Bắt đầu từ một cơ duyên, được NSND Quý Dương chấm thể hiện ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người", thay mặt cho lực lượng Công an tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quốc, gần 30 năm qua, NSƯT Đức Lợi đã gắn tên tuổi mình với bài hát nổi tiếng ấy.

 

Dù Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân có lưu diễn ở đâu, trên miền núi phía Bắc hay giữa Tây Nguyên bạt ngàn, thấy Đức Lợi, bà con lại tha thiết đề nghị được nghe anh hát và mặc nhiên bình chọn, Đức Lợi là ca sỹ hát hay bài hát về Bác Hồ: "Chúng con bên giấc ngủ của Người".

NSƯT Đức Lợi, Trưởng đoàn nghệ thuật CAND.

Tóc xoăn dày, khuôn mặt lành lành chất phác, thoáng nhìn, NSƯT Đức Lợi không có cái vẻ gì là lãng tử phiêu bồng thường được hay mặc định ở những nam nhân làm nghệ thuật. Thế nhưng, nghe anh nói, và trong lúc say chuyện, hát, rồi đôi bàn tay mềm dẻo, linh hoạt thể hiện những động tác kịch câm, thì thấy rõ rằng, ở con người này, tố chất nghệ sỹ quá đậm đặc, chắc chắn.

Vốn là một sỹ quan Công an của tỉnh Hà Nam Ninh trước đây, Đức Lợi đã được đồng nghiệp nhìn nhận về khả năng ca hát thiên bẩm của anh chính từ phong trào văn nghệ quần chúng rầm rộ những năm 80 thế kỷ XX. Nhà ở thành phố Nam Định, ngay cả khi đã tốt nghiệp phổ thông, đi làm, Đức Lợi cũng không bao vắng mặt trong những đêm nghệ thuật mà các đơn vị chuyên nghiệp với đầy những gương mặt thành danh về biểu diễn tại Nhà hát 3-2 hay rạp Bình Minh. Xem để thỏa cái khát khao được thưởng thức, xem còn giúp "học lỏm" những ngón nghề các bậc đàn anh đàn chị đang thể hiện, để trở về cơ quan, Đức Lợi lại pha thêm trò, biến tấu thêm nhiều chi tiết thú vị để hình thành nên những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn của đơn vị mình.

Anh tập kịch câm, xin các bài tấu nói về để độc diễn, giúp vui cho bạn bè đồng nghiệp trong các sinh hoạt văn hóa thường kỳ ở cơ quan. Nhưng những ngày tháng amateur, tài tử đó đã khiến cho Đức Lợi nổi như cồn ở địa phương mình, với biệt danh mới được hình thành: "Lợi tấu".

Thừa hưởng năng khiếu ca hát và một dây thanh đới cực khỏe từ mẹ, gia đình lại khéo chăm bẵm, tạo điều kiện, Đức Lợi đã có cho riêng mình một cây đàn guitare ngay từ khi còn bé tí. Bố mẹ đều làm công nhân, cuộc sống nheo nhóc, chật vật, sắm được cho cậu con trai cây đàn gỗ, cho cậu theo học lớp guitare từ một ông thầy khó tính, là biểu hiện của tình yêu âm nhạc mà mẹ đã dồn vào, qua Đức Lợi.

Hát hay, giọng lại vang, lảnh lót, thời thiếu nữ, mẹ của anh được kết nạp vào đội du kích của địa phương để chuyên dùng tiếng hát làm công tác địch vận. Ngày ấy, các anh du kích kéo cô Tỉu ra cái bốt đầu làng, dùng loa kêu gọi binh lính buông súng quay về với bà con, với quê hương bản quán. Những lời thao thiết vừa dứt, đến lượt giọng ca của cô Tỉu cất lên: "Bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường"… Từng lời ca vỏng vót, xoáy vào tâm can những người lính đang lầm đường, cầm súng theo giặc.

Được nuôi dưỡng trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc của gia đình, trở thành một nghệ sỹ chuyên nghiệp là lẽ đương nhiên với mấy anh em trai nhà Đức Lợi. Anh còn người em trai là ca sỹ Ngọc Khang, vốn được đào tạo bài bản từ Học viện Âm nhạc Traicopxky của Nga và đã nổi danh với chất giọng tenor quý hiếm.

Năm 1985, sau khi làm quen với bài hát "Chúng con bên giấc ngủ của Người" do nhạc sỹ Đăng Nước sáng tác, Đức Lợi đã được NSND Quý Dương cầm tay chỉ việc, rèn tập tiết mục này. Các hội diễn ca múa nhạc toàn quốc những năm đó, trong màu áo của lực lượng Công an, Đức Lợi đã liên tục giành các huy chương, giải thưởng cao nhất khi thể hiện bài hát này. Chất giọng nam cao nhưng pha những nốt trung trầm ấm mà Đức Lợi sở hữu, dường như được sinh ra cho chính ca khúc của nhạc sỹ Đăng Nước.

Hiểu được từng ca từ của bài hát, thấm với những ý tứ sâu xa của tác giả, lại thêm một lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ, mỗi khi Đức Lợi cất tiếng: "Vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc, trên môi như Bác vẫn cười, Bác vui vì khắp non sông, cháu con trở về sum vầy…”, người nghe lại không nguôi cảm giác bồi hồi, xao xuyến.

Khoác trên mình bộ sắc phục Công an nhân dân, lại từng là người lính Cảnh vệ tại Công an Hà Nam Ninh, Đức Lợi càng cảm giác như, bài hát ấy được viết riêng cho anh, là tâm trạng, tấm lòng của chính anh dâng lên Bác Hồ. Từ buổi đó, cho đến tận bây giờ, gần 30 năm qua, Đức Lợi vẫn được coi như một trong những nghệ sỹ thể hiện tốt nhất ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người".

Không chỉ có "Chúng con bên giấc ngủ của Người", suốt những năm tháng đứng trên sân khấu biểu diễn, NSƯT Đức Lợi còn tham gia dàn dựng, trình bày nhiều ca khúc viết về Bác Hồ. Mỗi lần hát về Bác, thả hồn mình theo những giai điệu đầy trầm hùng, sâu lắng, là một lần Đức Lợi như được giác ngộ, thấy lòng mình thanh thản, dào dạt niềm yêu hơn.

Sau này, khi đã đảm nhận trách nhiệm Trưởng đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân, không còn trực tiếp biểu diễn, NSƯT Đức Lợi lại tiếp tục truyền kinh nghiệm của mình cho anh em nghệ sỹ trẻ ở Đoàn. "Chúng con bên giấc ngủ của Người" vẫn là tiết mục "đinh", được Đoàn chọn biểu diễn mỗi khi đi phục vụ cán bộ, chiến sỹ và người dân các địa phương xa, hoặc những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Dẫu đứng trên sân khấu, hay lui vào hậu trường để lo các phần việc tổ chức, thì mỗi khi giai điệu quen thuộc của bài hát cất lên, một miền ký ức, một thời tuổi trẻ và bao kỷ niệm lại dồn dập hiện về trong tâm khảm Đức Lợi. Anh luôn tự nhận rằng, cuộc đời mình, một nghệ sỹ mặc sắc phục Công an, đã quá gắn bó với những ca khúc viết về Bác Hồ, nhất là bài hát "Chúng con bên giấc ngủ của Người", một dấu ấn mà đến tận bây giờ, giới âm nhạc vẫn cho rằng, chưa ai thể hiện sâu sắc và truyền cảm như NSƯT Đức Lợi

 

                                                                                  Theo CAND

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục