Bên suối quê hương. Ảnh: Quốc Dũng (TTV)

Bên suối quê hương. Ảnh: Quốc Dũng (TTV)

(HBĐT) - Trong xã hội Mường cổ, các làng Mường xưa thường tụ cư ở những nơi có nguồn nước. Các làng Mường vùng cao tối thiểu cũng phải ở gần các nguồn nước đủ cung cấp cho việc ăn uống, sinh hoạt quanh năm. Mỗi làng Mường ít nhất cũng có một giếng nước ăn uống và dùng trong sinh hoạt.

 

Trước tháng 8/1945, dưới chế độ cũ, việc lấy nước ăn uống của người Mường rất giản đơn. Các nguồn nước của người Mường chủ yếu được lấy từ nước tự nhiên trên các sông, suối, nước từ các mạch nước ngầm trong lòng đất, lòng núi đá, khe đá, chân thác nước... trào chảy ra. Loại giếng kiểu này rất phổ biến trong khu vực người Mường sinh sống. Nước ngầm phun lên trong các khu sình lầy, đồng ruộng... Đây đều là nước có nguồn trong tự nhiên về đại thể nó thuộc hai loại đó là nước ngầm và nước mặt. Các làng Mường gần sông, suối, khe, lạch thường lấy nước ăn từ các con sông, suối, khe lạch chảy qua mường của mình.

 

Nước được lấy thường là những nơi dòng chảy ôn hoà, không chảy xiết, người Mường không lấy nước ở những vùng nước quẩn, nước tù, không lấy nước ngay chân thác, chân bai ngăn nước.... Họ cho rằng cùng là nước trên một con sông, suối nhưng nước chảy sạch hơn, còn các vùng nước xoáy, nước quẩn thì bẩn hơn do rác rưởi, xác động vật chết, bùn đất... thường ngưng tụ hay bị lực nước làm chúng bị xối tung toé lên ở những nơi này.

 

Những đoạn sông, suối, bến sông lấy nước thường được đặt tên là: bển ăn oỏng - bến lấy nước ăn uống, đường dốc trên bờ đi xuống sông, suối được đặt tên là: Choỏng ăn oỏng - dốc lấy nước ăn uống như ở mường Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) hay bển khú bển rồng - bên khú bến rồng ở xóm Lở, xã Định Cư....và nhiều tên khác tuỳ theo từng làng mường.

 

Khu vực người Mường sinh sống chủ yếu trong các thung lũng bồn địa thuộc vùng trung du có địa hình đồi xen núi đá vôi thuộc loại thấp. Trên các sườn núi, chân núi, chân đồi, các thung lũng thường hình thành các sình lấy... nên có rất nhiều các mạch nước ngầm từ trong núi, đồi, từ lòng đất chảy ra, trào phun lên, thường chảy mạnh về mùa mưa, chảy yếu hơn trong mùa khô ít mưa. Đây là nguồn nước người Mường thường sử dụng lấy về ăn uống. Từ các mạch nước này, người Mường nạo vét ngăn bùn đất bên ngoài không cho bùn đất tràn vào mạch nước để giữ vệ sinh.

 

Các nguồn nước này đều được gọi chung là: vỏ rác, vỏ tác, moỏ...Phiên âm sang tiếng phổ thông là: vó nước - dịch đúng nghĩa là giếng nước. Vó nước từ nguồn nước trong núi đá vôi, đồi đất chảy ra là một trong những nguồn nước quan trọng của người Mường, có thể kể ra đây những vó nước rất nổi tiếng như: vó Dò thuộc xã Nhân Nghĩa, vó Bóp, vó Bượn, vó Ra... xã Tân Mỹ, vó Đong, thuộc xóm Đong, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn)... Đây là những nguồn nước ngầm chảy rất mạnh từ trong lòng núi đá vôi, trong đồi đất chảy ra các khe đá...Trong địa vực người Mường sinh sống chưa ai thống kê được có bao nhiêu vó nước như vậy chỉ mới đếm sơ sơ đã có tới vài chục cái, vó nào ở gần khu dân cư thường được nơi đó lấy làm nước ăn uống, gần các con đường, dốc... đông người qua lại người ta thường nghỉ ngơi rửa mặt, uống nước... cho lại sức rồi đi tiếp.

 

Loại vó nước này thường là nguồn của các con suối nhỏ, các khe lạch, trên đầu nguồn của các cánh đồng, ngày nay, được người ta ngăn thành các hồ, đập trữ nước. Ngoài việc dùng lấy nước ăn uống, sinh hoạt ra, nó còn cung cấp nước cho ruộng đồng và giúp người Mường rất nhiều việc. Xưa kia, dưới chế độ cũ hàng năm gần như là “định kỳ” tháng 3 và tháng 8 âm lịch được gọi là mùa đói đối với người Mường. Vào thời gian này, các gia đình người Mường, nhất là các hộ nghèo thường hết gạo ăn, họ phải tìm củ, quả như củ nâu, củ vớn trong rừng về độn hay ăn chế biến ăn thay cơm. Củ nâu, củ vớn có vị đắng, chát  khi lấy trong rừng về nhà phải gọt bỏ vỏ, sau đó đưa lên cái thuôil - bàn mài được làm bằng tấm sắt có móng vuốt nhỏ, khi mài củ nâu, củ vớn sẽ thành ra những sợi mịn, nhỏ mảnh, sau đó cho vào cái giành (cái bồ được đan mau nhưng rất dễ thông nước) mang ra các vó nước cho ngâm xuống 2/3 thân giành. Nước chảy êm, nhẹ qua sẽ thải dần cho đến khi hết vị đắng, chát, thời gian ngâm khoảng một ngày hoặc một đêm mang về nhà đồ độn với gạo làm cơm.

 

Các vó nước thường quanh năm không bao giờ cạn nước kể cả vào những năm đại hạn, nguồn nước chỉ nhỏ đi, mực nước hạ thấp xuống.

 

Việc tắm rửa, rửa rau, củ quả, gặt giũ thường được người Mường tiến hành ngay bên ngoài giếng, còn nước ăn uống sử dụng trong các gia đình phải được mang về bằng các dụng cụ dẫn hoặc đựng. Người Mường ở các vùng núi hay sát chân núi, đồi họ thường lấy cây tre, bương bổ làm máng bắc từ nguồn nước có vị trí cao hơn nhà mình để dẫn nước về nhà, người dân các vùng thấp hơn trước kia phải dùng các khuồng - suồng, các ống nước làm bằng các ống tre, bương... thân to, dài chưng từ 2 - 3 ống đốt (khoảng  1,2-1,5 m), một đầu vạt nghiêng, đầu kia để bằng, đốt cuối cùng của suồng được để nguyên, các đốt mắt khác trên thân suồng được đục thông bên trong. Nước được lấy đầy suồng sau đó vác về nhà, thế nên mới có câu về người Mường: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác...” là như thế.

 

Các vó nước nổi tiếng hay có tiếng trên xứ Mường phần nhiều đều là những giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm như vó Đúc, qua hỏi các cụ già cao niên sống gần trăm tuổi trong mường, họ nói khi sinh ra đã thấy có, thuở nhỏ họ cũng hỏi cha ông mình đều trả lời như vậy hay như vó Thăm trong mo sử thi, trong các câu ca xưa cũng đã có nhắc tới vì dưới đáy vó có ba hòn đá to được dùng kê ván chắn làm thành trông như 3 hòn nục nên dân gian Mường có câu: “Cùi nục vỏ Thăm” - hòn nục vó Thăm. Vó Viếng ở Tân Phong (Cao Phong) gắn liền với tích trong áng mo Vườn Hoa núi Cối, lễ hội Chùa Quèn Ang... Các vó nước tự chảy ở các chân núi, đồi như: vó Dò, vó Bượn, vó Đong... chắc đã có hàng triệu năm, đó chính là khởi nguồn để cho người xưa tìm đến lập làng, lập mường định cư lâu dài. Về mặt lịch sử, các vó nước của người Mường gắn liền với con người từ thuở ban sơ mới khai khẩn đất đai, lập làng mường định cư lâu dài làm nên các khu dân cư, nhiều khu dân cư là các mường cổ có từ lâu đời tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

 

Các nghi lễ cúng thần nước và các câu chuyện dân gian liên quan đến các vó nước chính là hình thức thiêng hoá tồn tại khá phổ biến và lâu đời trong đời sống dân gian Mường. Cùng với các quy định khi sử dụng vó nước các nghi lễ và các câu chuyện dân gian thể hiện rất rõ sự ứng xử của người Mường với vó nước. Các câu chuyện dân gian tưởng như không liên quan gì đến vó nước, bến nước, song kỳ thực nó vừa tôn bến nước, vó nước lên như ở bên Khú là nơi người ta tìm thấy trứng rồng. ở vó Kèl  lại là lời nhắc nhở con người nơi đây phải luôn ghi nhớ công ơn những người đã đi mở đất khi xưa. Vó Khộp lại là lời nhắn nhủ con cháu phải giữ lấy rừng, có rừng mới có nguồn nước, nếu không giữ được rừng, nước sẽ canh hoặc biến thái khó lường hậu quả. Câu chuyện ở vó Đúc lại là lời răn dạy con người phải ứng xử tôn trọng đối với những người hoạn nạn, khó khăn, có như vậy mới giữ được nguồn nước vó mãi chảy nhiều và trong xanh...

 

Ngày nay, người Mường không còn phụ thuộc vào những vó nước tự nhiên nữa, họ đã biết đào giếng khơi, khoan sâu dăm bảy mét, có khi hàng chục mét sâu xuống lòng đất để lấy nước ngầm dùng trong ăn uống, nhiều nơi mỗi gia đình đã có một giếng của riêng mình không còn dùng chung như trước nữa. Những khu làng mường xưa nhiều nơi nay đã thành phố thị hoặc những nơi khó khăn, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà máy nước, xây lắp đường ống nước đến tận các hộ gia đình. Nhiều vó nước cổ, nhiều bến sông giờ đã không còn nữa, chỉ còn lại vết tích hay đã bị bỏ hoang phế, song, những câu chuyện, những truyền thuyết, hồi ức về những vó nước vẫn còn lưu truyền trong dân gian về thời đã qua đầy nhọc nhằn, song cũng thật trong sáng trong ý nghĩa giáo dục nhân sinh thật đẹp đẽ.      

 

 

                                                     Bùi Huy Vọng 

                      (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng - Lạc Sơn)

 

 

 

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục