Tất cả những bi kịch đều bắt đầu từ lòng thù hận. Người ta có thể tự mở cho mình một lối thoát nếu như biết tha thứ cho nhau. Đó chính là thông điệp mà vở kịch này muốn chuyển đến người xem

Không đi theo xu hướng tiếng cười thường thấy vào mỗi dịp Tết, “bà bầu” Hồng Vân lại chọn vở bi kịch mang hơi hướng kinh dị Giếng lạ cho mùa kịch Tết năm nay (vở do chính NSƯT Hồng Vân đạo diễn, công diễn suất đầu tiên vào đêm 7-2 vừa qua, tại rạp Kim Châu - TPHCM).

Giếng lạ là những nỗi đau hằn sâu trong tâm thức mỗi nhân vật, dồn nén họ trong lòng thù hận bức bối đến cùng cực, tất cả đều lao vào vòng xoáy hận thù bất chấp sự hiện hữu và hạnh phúc của chính mình.


Từ lòng thù hận


Chọn hình ảnh cái giếng làng – nơi bí mật chôn giấu tội ác và cũng chính là nỗi ám ảnh suốt đời của các nhân vật – vở kịch ngay từ đầu đã tạo được tâm điểm chú ý cho khán giả. Cái giếng lặng im và vô tri nhưng lại như một vật hiện hữu có linh hồn khi suốt mười mấy năm trời đi qua bao nhiêu đổi thay của lòng người, chứng kiến những thăng trầm của cuộc sống và cả những toan tính tội ác của con người.

Lòng người cũng như lòng giếng đen tối và thăm thẳm sâu không thể nhìn rõ được sự thật cũng như bản chất thật của chính những con người rất gần bên cạnh mình.


Với Giếng lạ, hai tác giả kịch bản còn rất trẻ Phạm Tân và Tuấn Anh đã rất biết cách tạo ra điểm nhấn thu hút và sự hồi hộp cho người xem xuyên suốt vở: Đó là chiếc giếng vừa như bình thường vừa thâm u bí hiểm vừa lãng mạn trước mối tình thơ ngây vừa đáng sợ khi giữ trong lòng nó tội ác tày trời của con người.

Phân cảnh nào cũng có sự xuất hiện của cái giếng – như một nhân chứng sống. 16 năm trước, gã Lực Điền (Xuân Trang đóng) đã gây tang tóc cho một gia đình hạnh phúc, hắn giết chồng, cướp vợ người ta tàn nhẫn rồi cho người thủ tiêu cả đứa con. 16 năm sau, trong căn nhà, những tưởng là giàu có êm ấm, với kẻ hầu người hạ đó là những cơn sóng ngầm cứ ào ạt từng đợt với sức bung phá dữ dội, phá tan tất cả những hạt mầm hạnh phúc.



Trịnh Kim Chi (trái) và Xuân Trang trong Giếng lạ


Tất cả những bi kịch đều bắt đầu từ lòng thù hận. Người ta có thể tự mở cho mình một lối thoát nếu như biết tha thứ cho nhau. Nhưng nỗi đau hằn sâu đã giết chết những trái tim bao dung, để cho lòng thù hận ngự trị và trở thành tội ác. Ba người phụ nữ - những mảnh vỡ hạnh phúc - làm thành một tam giác định mệnh mà xoay tròn trong vòng số phận nghiệt ngã ấy lại chính là một tâm hồn trẻ thơ non nớt của cô bé Bạch Thủy (Hoàng Thy đóng).


Nỗi đau chung của phụ nữ


Cả 3 người phụ nữ đều mang số phận đắng cay, trái tim bị tước đoạt hạnh phúc, mất niềm tin vào cuộc sống và trong lòng chỉ có nỗi sợ hãi và lòng thù hận. Một Quỳ (Trịnh Kim Chi đóng) vì cái hận giết chồng, giết con mà rắp tâm trả món nợ máu bằng chính cả cuộc đời xuân sắc của mình.

Một Xuyến (Lan Phương đóng) vì sự ruồng rẫy của người chồng sau đêm tân hôn đã lồng lộn điên cuồng trở thành một phụ nữ đầy mưu mô, xảo quyệt. Một Ngọ (Vân Anh đóng) từng sống đời cam phận với sự sắp xếp an bài của số phận bỗng trở thành một người đàn bà đau đớn luôn sống trong nỗi sợ hãi và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ con mình.


Lan Phương, Trịnh Kim Chi - hai nhân vật  mang nỗi đau làm nên tâm bão - đã để lại ấn tượng mạnh với người xem. Quỳ chấp nhận lả lơi với người đã giết chồng, giết con và cưỡng hiếp mình để dần hủy hoại sinh lực sống của hắn bằng những chén thuốc độc hủy hoại tứ chi, đẩy gia đình hắn vào cảnh bi đát và để chính kẻ thù đứng trước lằn ranh sống chết, giữa tình thâm máu mủ mà thú nhận tội ác tày trời của mình.

Còn Xuyến “mua”  được chồng nhưng không mua được tình yêu của người đàn ông đã quá kinh sợ khi biết vợ mình thất tiết. Cả Quỳ và Xuyến đều trở nên tàn nhẫn, thâm hiểm vì nỗi đau quá sức chịu đựng – đó là nỗi đau chung cho số phận của người phụ nữ thời đại trước.

* * *

Giếng lạ thật sự là một vở diễn lạ, không gian là hình ảnh của đồng quê Bắc bộ xưa, phục trang của diễn viên cũng ở thời “lý trưởng, chồng chúa vợ tôi” cùng với giai điệu của bài hát Bèo dạt mây trôi xoay nỗi buồn quanh số phận của các nhân vật đã đưa khán giả vào một không gian khác cùng nỗi đau của con người của thời đại trước.


Lòng thù hận sẽ là cánh cửa khép lại mãi mãi con đường hạnh phúc. Trả được  hận thù cũng không phải là một phép cộng cho lòng người thanh thản mà chính là một phép trừ vào hạnh phúc vốn dĩ rất mong manh. Người có thể hả hê khi mối thù được trả nhưng gánh nặng cảm xúc không nhẹ nhàng đi mà sẽ lại oằn nặng hơn một nỗi đau khác – đó là sự tê tái đắng đót đến vô cùng của một tâm hồn bị tổn thương, mất mát. Giữ trong lòng những toan tính ân oán trả vay cũng có nghĩa là con người tự để mình bước lạc vào đường về nỗi đau.

Chưa đẩy đến đỉnh điểm

Tuy nhiên, điểm yếu của Giếng lạ chính là tiết tấu khá chậm, có nhiều tình tiết buộc khán giả phải chờ đợi không cần thiết. Thêm vào đó, việc sử dụng yếu tố kinh dị như tiếng ếch kêu, khói bay, những tiếng động lạ trong lòng giếng và cả những bóng người trong đêm hoang vắng cũng chưa tạo được hiệu ứng và ý nghĩa triệt để cho yếu tố kinh dị. Bi kịch còn thiếu cao trào. Tội ác chưa thật sự được đẩy đến đỉnh điểm của sự kinh sợ và đớn đau. Và cũng chính vì để cho tất cả các nhân vật phải gánh vác một nỗi riêng mang mà vở kịch vốn gói gọn trong thời gian chưa đến 3 giờ đã không thể lột tả được hết đến tận cùng những nỗi đau đó.

 

                                                                         Theo NLĐ

Các tin khác


Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục