Học sinh tham quan, trải nghiệm tại di tích Văn Miếu Sơn Tây.
Những ngày đầu xuân mới chúng tôi có trải nghiệm đáng nhớ tại Văn Miếu Sơn Tây. Bước chân qua cánh cổng tam quan vào tới sân, chúng tôi cảm nhận được không khí yên tĩnh, trong lành, trang nghiêm. Theo một số tài liệu, Văn Miếu Sơn Tây sau một số lần tu sửa đã được khánh thành vào năm 1892 (đời vua Thành Thái), tọa lạc trên một khu đất hình chữ nhật thuộc thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Văn Miếu xưa được hình thành với nhiều hạng mục công trình như: cổng tam quan, hồ nước, lầu chuông, lầu khánh, toà đại bái đường, nhà tả hữu vu, sân, hệ thống tường bao, hệ thống cây xanh và cây ăn quả.
Ngoài chức năng là nơi thờ Đức thánh Khổng Tử và nhị thất thập vị hiền triết, trong Văn Miếu còn lưu 2 tấm bia khắc tên 288 vị đỗ khoa bảng của vùng xứ Đoài. Họ sinh ra và lớn lên tại các huyện của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay như: Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Bạch Hạc, Lập Thạch. Các vị này đã tham gia và đỗ đạt qua 2 kỳ thi do triều đình tổ chức là thi hội và thi đình. Đây cũng là nơi ghi dấu những buổi đàm văn, đàm đạo Khổng, nơi chuyển tải tinh thần hiếu học của người dân xứ Đoài.
Xung quanh Văn Miếu có tường xây bằng gạch đá ong. Toàn bộ di tích được dàn trải trên một trục thần đạo với nhiều hạng mục bề thế, uy nghiêm chạy dọc theo hướng Bắc - Nam. Các công trình được xây dựng bằng chất liệu gạch đá ong, một chất liệu truyền thống của xứ Đoài nên mang vẻ đẹp riêng hiếm có. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và xã hội nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng.
Năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây được UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Giai đoạn 2008 - 2018, Nhà nước đã đầu tư, tôn tạo các hạng mục trong khu di tích Văn Miếu Sơn Tây theo những vị trí và kiến trúc vốn có của di tích. Đến nay, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây đã được phục dựng trên khu đất cũ của di tích, tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục quốc lộ 32. Bao gồm các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo là trục Bắc - Nam, hướng vào chính là hướng Nam như: Văn Miếu Môn, lầu chuông, lầu khánh, tả vu, hữu vu, thượng điện, đại bái đường, đền Khải Thánh, sân lễ hội, phía trước là hồ sen, xung quanh là vườn cây xanh.
Văn Miếu Sơn Tây ngoài chức năng thờ các vị tiên Nho, còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng của họ đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Khu di tích lịch sử Văn Miếu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Sơn Tây, bởi nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt, tổ chức và diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa cộng đồng của địa phương. Di tích này còn là nơi nêu gương truyền thống hiếu học, khoa bảng - là biểu tượng của truyền thống Nho học. Bởi vậy, trước khi đi thi, các thí sinh thường đến thắp hương xin lộc cầu ước cho nguyện vọng thành đạt. Học sinh các cấp học trong và ngoài địa phương thường đến tham quan, học tập để hiểu thêm về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Chị Nguyễn Phương Dung, cán bộ Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: Năm 2018, UBND thị xã Sơn Tây đã bàn giao khu di tích lịch sử Văn Miếu cho Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm quản lý. Tại Văn Miếu Sơn Tây, vào dịp đầu xuân, thị xã duy trì tục khai bút. Đây là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa linh thiêng, là biểu tượng cho tinh thần hiếu học. Những nét bút đầu tiên của năm mới cũng là sự tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới, và hơn hết là để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, giáo dục lòng yêu nước, đạo làm người, khơi dậy niềm đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo. Cùng với các điểm di tích và danh lam thắng cảnh như Đền Và, thành cổ, quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu là điểm tham quan giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, lịch sử, văn hoá của quê hương Sơn Tây, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn.
Hải Linh