Ông mo ở huyện Tân Lạc và cách làm lễ  được cán bộ Sở VH-TT&DL ghi lại để bảo tồn.

Ông mo ở huyện Tân Lạc và cách làm lễ được cán bộ Sở VH-TT&DL ghi lại để bảo tồn.

(HBĐT) - Mo Mường là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của người Mường Hòa Bình. Đây được coi là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), hiện nay, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản mo Mường.

 

Theo đồng chí Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT&DL, trên thực tế, mo Mường được coi là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp bao gồm nhiều thành tố văn hóa như phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, lối sống, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng... phản ánh đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa của người Mường. Mo Mường trong quá trình diễn xướng được xem như là một phương tiện giao tiếp và bày tỏ lòng tôn kính đến các lực lượng siêu nhiên. Mặt khác, mo Mường phục vụ như một phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên và vũ trụ của người Mường, về tri thức và tập quán xã hội. Trong mo Mường phản ánh rõ nét những dấu ấn giai đoạn sớm nhất của xã hội loài người, những chứng tích, tư liệu giúp chúng ta khai thác, phục hồi lại được diện mạo sinh hoạt, diện mạo xã hội và tư duy xã hội xa xưa.

 

Theo nhiều nguồn tài liệu, cách đây hàng trăm năm, từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu mo Mường đã được bắt đầu tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của mo Mường. Gần đây nhất, theo thống kê trong đề tài khoa học kiểm kê mo Mường năm 2012 do Sở VH-TT&DL thực hiện, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 284 người làm nghề và thường xuyên thực hiện nghi lễ mo. Trong đó, huyện Tân Lạc có số người làm mo đông đảo nhất với 78 người; Lạc Sơn 45 người và huyện Kim Bôi 45 người. Theo nhóm nghiên cứu đề tài, phạm vi, quy mô của tín ngưỡng mo thể hiện ở các nghi lễ trong đời sống của người Mường đều ít nhiều có sử dụng đến mo nhưng nghi lễ được sử dụng mo Mường nhiều nhất là đám tang. Xưa kia, tang lễ của người Mường kéo dài đến 12 ngày đêm, trong đó, 12 đêm mo và ban ngày là các nghi lễ liên quan và cử hành lễ phúng viếng, lễ cúng cơm... Ngày nay, theo quy định đời sống văn hoá mới, nghi lễ mo trong đám tang được rút gọn và giản lược tối đa, song mo vẫn được sử dụng là chủ đạo trong các nghi lễ chính và cần thiết. Các nghi lễ vòng đời và tín ngưỡng cộng đồng của nhiều vùng Mường vẫn thường xuyên sử dụng mo là phương thức thực hành tín ngưỡng. 

 

Cũng theo đồng chí Bùi Ngọc Lâm, ngành VH-TT&DL đã và đang tích cực thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về hoàn thiện việc kiểm kê di sản mo Mường, tiến tới lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở kết quả đề tài kiểm kê di sản mo Mường tỉnh Hòa Bình năm 2012, hướng tới mục tiêu thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản mo Mường Hòa Bình theo lộ trình và các bước đạt hiệu quả. Trong những năm tiếp theo, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho phép tiến hành giai đoạn 2 của đề tài là tổ chức dịch thuật từ tiếng Mường ra phiên âm La tinh và từ tiếng Mường ra tiếng Việt các áng mo Mường thuộc các Mường lớn Bi, Vang, Thàng, Động; tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến trưng cầu của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh và các nghệ nhân để xác định giá trị di sản mo Mường Hòa Bình; từng bước tiến hành lập hồ sơ di sản đưa vào danh mục quản lý của tỉnh, trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia và tiến tới lập hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận di sản thế giới; tổ chức tôn vinh các nghệ nhân mo có uy tín của các vùng Mường và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân có đóng góp trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị mo Mường.

 

 

                                                                                                Hương Lan

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục