1 trong 4 trụ cột là nghi môn của đình Cời hiện còn lưu giữ được.

1 trong 4 trụ cột là nghi môn của đình Cời hiện còn lưu giữ được.

(HBĐT) - Trong tiềm thức của mỗi người dân, đình Cời có từ rất lâu đời và là điểm đến tâm linh để nhân dân thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ những người có công lập bản, lập Mường, bảo vệ khỏi thiên tai, địch họa và hướng dẫn con người lao động sản xuất. Giá trị lịch sử văn hoá của đình Cời được biết đến chính xác nhờ vào các bản sắc phong cổ và trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng nơi đây.

 

Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Công Cường, xóm Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn) -  người đang lưu giữ 8 bản sắc phong cổ, một tài liệu vô cùng quýự giá để biết được chính xác lịch sử vị thần được thờ và niên đại của di tích, được coi như một bản lý lịch gốc để xác lập vị trí của di tích. Các bản sắc phong cổ đều là các sắc phong của triều Nguyễn, sắc sớm nhất là sắc niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (năm 1909), sắc muộn nhất là sắc niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1924).

 

Giải nghĩa các bản sắc phong để giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử đình Cời, ông cho biết: Sắc phong thứ nhất ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909) với nội dung “Sắc chỉ ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình theo như trước đây thờ phụng: Mậu huân Long Trạch Hoằng hy Tuỵ Linh Hạo sảng, Tuấn tĩnh Dực Bảo Trung hưng Cao Sơn Đại Vương Thượng đẳng thần (huý Sùng). Hiệp linh phù chính Phô uy Đôn tuấn Hùng tuấn Trác vĩ Dực trung hưng Tản Viên Sơn Quốc chủ kiêm Thượng đẳng thần (huý Tuấn). Cao thông Bác đạt Tĩnh chính tú nghi Dực Bảo trung hưng Quý Minh đại vương Thượng đẳng thần (huý Hiển). Các thần đã được các triều đại ban cấp sắc phong; chuẩn định cho phép (dân xã) thờ phụng. Năm Duy Tân nguyên niên mở lễ lớn, trẫm đã ban chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt chuẩn định cho phép (dân xã) vẫn thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng. Kính cẩn thay!”.

 

Sắc phong thứ bảy ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924): “Sắc ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, thờ phụng Bà chúa cai quản vùng sơn lâm trước đã tặng sắc là: Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Thần đã giúp nước cứu dân rất linh ứng nên đã được các đời ban cấp sắc phong, chuẩn định cho được thờ phụng. Nay đúng dịp lễ lớn mừng thọ trẫm 40 tuổi đã ban chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt chuẩn cho (xã) được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng. Kính cẩn thay!”.

 

Căn cứ vào nội dung của các sắc phong thì đình Cời thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Đức Chúa Bà cai quản rừng núi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng ngàn. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh  là ba vị thần Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng thần (huý Sùng), Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng thần (huý Hiển) và Tản Viên Sơn Quốc kiêm Thượng Đẳng thần (huý Tuấn). Các vị thần này rất linh ứng đã phù giúp nhân dân và đất nước nên được các triều đại phong kiến tin trọng và ban sắc cho nhân dân khắp nơi được thờ phụng và tôn là thành hoàng.

 

Theo lời kể lại của ông Đinh Công Cường và các cụ cao niên trong làng, thuở ban đầu, đình Cời được dựng lên bằng vật liệu đơn giản tranh, tre, nứa, lá, cách đình Cời ngày nay khoảng 400 m. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khu vực này xảy ra dịch bệnh triền miên nên nhân dân phải chuyển nơi ở ra bờ sông Bùi và dân làng cũng đã dựng lại ngôi đình mới tại đó. Cũng theo lời ông Cường, vào khoảng những năm 1890 - 1891, cụ nội là ông Đinh Công Thịnh đang làm Chánh tổng Cư Yên cho đón thợ dưới đồng bằng lên xây lại đình gồm 3 gian 2 chái, diện tích rộng khoảng 60 m2, xung quanh đình được xây gạch đá ong, phía trước là tường gỗ và cửa. Vào những năm 1901 - 1902, ông Đinh Công Thịnh là tri châu Lương Sơn đi học chữ nho ở đình Cấn - Quốc Oai (Hà Nội). Biết ông có ý định xây lại đình, người ở nơi đó đã cử những thợ có tay nghề cao từ Cấn - Quốc Oai, Bụa (khu vực Gốt - Chương Mỹ hiện nay) về Tân Vinh làm gạch xây đình với điều kiện người dân Cấn, Bụa được phép khai thác than củi, gỗ tại khu vực Tân Vinh. ông đi tham khảo khắp nơi và sai thợ xây dựng kiến trúc như đình Trèm, rộng như đình Cấn. Sau một vài năm công trình đã hoàn thiện. Đình rộng khoảng 4 ha, xây theo kiểu chữ nội công, ngoại quốc gồm nhà đại bái, hậu cung, 2 bên có tả vu hữu vu. Năm 1949, đình bị thực dân Pháp bắn cháy. Các hiện vật, đồ tế tự liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng tại đình được nhân dân gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.

Cũng giống như nhiều nơi, lễ hội đình Cời được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm. Theo lời ông Đinh Văn Hềm, Chủ tịch Hội NCT xã Tân Vinh, xưa, để chuẩn bị làm lễ, dân làng phải làm cỗ để cúng thần, trong ngày mùng 4 phải chuẩn bị cỗ chay, cỗ nhắm và cỗ cúng ngoài đình. Các mâm cỗ bao gồm xôi, bánh chưng, gà và các món dân gian của người Mường. Ngoài những mâm lễ của ngày mùng 4 thì ngày mùng 5 dân làng phải chuẩn bị một mâm gồm có đầu trâu, bốn chân để sống (đây phải là con trâu to béo được chọn lựa kỹ càng). Sang ngày mùng 6 phải có 8 mâm cỗ của 8 gia đình gồm xôi, gà, rượu, trầu, cau. Cùng với việc chuẩn bị các mâm cỗ theo quy định bắt buộc, làng phải chọn đội hình tế gồm 18 người, đội hình rước kiệu khoảng 40 người. Song song với phần lễ, vào các buổi chiều mùng 5 và mùng 6 dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đánh đu, bắt trạch trong chum thu hút rất đông nhân dân tham gia.

 

     

Niềm vui của chính quyền và nhân dân xã Tân Vinh (Lương Sơn) trong dịp đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá đình Cời.

 

Từ những giá trị văn hoá lịch sử đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1053 ngày 30/7/2013 xếp hạng di tích đình Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn) là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là căn cứ để địa phương có sự đầu tư, kêu gọi phục dựng lại đình. Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT&DL nhấn mạnh: Chính quyền và nhân dân địa phương cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc giữ gìn những hiện vật cổ. Dự án phục dựng lại đình Cời phải dựa trên quy mô, kiến trúc niên đại của đình nhằm đảm bảo tính lịch sử của ngôi đình trước đây. Cùng với các di tích khác trên địa bàn, đình Cời sẽ trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng quan trọng của huyện Lương Sơn.

 

 

 

                                                                     Nguyễn Hồng

 

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục