"Tháng Ba/ Cọ xòe đón ta về đất Tổ… Núi sông dậy sấm anh hùng/Trời đất ngút ngàn linh khí…". Trong một không khí linh thiêng, trang trọng, đêm khai mạc lễ hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010 diễn ra hoành tráng nhất từ trước tới nay, với nhiều màn biểu diễn đặc sắc, sáng tạo, mang tính sử thi và đậm đà bản sắc dân tộc. Buổi lễ đã chứng kiến có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước…

 

Buổi lễ được mở màn bằng tiếng trống đồng âm vang, biểu tượng của văn hóa Đông Sơn thời Hùng Vương và cũng là biểu tượng đáng tự hào của dân tộc. Trong tiếng trống đồng đó, cả dân tộc như được sống lại với cội nguồn linh thiêng con Lạc, cháu Hồng của mình. Với chương trình sử thi - nghệ thuật chủ đề "Linh thiêng Đất Tổ vua Hùng", đêm 14/4, lễ khai mạc lễ hội Đền Hùng 2010 đã chính thức diễn ra.

Chương trình lễ khai mạc được kết hợp giữa loại hình nghệ thuật ca - múa và hoạt cảnh sân khấu đặc trưng văn hóa Việt; với yếu tố sâu sắc, hoành tráng của buổi lễ được lưu ý đặc biệt. "Linh thiêng Đất Tổ vua Hùng" được cấu trúc theo hệ thống phức điệu hình tượng, chương trình nghệ thuật được thực hiện liền mạch với hệ thống sân khấu liên hoàn, tạo nên những trường đoạn diễn xuất hoành tráng, xứng với tầm vóc chương trình khai màn năm Đại lễ ở quy mô quốc gia.

Toàn bộ nội dung lễ khai mạc đã được chuẩn bị chu đáo, bao gồm 3 phần: Mở đầu, phần lễ và phần biểu diễn nghệ thuật; với sự tham gia của những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật cả nước như: NSND Phạm Thị Thành (tác giả kịch bản), NSND Lê Hùng (Tổng đạo diễn), nhà viết kịch Vũ Hải và NSND Lê Ngọc Cường (Phó tổng đạo diễn)… Nhìn tổng thể, sân khấu được xây dựng như một cánh hạc dang rộng trên bạt ngàn xanh của núi rừng.

Đặc biệt tại khu rừng phía sau sân khấu, những hiệu ứng đặc biệt của ánh sáng, cùng với màn biểu diễn của các nghệ sỹ từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tái hiện một khung cảnh mang tính truyền thuyết và huyền thoại. Sân khấu chính có mặt cắt là tang trống đồng Ngọc Lũ, với hiệu ứng làm toát lên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Một màn biểu diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Giỗ Tổ. Ảnh: L.Q.P.

Trong màn Phong Châu mở hội, 18 chiếc kiệu có bài vị của 18 đời vua Hùng được rước vào sân khấu chính, theo sau kiệu là 18 nhóm người trong trang phục đại diện cho các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Phía sau bài vị là hình ảnh 18 vị vua Hùng ẩn hiện như luôn dõi theo từng bước đi của dân tộc.

Màn trình diễn này đã gây được ấn tượng và cảm xúc đặc biệt sâu sắc. Những người dân Việt Nam như thực sự cảm nhận được linh khí ngàn đời và sự hiện diện của các vua Hùng với dân tộc suốt chiều dài lịch sử...

Với nhân lực là hàng nghìn nghệ sỹ từ Trường Múa Việt Nam, Nhà hát Ca múa Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch, Liên đoàn Xiếc, Nhà hát Tuồng… tất cả những gì đặc trưng nhất cho văn hóa Việt Nam đã cùng tụ hội tại Đất Tổ.

Đặc biệt, buổi lễ còn có sự xuất hiện của tốp hát xoan - ghẹo với sự tham gia của 40 trong số rất ít nghệ nhân còn có thể trình diễn loại hình nghệ thuật độc đáo của riêng Đất Tổ đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ khẩn cấp.

Qua giọng thuyết minh truyền cảm của NSƯT Lê Chức và NSƯT Kim Tiến, lịch sử dân tộc đã được tái hiện đầy xúc động, khiến ai nấy đều rưng rưng một niềm tự hào về truyền thống dân tộc. Lễ hội Đền Hùng tự hàng ngàn năm nay đã trở thành tình cảm sâu lắng, thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Lễ hội năm nay là sự phối hợp rất tốt của các Bộ, ngành, địa phương

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Tổ chức lễ hội, cho biết: Tôi rất hài lòng với những gì diễn ra trong đêm khai mạc. Đây chắc chắn là lễ hội Đền Hùng hoành tráng, đặc sắc, được tổ chức chu đáo nhất từ trước tới nay. Rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, đậm tinh thần dân tộc đã được chuẩn bị. Rất nhiều nghệ sỹ xuất sắc đã tham gia xây dựng chương trình...
Một điều vô cùng quan trọng mà chúng tôi đặc biệt lưu ý nữa, là đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông… Về công tác này, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã có mặt ở đây để chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực rất lớn của các đồng chí Công an địa phương và Trung ương. Lễ hội năm nay là sự phối hợp hoàn hảo của các Bộ, ngành, địa phương, để tạo nên một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, kết nối các dân tộc anh em trên toàn quốc.

V.H.

Rực rỡ lễ hội đường phố và ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Đông Bắc

Sáng 14/4 (tức ngày 1/3 âm lịch), những hoạt động mở màn cho lễ hội Đền Hùng 2010 và ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII đã được tổ chức, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, các vị lãnh đạo địa phương, các nghệ nhân, các đoàn nghệ thuật và đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Những hoạt động trong khuôn khổ ngày văn hóa sẽ kéo dài đến hết ngày 17/4. Mặc dù trời có mưa nhẹ, nhưng ngay từ sáng sớm, các nẻo đường dẫn đến khu vực tổ chức các hoạt động đều được dọn dẹp thông thoáng, sạch đẹp. Lực lượng Công an đã túc trực, phân luồng và giải tỏa giao thông. Lễ hội đường phố chủ đề "Văn hóa Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng" và lễ khánh thành Bảo tàng Hùng Vương tưng bừng diễn ra. Từ khắp các nẻo đường dẫn về Bảo tàng Hùng Vương, rộn rã tiếng trống hội, tiếng chiêng đồng; rực rỡ sắc màu của các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc anh em tụ hội.

Trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, hàng loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác cũng sẽ được tổ chức. Trong các ngày 14 và 15/4, tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, hội trại văn hóa của các tỉnh tham gia góp giỗ sẽ diễn ra với các hoạt động giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch và ẩm thực dân gian các địa phương. Tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, triển lãm tranh thờ dân gian Việt Nam và tranh mỹ thuật "Các vùng kinh đô Việt Nam".

Cùng với đó là triển lãm ảnh ngoài trời "Các vùng kinh đô Việt Nam"; triển lãm ảnh, trưng bày sản phẩm địa phương, quảng bá du lịch; triển lãm sách tư liệu "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam"; trưng bày hiện vật về thời đại Hùng Vương và triển lãm ảnh tư liệu "Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng xưa và nay"… Những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, bắn nỏ, vật dân tộc… cũng được tổ chức, là một minh chứng cho tinh thần thượng võ của dân tộc. Đặc biệt, từ ngày 14/4, Hội chợ Hùng Vương và trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống cũng diễn ra tại Khu Liên hợp TDTT tỉnh. Khách thập phương đến với lễ hội Đền Hùng 2010 sẽ thực sự được sống trong không gian văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

V.H.

Trưng bày hơn 1.000 cổ vật thời Hùng Vương và Lý - Trần

Cũng trong buổi sáng 14/4, Bảo tàng Hùng Vương đã tổ chức trưng bày hiện vật thời Lý - Trần và giới thiệu văn hóa các vùng dân tộc Tây Bắc. Tại đây, hơn 1.000 cổ vật (ứng với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội) từ thời các vua Hùng (văn hóa Đông Sơn) và thời Lý - Trần đã được mang ra trưng bày, phục vụ khách tham quan.

Đặc biệt, những cổ vật này được tập trung về Đất Tổ từ 30 tỉnh, thành trong cả nước: từ Thái Nguyên tới Kiên Giang.
Các cổ vật được trưng bày gồm rất nhiều loại hình khác nhau, trên các chất liệu: đá, thủy tinh, đồng, gốm… Riêng chất liệu gốm cũng có rất nhiều loại được trưng bày, như: gốm không men, gốm men trắng, men nâu, men ngọc, men lục (còn gọi là thanh lưu ly), men vàng (hoàng lưu ly)… là minh chứng cho sự phát triển ở mức cao trong kỹ thuật làm gốm của ông cha ta. Thông qua những vật chứng lịch sử, là những vật liệu kiến trúc từ thời Lý - Trần và những đồ tế lễ, khách tham quan sẽ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về lịch sử phát triển của dân tộc. Trong đợt triển lãm này, có những bộ sưu tập kiến trúc Phật giáo từ thế kỷ XII, XIII cũng được trưng bày.

Nhân dịp này, Trung tâm UNESCO cũng đã hiến tặng Bảo tàng Hùng Vương hơn 100 cổ vật có hồ sơ khoa học kèm theo. Được biết, nhiều nghệ sỹ, nhà điêu khắc… trong cả nước cũng đã hiến tặng bảo tàng những sản phẩm nghệ thuật có giá trị.

 

                                                                              Theo CAND

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục