Chiếc sanh cổ được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) so với chiếc sanh cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì nhỏ hơn nhiều.

Chiếc sanh cổ được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) so với chiếc sanh cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì nhỏ hơn nhiều.

(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, trong số hàng chục nghìn cổ vật được sưu tầm, khai quật và lưu giữ qua các thời kỳ, tỉnh ta có một cổ vật đã vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là chiếc sanh đồng cổ Mường Bi.

 

Đi tìm Sanh cổ Mường Bi

 

Chuyện về chiếc sanh đồng cổ Mường Bi đã nghe từ lâu. Chúng tôi đã tận mắt thấy, tận tay sờ khi nó được trưng bày tại lễ hội Khai hạ Mường Bi xã Phong Phú (Tân Lạc) hàng năm. Cũng thật bất ngờ khi đó chưa phải là cái sanh đồng to nhất, giá trị nhất từng có ở vùng đất Mường Bi. Trên thực tế, chiếc sanh đồng hiện được lưu giữ tại kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Với giá trị của mình, chiếc sanh đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ hàng chục năm trước. Đây là điều không phải ai cũng biết. Với chúng tôi, thông tin này cũng mới chỉ được biết trong thời gian gần đây thông qua một số tài liệu của Bảo tàng Hoà Bình. Điều này cũng được ông Bạch Quốc Khánh, Chủ nhiệm CLB hưu trí tỉnh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh chứng thực.

 

Theo trí nhớ của ông Bạch Quốc Khánh, vào khoảng năm 1994, khi ấy ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Sau khi tiếp nhận vị trí công tác mới, việc đầu tiên ông bắt tay vào làm là sắp xếp, củng cố và hoàn chỉnh hồ sơ kho hiện vật theo đúng yêu cầu nghiệp vụ bảo tàng; tổng kiểm kê di sản văn hoá vật thể để phân loại, lập hồ sơ khoa học lựa chọn các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia để có phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị về lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê các hiện vật đã phát hiện có danh sách của chiếc sanh đồng cổ Mường Bi nhưng hiện vật lại không lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh.

 

Với mong muốn tìm lại chiếc sanh đồng cổ, bằng các mối quan hệ trong ngành, ông Khánh đã tìm ở kho của Bảo tàng Quân khu 3, Bảo tàng tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Bảo tàng Quân đội, hỏi cả Tổng Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam là đơn vị tổ chức triển lãm cổ vật Việt Nam năm 1959 nhưng không ai biết thông tin về chiếc sanh đồng cổ hiện đang ở đâu. Sau này, tình cờ làm việc với Bảo tàng lịch sử quốc gia, bằng mối quan hệ đặc biệt, ông Bạch Quốc Khánh đã vào tìm trong nhà kho của Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Tại đây, ông đã phát hiện một chiếc sanh to giống như mô tả về chiếc sanh đồng cổ Mường Bi đang được Bảo tàng Hòa Bình tìm kiếm bấy lâu. Sau khi xem lại hồ sơ hiện vật thì đó đúng là chiếc sanh của tỉnh Hoà Bình. Theo hồ sơ cổ vật, chiếc sanh này do ông Nguyễn Văn Đắc ở Tỉnh Đội Hoà Bình đưa về trưng bày tại triển lãm cổ vật Việt Nam năm 1959 tại Quân khu 3. Tuy nhiên, do không có xe chở về Hoà Bình nên đã nhập vào kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau đó, chiếc sanh đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh được biết, hiện chiếc sanh cổ Mường Bi vẫn được lưu giữ trong kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

 

Bảo vật truyền đời

 

Về nguồn gốc của chiếc sanh, theo suy đoán của ông Bùi Văn Khẩn ở xóm ải, xã Phong Phú - người được xem là một pho sử sống ở vùng đất Mường Bi thì với độ to, lớn quý hiếm như vậy, trước đây, chiếc sanh chắc chắn thuộc về một vị quan Lang lớn nhất vùng Mường Bi. ông nhớ, hồi trẻ được nghe các cụ kể lại, chiếc sanh này đủ lớn để người ta có thể nấu thịt 4 con trâu cùng một lúc. Nếu để đựng nước thì cả chục người đi gánh cả buổi mới đổ đầy nước vào chiếc sanh. Đây là chiếc sanh to nhất của cả vùng Mường Bi mà cũng có khi to nhất tỉnh lúc bấy giờ, không có chiếc thứ 2. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng ở vùng Mường Bi, lính Pháp ở đồn Do Nhân đã lấy chiếc sanh này về để đựng nước. Khi bộ đội ta tấn công tiêu diệt đồn Do Nhân, trong quá trình chiến đấu, chiếc sanh đã bị 1 viên đạn bắn trúng và làm thủng một lỗ ở thân. Sau khi đánh chiếm được đồn Do Nhân, chiếc sanh đã được mang đi, từ đấy chẳng có ai biết chiếc sanh này ở đâu.

 

Ngoài chiếc sanh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hiện nay ở xã Phong Phú (trung tâm Mường Bi) cũng đang lưu giữ một chiếc sanh cổ rất đẹp. Theo ông Bùi Anh Xuân, Trưởng Ban văn hoá xã Phong Phú, chiếc sanh hiện lưu giữ ở xã tuy không to bằng chiếc sanh cổ ngày xưa nhưng nó cũng có 4 quai, được chạm khắc hoa văn lá đề, hoa đào, mai rất tinh xảo. Chiếc sanh này trước đây cũng là đồ dùng trong nhà Lang. Nó được người dân xóm Lũy phát hiện trong quá trình đào móng làm nhà.

 

Theo ông Bùi Văn Khẩn thì những chiếc sanh như thế này ngày xưa chỉ được dùng trong những dịp lễ, tết hoặc nhà Lang có việc lớn thể hiện rõ sự phú quý, uy quyền của nhà Lang trong xã hội xưa. Trước khi mang ra dùng, người ta mời thầy đến cúng, khi dùng xong phải cất vào nơi trang trọng. Những chiếc sanh đồng ngoài giá trị như một món tài sản lớn thì với người Mường nó như một vật báu truyền đời.

 

 

                                                                                    Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục