ sau tỉnh Thanh Hóa - quê hương của trống đồng Đông Sơn. Năm 1887, chiếc trống đồng đầu tiên ở Hòa Bình được phát hiện là trống Sông Đà, điều này đã mở đầu cho những cuộc khai quật và nghiên cứu về trống đồng ở Hòa Bình một quy mô rộng lớn. Cho đến nay, đã có hơn 100 chiếc trống đồng cổ ở tỉnh Hòa Bình được phát hiện. Trong đó, có 11 chiếc trống đồng loại I Heger và trên 90 trống loại II Heger. Tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ 76 chiếc trống đồng cổ. Số còn lại được lưu giữ tại các địa phương trong tỉnh và các bảo tàng trong, ngoài nước.

Nếu như trống Đông Sơn là biểu tượng văn hóa, văn minh của người Việt cổ, thì trống đồng loại II Heger có thể được xem là biểu tượng văn hóa của người Mường ở Việt Nam. Trống loại II Heger được xem như một hiện tượng văn hóa xuất hiện trên địa bàn cư trú của người Mường, mà Hòa Bình tập trung người Mường đông nhất ở nước ta. Khi nghiên cứu về trống đồng, các nhà khoa học đã có ý kiến cho rằng người Mường là một trong những chủ nhân của việc sử dụng trống, đặc biệt là trống đồng loại II Heger hay còn được gọi là "trống Mường”.

Trống đồng là cổ vật thiêng liêng biểu trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Xưa kia, chỉ có nhà quan lang, quý tộc lớn mới sở hữu và được sử dụng trống đồng. Chức năng rõ nét của trống đồng là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang đạo và là một nhạc cụ trong các nghi lễ, đặc biệt là tang ma do nhà Lang tổ chức. Với ý nghĩa đó, trống đồng giống như một gạch nối giữa thần linh với con người. Tiếng trống đồng linh thiêng mở đầu những nghi lễ do thầy mo chủ trì và sau đó là những bài mo tạo sự kết nối giữa con người với các thế lực siêu nhiên theo những câu chuyện kể. Nếu người mất có địa vị cao quý thì trống đồng được chôn theo như đồ tùy táng theo người đó về với "mường Ma”. Ngoài ra, trong chiến đấu, trống đồng còn là công cụ thông tin liên lạc báo hiệu khi người thủ lĩnh kêu gọi lực lượng từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu, thúc giục tiến quân khiến cho kẻ thù bạt vía kinh hồn.

Đến với gian trưng bày chuyên đề "Vật thiêng xứ Mường”, người xem bị thu hút bởi 4 chiếc trống đồng loại II Heger, được phát hiện trên địa bàn tỉnh và được Công an tỉnh thu giữ từ các vụ buôn bán đồ cổ, như trống F10-A11, trống Dân Chủ II, trống Hạ Bì, trống Lạc Hưng. Các trống có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ XVIII. Tiếp đó là bộ sưu tập trống đồng cổ được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trên cùng là trống Yên Bồng I (theo phân loại là trống loại I Heger), phát hiện tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Bên cạnh đó là 6 chiếc trống đồng loại II Heger gồm: trống xóm Nút, niên đại thế kỷ XI - XVI, phát hiện tại xóm Nút, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (cũ); trống xóm Rậm, niên đại thế kỷ XI - XVI, phát hiện tại xóm Rậm, xã Thống Nhất (cũ), TP Hòa Bình; trống xóm Đễnh, niên đại thế kỷ XI - XVI, phát hiện tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn (cũ); trống xóm Mú, niên đại thế kỷ XII - XVIII, phát hiện tại xóm Mú, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn; trống số 9A6, niên đại thế kỷ XII - XVIII và trống số 5-A4, niên đại thế kỷ XII - XVIII đều do Công an tỉnh thu giữ từ các vụ buôn bán đồ cổ... Tất cả các loại trống đồng cổ được Bảo tàng tỉnh lưu giữ và bảo quản như báu vật của các thế hệ cha ông trao truyền cho hậu thế.

Chiêng Mường - vật báu hồn thiêng

Trong bộ sưu tập chiêng cổ được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh có chiếc chiêng đồng 4 âm. Chiêng quý có một không hai này được phát hiện trong khi làm vườn, ông Bùi Văn Trỉn ở xóm Cảng, xã Bình Cảng (nay là xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn) đã phát hiện được chiêng chôn cùng 3 chiếc xanh đồng. Tháng 12/1996, theo nguồn kinh phí hỗ trợ mua cổ vật của Cục Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hoá) đã mua cổ vật trên. Chiêng có hình dáng khác chiêng thường, gờ thành hơi loe, u ở tâm nhỏ, có 2 tai để luôn dây treo. Khi sử dụng chiêng có 4 âm: 1 âm ở chính giữa, 3 âm khác nằm ở thành xung quanh, được bố trí cách nhau thành một tam giác cân. Các âm này có cao độ khác nhau, có thể dùng để chơi những tiết tấu đơn giản làn điệu sắc bùa của người Mường...

Cũng như trống đồng, chiêng là nhạc cụ cổ xưa, gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cổ. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chiêng có từ thời cổ đại, bắt nguồn từ nền văn minh Đông Sơn cách đây ít nhất 3.500 - 4.000 năm. Đối với người Mường tỉnh Hòa Bình, chiêng chứa đựng những nét linh thiêng huyền diệu, là linh hồn bất tử của cộng đồng dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tiếng chiêng gắn bó trong từng nhịp sống. Từ tiếng chiêng của phường bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; chiêng thành kính tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng; chiêng gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no...

Những năm qua, chiêng được phát triển mạnh mẽ qua lễ hội các cấp, những sự kiện chính trị, xã hội của tỉnh. Tỉnh Hòa Bình đã hai lần xác lập kỷ lục Guinness "Màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam” vào năm 2011 và năm 2016. Cuối năm 2016, "Nghệ thuật chiêng Mường” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo số liệu kiểm kê mới nhất năm 2024, tỉnh Hòa Bình còn lưu giữ gần 15.000 chiếc chiêng, có trên 10.000 người biết đánh chiêng. Toàn tỉnh thành lập được 224 câu lạc bộ chiêng Mường và sưu tầm, lưu giữ hơn 30 làn điệu chiêng cổ.

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình". Thông qua tổ chức gian trưng bày chuyên đề "Vật thiêng xứ Mường”, những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu bộ sưu tập trống đồng cổ và chiêng Mường đến với công chúng đã góp phần làm rõ giá trị di sản, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cũng như góp phần quảng bá các di sản văn hóa của địa phương. Khẳng định văn hoá dân tộc Mường luôn được bảo tồn, phát triển trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hương Lan

Các tin khác


Lễ hội đền Cây Đa, thị trấn Vụ Bản năm 2025

Ngày 5/2 (mùng 8 tháng Giêng), UBND thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn tổ chức Lễ hội đền Cây Đa năm 2025.

Sôi nổi Lễ hội Xuống đồng xã Yên Phú, Lễ hội đình Cổi xã Vũ Bình 

Ngày 5/2 (mồng 8 tháng Giêng), UBND xã Yên Phú (Lạc Sơn) tổ chức Lễ hội Xuống đồng Xuân Ất Tỵ - 2025, thu hút hàng nghìn du khách và người dân tham gia, trải nghiệm các hoạt động.

Lễ hội đình Xàm Xuân Ất Tỵ 2025

Ngày 3/2 (mùng 6 tháng Giêng), UBND xã Phú Lai, huyện Yên Thủy tổ chức khai hội đình Xàm năm 2025.

Tưng bừng khai hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025)

Tối 2/2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), quận Đống Đa tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn.

Lễ hội 598 năm Chiến thắng Xương Giang

Tối 2/2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang tổ chức khai mạc Lễ hội 598 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2025). Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, thành phố Bắc Giang và đông đảo nhân dân, du khách thập phương tham dự.

Tấp nập du khách vãn cảnh, chiêm bái đền Chúa Thác Bờ

Đền Chúa Thác Bờ nằm trong khu du lịch hồ Hoà Bình là điểm du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng. Vẻ đẹp hùng vĩ mà không kém phần thơ mộng của nơi được ví như "Vịnh Hạ Long” trên cạn, cùng bản sắc văn hoá các dân tộc Mường, Dao, Tày và sự linh thiêng của khu di tích đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của rất nhiều người dân trong tỉnh và du khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục