Hòa Bình không chỉ là cái nôi của người Việt tiền sử với nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, miền đất này còn được biết đến với nhiều di tích, danh thắng. Đến nay, Hòa Bình có 41 di tích cấp quốc gia (14 di tích lịch sử văn hóa, 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và trên 40 di tích cấp tỉnh.

 


Du khách tham quan tìm hiểu về Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam đặt tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ). Đây là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Ảnh: B.M


 Động Nam Sơn, xã Vân Sơn (Tân Lạc) là hang động đẹp nhất trong quần thể hang động trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia. Ảnh: BM

Trong các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian và gắn liền với tâm thức con người, trở thành một bộ phận của đời sống văn hóa, thông qua không gian tâm linh cụ thể, trực tiếp, trực diện là hệ thống đình, đền, miếu... vốn là nơi thờ phụng các thánh thần, các anh hùng, danh nhân có công với nước, với cộng đồng dân cư, dòng họ, đến gia đình, xóm bản. Khi đến thăm, bái vọng, con người thể hiện một niềm tin, gửi gắm những khát khao và quan niệm về chân - thiện - mỹ.

Qua đó, con người cảm nhận được nguồn động viên, khích lệ có thêm sức mạnh tinh thần, sức trỗi dậy của bản năng sinh tồn, sức mạnh trí tuệ để chống chọi và vượt qua những khó khăn, thách thức từ thiên tai, địch họa… Nhiều di tích tiêu biểu có sức sống cùng thời gian và nay tiếp tục được đầu tư, quan tâm hơn về nhiều mặt; có đời sống mạnh mẽ trong cộng đồng như Động Tiên (xóm Lão Nội, xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy), hang Chùa và chùa Hang (xóm Á Đồng, xã Yên Trị, Yên Thủy), khu mộ cổ Đống Thếch (xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi), đền và miếu Trung Báo (thôn Trung Báo, xã Thanh Cao,Lương Sơn)… Bên cạnh đó, nhiều di tích danh thắng, cùng các thắng cảnh đẹp của Hòa Bình đã được nhiều báo, tạp chí trong nước và thế giới giới thiệu, tôn vinh, thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhiều tour, tuyến, điểm du lịch đã chọn tìm đến trong các địa chỉ nổi tiếng trên đất Hòa Bình như động Thác Bờ (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc), quần thể hang động khu vực chùa Tiên (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy), quần thể hang động núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), động Tiên Phi (xóm Gai, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình), hang Mỏ Luông (thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu), động Hoa Tiên (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc), hang xóm Trại - xã Tân Lập), mái đá làng Vành - xã Yên Phú (huyện Lạc Sơn)…

Nhiều danh thắng đẹp, nhiều làng bản mang đậm bản sắc dân tộc cũng được du khách gần xa tìm đến như: bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong), xóm Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc), các bản làng của người Thái: bản Lác, bản Văn, Poom Cọong ở huyện Mai Châu là các điểm đến ấn tượng. Trong đó, bản Lác (xã Chiềng Châu) nằm gọn, không tách rời khỏi thung lũng Mai Châu quyến rũ, nên thơ. Bản Lác còn giữ được khá đậm nét phong tục, tập quán cùng bản sắc văn hóa riêng biệt của mình qua những ngôi nhà sàn cao ráo, sạch đẹp; nghề truyền thống được giữ vững (dệt thổ cẩm…), cùng tâm hồn mộc mạc, giản dị của đồng bào vùng cao tạo được thiện cảm đối với du khách. Hiện nay, nhiều danh thắng, cảnh đẹp khác trên địa bàn tỉnh được khai thác và có cơ hội quảng bá rộng rãi như thác Mu (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn), Cửu thác Tú Sơn (huyện Kim Bôi), Nhà máy thủy điện Hòa Bình, du lịch suối khoáng huyện Kim Bôi, các khu bảo tồn thiên nhiên…

Cùng với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì di tích lịch sử cách mạng là một phần hết sức quan trọng trong hệ thống di tích, danh thắng tỉnh Hòa Bình. Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, nhiều địa danh đã trở thành di tích lịch sử cách mạng và tồn tại như những nhân chứng lịch sử. Tiêu biểu như Nhà tù Hòa Bình ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Nhà tù được xây dựng năm 1896 để giam giữ thường phạm; năm 1943 là nơi giam giữ một số tù chính trị từ nhà tù Sơn La chuyển đến. Những năm 1943 - 1945, phong trào hoạt động cách mạng của chi bộ nhà tù do đồng chí Lê Đức Thọ làm bí thư đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng ở Hòa Bình. Di tích nhà tù Hòa Bình vừa là nơi ghi dấu tội ác của thực dân, vừa là nhân chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Di tích này đã được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận là di tích quốc gia năm 2000. Nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với quá trình cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 như: Chiến khu Mường Khói (xóm Re, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn); khu căn cứ cách mạng Mường Diềm (xóm Bay, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc), khu căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương (huyện Đà Bắc), khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên ( huyện Cao Phong).

Liên quan đến các chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nơi lưu dấu chiến công của anh hùng Cù Chính Lan (xóm Giang, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong), địa điểm chiến thắng dốc Tra (xóm Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc); nơi lưu dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn). Đó là nơi Bác Hồ từng về thăm: Địa điểm Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947) tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Di tích Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình tại xóm Trường Yên, xã Yên Mông, TP Hòa Bình… Là tình hữu nghị Việt - Lào: Địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (phường Dân Chủ, TPHòa Bình)… Những di tích lịch sử cách mạng không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa, mà còn là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu mạnh.

(Còn nữa)

V.T (TH)


Các tin khác


44 tác phẩm được đề cử tôn vinh tác phẩm văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình tiêu biểu, xuất sắc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Ngày 26/3/2025, Hội đồng bình chọn, tôn vinh tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) ban hành Thông báo số 35/TB-HĐBC về kết quả bình chọn và đề cử tôn vinh tác phẩm văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình tiêu biểu, xuất sắc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 7 - Độc đáo những lễ hội trên quê hương Hòa Bình

Bao đời nay, cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là dân tộc Mường có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Lễ hội gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân tồn tại ở đây từ lâu đời. Điều đó đã làm nên sự phong phú trong đời sống tinh thần và trong bản sắc văn hóa Hòa Bình; bộc lộ các tín ngưỡng dân gian và biểu hiện rõ sự giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc. Trong đó, nhiều lễ hội có sức sống trường tồn cùng thời gian, tiếp tục được các thế hệ hôm nay lưu truyền, phát huy…Tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường.

Tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Chương trình nghệ thuật “Em là mầm non của Đảng”

Tối 27/3, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Hòa Bình, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật "Em là mầm non của Đảng” và tuyên dương giáo viên tổng phụ trách đội có thành tích xuất sắc trong công tác đội và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2020 - 2025.

Triển lãm tranh “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”

Sáng 27/3, Tỉnh Đoàn Hoà Bình phối hợp Hội đồng Đội tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm tranh Cuộc thi vẽ tranh "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hoà Bình lần thứ X, năm 2025. 

Lưu giữ tinh hoa nghề dệt truyền thống dân tộc Mường

Nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Mường ở Hoà Bình có nguy cơ mai một. Tại 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), những người biết trồng dâu, nuôi tằm, làm nghề dệt vải truyền thống còn rất ít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục