Không quá lớn lao để mong “đối trọng” với các chương trình “sân khấu hoá” lễ hội dân gian, các chương trình ca nhạc chuyên nghiệp và tạp kỹ hiện có phần bội thực hiện nay, Liên hoan dân ca các khu vực như một dấu vết nhỏ nhoi trên con đường tìm về nguồn cội...

 

Diễn ra ba đêm với sự đón nhận nồng nhiệt của người dân TP Hà Tĩnh, Liên hoan dân ca khu vực bắc miền Trung vừa kết thúc tối 3-4, để lại nhiều hình ảnh ấn tượng và cảm động. Nhưng, vẫn còn đó những nỗi lo...

Sân chơi của người dân

Liên hoan dân ca các khu vực trong cả nước năm nay đã bước sang năm thứ tư. Tiếp theo các cuộc liên hoan ở khu vực miền núi phía bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên.... Liên hoan dân ca khu vực bắc miền trung có sự tham gia đủ gương mặt sáu tỉnh, gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Hơn 90 nghệ nhân, chủ yếu là nông dân, với 23 tiết mục, có thể nói phần nào đã “vẽ” lên gương mặt dân ca khu vực mà lâu nay, cứ nghĩ đã khuất lấp và nhạt nhoà.

Cảm động là hình ảnh cụ già người Bru-Vân Kiều (Quảng Bình) với mái tóc dài bạc trắng, gầy guộc ngồi hát kể trích đoạn Sinớt trong trường ca dân tộc mình trên sân khấu. Dù tuổi cao và làn hơi đã yếu, và khán giả thì cũng chẳng thể hiểu được tiếng Bru để biết cụ già kể gì, cụ cứ thế ngồi hát kể đầy cảm xúc và sự cổ vũ nồng nhiệt của người dân Hà Tĩnh.

Có những người đến từ vùng núi rất xa trung tâm, để hát, kể về dân tộc mình như thế trong liên hoan này. Hồ Thị Bình và Hồ Thị Sen - hai người phụ nữ mảnh mai, có phần rụt rè với cây đàn trơbon rất độc đáo của dân tộc Chứt, đến từ bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã khiến cho khán giả nhạc nhiên thích thú. Họ hát bài ca của dân tộc Chứt lần đầu tiên trên sân khấu. Bản Rào Tre xa lắm, tận cùng của núi...

Có những người mà, theo cán bộ quản lý văn hóa, để đón họ đến được với liên hoan, phải đợi họ đi bộ nửa ngày đường, tiếp theo đi xe ôm quãng nửa ngày nữa mới nơi có thể tiếp tục đi xe ca về thành phố.

Tìm ra những người như vậy, đưa họ đến đây, để họ tự tin đứng hát trên sân khấu sáng rực ánh đèn- theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh- Trưởng ban giám khảo và cũng là người khởi xướng, đeo đuổi và tâm huyết với cuộc liên hoan này-là “cảm động lắm, sướng lắm”.

Không quá lớn lao mong để “đối trọng” với các chương trình “sân khấu hoá” lễ hội dân gian, các chương trình ca nhạc chuyên nghiệp và tạp kỹ hiện có phần bội thực hiện nay, Liên hoan dân ca các khu vực như một dấu vết nhỏ nhoi trên con đường tìm về nguồn cội. Đó cũng là mục đích của những người tổ chức.

Vậy nên, các tiết mục Múa khèn Mông của ba cha con Và Bá Đùa, Và Bá Chỉnh, Và Po Chùa, hát đồng dao Pụm pe (Bắt cá) của hai em bé 12 tuổi người Thá i(đoàn Nghệ An), điệu hát ru của bà con Vân Kiều (Hồ Thị Thạch-Quảng Bình)... hoàn toàn để mộc mạc như nó vốn có – là điều hiếm hoi và quý giá.

Và những nỗi lo mơ hồ...

Có lẽ cũng lâu lắm rồi, người Hà Tĩnh mới được nghe lại điệu hát dặm đặc sắc của mình trên một sân khấu lớn truyền hình trực tiếp. Điệu hát dặm lời cổ “Ô lục soạn” do nghệ nhân Khánh Cẩm, 80 tuổi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhận được nhiều cổ vũ của khán giả. Mặc dù cách biểu diễn đã phần nào mang hơi hướng văn công chuyên nghiệp, nhưng không hề gì, người Hà Tĩnh rất xúc động khi nghe lại những từ như “đọi ló, đọi độ..”. Trong trường hợp này, hơi hướng chuyên nghiệp hoá lại làm cho điệu dân ca thêm sắc thái tình cảm.

Nhưng tại liên hoan, cũng có những tiết mục mà ít nhiều hiện diện sự áp đặt của những người chuyên nghiệp hoá lại là một điều đáng tiếc. Hát Siêng “Thương nhau” - điệu hát giao duyên của người Pacô(Quảng Trị) Hướng Hoá do hai nghệ nhân Hồ Thị Hên (29 tuổi) và Ăm Xoan 38 tuổi thể hiện, sẽ “thật là thương” hơn khi không có nhạc đệm. Hoặc điệu ru con của người Kơ Tu A Lưới (Thừa Thiên Huế) và A Ngo (Quảng Trị), khi đặt ra một dàn bè nhạc đệm “tây hoá” 100% như nhận xét của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, thì cái hồn của làn điệu ru con đó, thực ra là đã mất.

Hay tiết mục xẩm chợ “Xứ Nghệ quê tôi”- người hát khi hát xong bỗng nhiên ngân lên những nốt “ơ ơ ơ” khoe giọng như nghệ sĩ chuyên nghiệp- cũng bỗng nhiên làm người nghe lo ngại.

Đáng tiếc hơn nữa là điệu hát “cha chấp” của dân tộc Pacô, do hai nghệ nhân Vỗ Thảo và Kả Thảo thể hiện, cũng có đủ dàn bè nhạc đệm gồm cồng, chiêng, trống, khèn...

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh-những nhạc cụ dùng làm bè đệm này, vốn nguyên gốc không hề có trong những điệu hát ru con, hát giao duyên... “Người mẹ đang ru con, hoặc đôi trai gái đang hát bày tỏ tình yêu với nhau thì không có ai điên ngồi thổi khèn thổi sáo bên cạnh cả”- ông nói.

Những di sản của nhân dân cần được tôn trọng và trả về cho đúng với những gì mà họ vốn có. Hoặc nếu họ sáng tạo thì hãy để sự sáng tạo đó là của chính họ, gắn liền với đời sống của họ, chứ không phải là thứ áp đặt bên ngoài vào.

Nhận xét tổng kết của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đêm bế mạc, khẳng định mục đích của liên hoan là trở về nguồn. Nên nếu có sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp, thì cũng là dịp mời họ trở về nguồn, trở về với cái mộc mạc chân chất của dân gian, chứ không phải để họ đem cái hoành tráng rực rỡ của chuyên nghiệp để đi thi với đồng bào đi chân đất, những người từ nơi hẻo lánh xa xôi chân lấm tay bùn. Ông cũng cho rằng nên tránh tối đa các thủ pháp sân khấu hoá như múa minh hoạ, mặc trang phục lộng lẫy không phù hợp, không nên soạn bè cách điệu theo phong cách phương tây, tiết mục của đồng bào thiểu số không nên dùng sáo của người Kinh. Và đặc biệt, không nên múa minh hoạ.

Một điều đáng tiếc nữa, là còn rất nhiều điệu dân ca của đồng bào các tỉnh bắc trung bộ - vốn được đánh giá là vùng dân ca giàu có với nhiều thể loại khác nhau - vẫn chưa có mặt trong liên hoan này. Việc sưu tầm và khơi lại dòng chảy dân ca nằm trong trầm tích lịch sử vẫn cần được tiếp tục lâu dài.

                                                                         Theo Báo Nhandan

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục