Nghệ thuật điện ảnh với ưu thế riêng mang tính giao lưu, tính quốc tế nằm trong bản chất đã khiến nó trở thành nghệ thuật hoa tiêu, làm khởi động một nền nghệ thuật dân tộc. Vì thế, những sự kiện của ngành điện ảnh thường được xã hội quan tâm và những ngày này, chuyện xung quanh giải thưởng Cánh diều được bàn luận nhiều.

 

Cuộc tổng kiểm kê sản phẩm của năm

Theo cơ cấu, giải thưởng gồm Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc của 7 thể loại: phim truyện nhựa, phim truyện video, phim ngắn, phim tài liệu nhựa, phim tài liệu video, phim khoa học, phim hoạt hình.

Khác với nhận định ban đầu, số lượng phim ở các thể loại đến ngày chốt sổ đăng ký tham gia khá lớn, phong phú và đa dạng về đề tài. Theo đó, 11 phim truyện nhựa, 16 phim truyện video, 7 phim ngắn, 30 phim tài liệu video, 5 phim khoa học và 9 phim hoạt hình. Đây chưa phải là toàn bộ sản phẩm ra lò trong năm 2010 vì có những bộ phim không đăng ký tham gia, nhưng cứ bằng vào những con số trên thì thấy đời sống điện ảnh năm qua cũng khá sôi động.

Ban giám khảo của từng thể loại đã bắt đầu xem phim và chấm giải. Lễ trao giải Cánh diều 2010 sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM) vào tối 13/3. Giải Cánh diều 2010 có một sự đổi mới đáng kể là thể loại phim ngắn được đưa vào tranh giải cùng các thể loại phim khác. Đồng thời, sau một năm gián đoạn, năm nay, giải Báo chí do 21 nhà báo thuộc Câu lạc bộ báo chí phê bình điện ảnh bình chọn sẽ trở lại để tìm ra bộ phim hay nhất theo tiêu chí riêng của giới truyền thông. Giải thưởng năm nay của Hội Điện ảnh VN vẫn tiếp tục đề cao  tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội của tác phẩm.Tuy nhiên, với mặt bằng điện ảnh hiện nay, mục tiêu đề ra dường như chỉ là đích để người làm nghề phấn đấu.

Ai cũng chờ đợi ở giải Cánh diều vì đó là đòn bẩy, là sự khích lệ, cổ vũ người làm điện ảnh. Có thể giá trị không lớn, nhưng tính nghề nghiệp yêu cầu cao và là giải thưởng hàng năm nên nó theo sát đời sống điện ảnh. Hạng mục phim truyện nhựa bao giờ cũng được sự quan tâm của người làm nghề, công chúng và giới truyền thông.

11 phim truyện nhựa được đưa vào danh sách dự thi giải Cánh diều 2010 gồm: Long thành giả cầm ca (đạo diễn Đào Bá Sơn), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình), Giao lộ định mệnh (Victor Vũ), Tây Sơn hào kiệt (Lý Huỳnh), Cô dâu đại chiến (Victor Vũ), Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh), Hoa đào (Nguyễn Thế Vinh), Nhìn ra biển cả (Vũ Châu), Vũ điệu đam mê (Nguyễn Đức Việt), Vượt qua bến Thượng Hải (Triệu Tuấn), Thiên sứ… 99 (Nguyễn Minh Cao).

Phim Khát vọng Thăng Long được đề cử giải báo chí.

Vắng đạo diễn sáng giá là thiếu phim hay?

Mặc dù quan điểm của Hội Điện ảnh rất rõ ràng, không phân biệt phim do tư nhân hay Nhà nước làm, tiêu chí để đánh giá là chất lượng phim, nhưng để giải tỏa được tâm lý của những nhà làm phim tư nhân: phim được tôn vinh bao giờ cũng là phim của Nhà nước quả không đơn giản. Tuy vậy, tỷ lệ 6 phim tư nhân/5 phim của Nhà nước là một tín hiệu vui trong không khí chủ trương xã hội hóa rộng rãi ngành điện ảnh.

Từ ngày 4 - 6/3/2011, Ban giám khảo phim truyện nhựa  cùng các nhà báo phía Bắc trong CLB báo chí đã cùng xem 11 bộ phim đăng ký dự giải. Đáng buồn là phim Giao lộ định mệnh (Công ty cổ phần truyền thông quảng cáo Ngôi sao) đã bị loại khỏi danh sách sau khi Ban giám khảo cùng lúc được xem cả bộ phim Shattared của đạo diễn Wolf Petersen (Mỹ) chiếu cách đây 20 năm (1991). Cho dù biên kịch, đạo diễn Victor Vũ phủ nhận việc đạo phim, nhưng sau khi xem, so sánh thì sự thật đến trớ trêu: Giao lộ định mệnh không chỉ là sản phẩm coppy ý tưởng, cốt chuyện, mà còn coppy đến cả từng chi tiết. Thật là một sự khó tin với người nghệ sĩ mang thiên chức sáng tạo.

Bỏ qua việc Giao lộ định mệnh là sản phẩm coppy của Mỹ, chỉ bàn đến hiệu quả của bộ phim thì phải thừa nhận rằng bộ phim ấn tượng, hấp dẫn bởi cách kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện, giải quyết các tình huống bất ngờ và luôn bám đuổi nhân vật chính từ đầu đến cuối. Ở đây không phủ nhận việc đạo diễn đã “đạo” cả đường nét đạo diễn khiến có người bực bội bảo “ăn cắp thì nó cặp cả hai”. Thế nhưng để thấy một điều rằng, điện ảnh ta còn nhiều yếu kém. Xem xong Giao lộ định mệnh “nhái”, có một nhà phê bình điện ảnh bảo: So với những phim Việt đã xem, rõ là một bên là anh nông dân làm phim, một bên là Mỹ làm phim.

10 phim còn lại, mặc dù có phim đã tham gia Liên hoan phim Quốc tế nhưng mặt bằng chung không có gì nổi trội, thậm chí còn sút hơn năm trước từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Cánh đồng bất tận (Công ty BHD và Hãng phim Việt) là bộ phim đình đám từ khi mới ra rạp, được coi là bộ phim kết hợp được cả hai yếu tố nghệ thuật và thị trường với doanh thu kỷ lục trong thời điểm “trái vụ”. Thế nhưng, Cánh đồng bất tận cũng chưa thể coi là bộ phim hay khi mà đạo diễn để bộ phim dàn trải, chưa tạo được không khí khi thiếu sự kết hợp các yếu tố bối cảnh, âm nhạc, diễn xuất. Chưa kể tâm lý nhân vật chính một màu, gây cảm giác căng cứng không đúng với tính cách người miền Tây sống giữa sông nước mênh mông. Có lẽ, Công ty BHD may mắn khi chọn được kịch bản từ một cuốn tiểu thuyết quá nổi tiếng nên sức hấp dẫn từ dư âm tác phẩm và tác giả đã khiến nhiều người tò mò xem phim. Xem Long thành cầm giả ca (Hãng phim Giải Phóng) người xem mỏi mắt ngóng theo hai nhân vật chính, còn đạo diễn thì như chơi trò ú tim khi để đến “phút thứ 89” mới cho 2 nhân vật chính gặp nhau. Vì thế cảm giác phim dài lê thê, có người bảo phim này có thể chia thành 2 phim: một phim về cô Cầm, một phim về Nguyễn Du! Không biết có phải chủ trương kết hợp với những nhà làm phim Trung Quốc làm seri phim về Bác Hồ hay không mà sau Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, lần này, Hãng phim Hội Nhà văn lại làm phim Vượt qua bến Thượng Hải. Cũng vẫn là câu chuyện về thời hoạt động của Bác Hồ ở Thượng Hải, ở Pháp. Một bộ phim khác về Bác là Nhìn ra biển cả (Hãng phim Hội Điện ảnh VN) thì lại quá đơn giản và không có gì mới. Chưa kể diễn viên chính hoàn toàn không phù hợp với vai Nguyễn Tất Thành cả về ngoại hình và đài từ. Khát vọng Thăng Long (Công ty cổ phần Kỷ nguyên sáng) là bộ phim lịch sử được đầu tư khá kỹ lưỡng về vai trò của vua Lý Công Uẩn trong thời buổi đất nước loạn lạc. Tây Sơn hào kiệt (Hãng phim Lý Huỳnh) đầu tư khá tốn kém về trang phục, bối cảnh, diễn viên đông đảo, cả đoàn voi chiến, nhưng phim đậm màu cải lương, ít thấy vai trò của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. Còn lại, Cô dâu đại chiến (Công ty BHD và Hãng phim Việt) nặng tính giải trí với câu chuyện bông phèng trong tình yêu của chàng trai đào hoa với các cô gái xinh đẹp. Vũ điệu đam mê (Hãng phim truyện VN) na ná phim truyền hình Bước nhảy xì tin, là phim ca nhạc hip hop nhưng đôi chỗ gượng gạo. Thiên sứ… 99 (Hãng phim Phước Sang) thì quá tệ. Có người buồn chán bảo: Xem phim VN khen không đáng, chê không đành.

Nhìn lại các gương mặt đạo diễn làm phim tham gia giải 2010 thấy thiếu vắng hẳn đội ngũ những gương mặt đạo diễn sáng giá như Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Vân, Vương Đức, Lê Hoàng, Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên…Liệu đó có phải là lý do để một năm điện ảnh thiếu vắng những bộ phim hay? Cũng có thể là như vậy, nhưng cũng không hẳn là như vậy vì nghệ thuật không có kết quả gì chỉ từ một nguyên nhân.

Hội đồng giám khảo phim truyện nhựa tới ngày 13/3 mới vào TP. HCM bỏ phiếu. Các thành viên CLB báo chí thì cũng đã bỏ phiếu bình chọn bộ phim truyện nhựa xuất sắc theo tiêu chí riêng của mình. Hai bộ phim được đề cử là Cánh đồng bất tận và Khát vọng Thăng Long. Còn kết quả ra sao, ban kiểm phiếu còn bí mật.

 

                                                                               Theo Báo SKĐS  

    

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục