Nỗi đau buồn và thương tiếc in hằn trên khuôn mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ khi họ xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nỗi đau buồn và thương tiếc in hằn trên khuôn mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ khi họ xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(HBĐT) - Trưa ngày 12/10/2013, tại Nhà tang lễ Quốc gia – số 5 Lê Thánh Tông (Hà Nội), dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp như kéo dài bất tận. Trong hàng chục ngàn người đang có mặt tại đây, Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tỉnh Hòa Bình có sáu bác. Họ từ Hòa Bình xuống đây từ sáng sớm để được vào viếng linh cữu Đại tướng. Niềm tiếc thương vô hạn khắc sâu trong đôi mắt và tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân họ không bị đau mỏi lúc này. Sáu bác đều trên 80 tuổi và bị thấp khớp nặng, thế mà hôm nay, họ đã vượt qua chặng đường 90 km, rồi đi bộ gần 3 km và đứng xếp hàng liên tục ở đây gần bốn tiếng đồng hồ.

 

Bác Bùi Quang Thản - Trưởng Ban đã từng được gặp Tướng Giáp vài ba lần khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, sau đó, thêm năm lần xuống nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội. Lần cuối cùng là năm 2006. Nhớ lại, bác Thản rưng rưng: “Lần đó, tôi thấy ông cụ gầy mà thương quá…”

 

Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tỉnh Hòa Bình đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những lần đến thăm hỏi và chúc thọ Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu. Một trong những lần gặp mặt đó, ngày 20/4/2004, Đại tướng đã tặng họ cuốn sách “Điện Biên Phủ” với lời đề tặng thân tình: “Chúc các chiến sĩ Điện Biên Phủ Hòa Bình mọi sự tốt đẹp và mãi mãi tiến lên phía trước”. Cuốn sách được bác Trưởng Ban Bùi Quang Thản giữ gìn cẩn thận suốt 13 năm nay. Đó là kỷ vật vô giá, là tài sản tinh thần lớn lao của những người lính Điện Biên năm xưa, nay đã là những ông cụ tuổi cao, sức yếu.

 

Nhưng bất chấp tuổi cao, sức yếu, sáu “cụ lính” Điện Biên hôm nay quyết tâm phải vào viếng bằng được linh cữu thiêng liêng của vị Đại tướng mà họ luôn yêu kính. “Dù phải xếp hàng đến 8, 9 giờ tối cũng được” – bác Nguyễn Văn Phước (87 tuổi) nói một cách chắc nịch. Hôm nay, bác dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị lên đường. Khi đi bộ tìm vào khu vực xếp hàng này, các bác bị lạc đường, càng đi càng rối nên tính sơ sơ đã phải cuốc bộ loanh quanh gần 3 km. Đoạn đường đó đủ khiến đôi chân các bác đau nhức ê ẩm, nhưng không thể làm lung lay quyết tâm của họ.

 

“Đây là lần cuối cùng tôi được gặp Đại tướng. Cảm giác đau buồn và thương tiếc như bị mất một người thân trong gia đình” – bác Phước chia sẻ. Đoạn, tay run run móc trong túi áo ra một phong bì đã dán rất cẩn thận. Đó là bức thư của một người bạn nhờ bác gửi tới chia buồn cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác tự thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi hôm nay có mặt trong dòng người được vào thăm viếng vị tướng tài năng, đức độ của dân tộc Việt Nam.

 

Cô Nguyễn Thị Na – cựu chiến binh phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình cũng cảm thấy mình cực kỳ may mắn khi hôm nay được vào viếng linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cô kể, cô từng một lần được gặp cụ Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Khi đó, cô đã hát cho cụ nghe bài “Quảng Bình quê ta ơi”, được cụ khen hay và gọi lại ngồi gần cụ, vừa trò chuyện vừa nắm tay rất ân cần. Một lần đó thôi nhưng để lại ấn tượng trong cô quá sâu đậm, đến nỗi khi nghe tin cụ mất, cô bàng hoàng như mất một người thân. “Dẫu biết đó là sự ra đi được báo trước nhưng vẫn có cảm giác hụt hẫng, thương tiếc vô cùng…” – cô Na tâm sự. Ký ức về Đại tướng ùa về tràn ngập trong tâm trí cô, rồi thổn thức trong những câu thơ đầy ám ảnh, trong thơ hiện rõ hình ảnh đôi bàn tay của vị tướng đã trở thành huyền thoại Võ Nguyên Giáp:

Bàn tay năm ngón dài mảnh dẻ

Mao mạch hiện rõ

Chì chịt như chiến hào Điện Biên Phủ năm nao

Ôi bàn tay diệu kỳ

Một lần được nắm

Để một đời yêu kính mãi khôn nguôi

….

 

Sự yêu kính của biết bao người dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những ngày tang lễ vừa qua đã biến thành nỗi tiếc thương vô hạn không thể đong đếm thành lời. Dòng người vào viếng anh linh Đại tướng cứ kéo dài bất tận như chính nỗi đau của họ. Nước mắt tuôn tơi vì một nỗi đau chung. Họ đã khóc rất nhiều khi phải tiễn biệt một trái tim lớn đã ngừng đập. Vô cùng thương tiếc Đại tướng của nhân dân.

 

 

                                                                             Thu Trang

 

 

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục