Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 501.372 trường hợp mắc COVID-19 và 3.722 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 275 triệu ca, trong đó trên 5,37 triệu người không qua khỏi.


Người dân mua sắm chuẩn bị cho Giáng Sinh tại London, Anh, ngày 18/12/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu trên 275.458.517 ca, trong đó có 5.374.909 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch "nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 91.000 ca), trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 245.700.000 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 22 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 20/12, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19” sang "sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình "bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một "trận sóng thần” COVID-19 mới.

Ngày 20/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.

Phát biểu họp báo với phóng viên tại trụ sở WHO ở Geneva, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vaccine hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm". Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng khẳng định năm 2022 phải là năm "chúng ta kết thúc đại dịch".

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với hơn 60% số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày trên toàn cầu tập trung tại châu lục này. Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron virus SARS-CoV-2 trên khắp châu Âu và Mỹ, đang đặt ra những thách thức lớn, đe dọa ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của kinh tế thế giới.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông báo đã ghi nhận 82.886 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, thấp hơn so với mức 90.418 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 11.361.387 ca. Trong đó, Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể này xuất hiện tại đây. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh hiện là 37.101 ca. Anh đến nay có 12 ca tử vong và 104 ca đang phải điều trị trong các bệnh viện vì nhiễm biến thể Omicron.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh, thậm chí số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người không làm xét nghiệm biến thể này.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ireland thông báo đã ghi nhận 5.124 ca mắc mới, hơn 50% trong số này là ca nhiễm biến thể Omicron. Ông Tony Holohan, một quan chức y tế, nhận định việc Omicron chỉ mất chưa đầy 2 tuần để trở thành biến thể chủ đạo tại Ireland đã cho thấy tốc độ lây nhiễm của biến thể này. Ông Holohan cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện đi tiêm mũi tăng cường sớm nhất có thể, đồng thời nhấn mạnh mọi biện pháp hiện nay là rất quan trọng trong việc ngăn chặn làn sóng dịch để có thể giảm số ca tử vong và nguy cơ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab ngày 20/12 cho biết ông không thể đưa ra bất cứ bảo đảm nào về việc chính phủ có siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh hay không.

Nhằm giảm tốc độ lây nhiễm chóng mặt của biến thể Omicron, vốn đang chiếm phần lớn số ca mắc mới COVID-19 hiện nay, Đức thông báo có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế mới sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Tại cuộc họp ngày 20/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các bang đã thống nhất với dự thảo thỏa thuận, theo đó dự kiến áp đặt các biện pháp hạn chế mới từ ngày 28/12. Với quy định mới, các cuộc tụ tập ở nơi công cộng, kể cả bên ngoài và không gian trong nhà, đồng thời áp dụng với cả những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, mức tối đa chỉ được 10 người. Trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được miễn quy định. Nếu một người chưa tiêm chủng tham gia cuộc gặp đông người, thì quy định sẽ nghiêm ngặt hơn, theo đó những người từ một hộ gia đình chỉ được gặp với tối đa hai người từ một gia đình khác.

Ngoài những quy định trên, chính quyền liên bang và các bang cũng dự kiến sẽ đóng cửa các câu lạc bộ và vũ trường. Các sự kiện văn hóa thể thao trong nhà và ngoài trời cũng sẽ bị giới hạn, với số lượng người được phép tham chỉ từ 30% đến 50% sức chứa. Các bang có tỷ lệ lây nhiễm cao phải hủy bỏ các sự kiện lớn hoặc tổ chức mà không có khán giả. Các quy định 2G, tức là đã tiêm vaccine hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 vẫn có hiệu lực đối với việc ra vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (IRK), Đức đã ghi nhận 16.086 ca mắc mới và 119 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính tổng số ca mắc từ đầu dịch, Đức đã ghi nhận 6.809.622 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 108.352 ca tử vong.

Tổ chức giám định y tế hàng đầu thế giới của Pháp, Haute Autorite de la Sante (HAS) ngày 20/12 đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Bà Lise Alter, một trong những bác sĩ phụ trách đánh giá nguy cơ của vaccine này dành cho trẻ em, khẳng định vaccine của Pfizer/BioNTech đã cho thấy hiệu quả phòng bệnh cao ở nhóm trẻ em trong độ tuổi này. HAS khuyến nghị tất cả các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng nếu có nguyện vọng. Tại Pháp, thời gian đầu, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẽ được thực hiện tại viện nhi, trước khi được triển khai tiêm chủng đại trà tại các cơ sở y tế khác.

Tuần trước, Pháp đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi có bệnh lý nền. Trước Pháp, nhiều nước châu Âu như Đức, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha,... cũng đã tiêm chủng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sau khi EMA - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu, vào tháng trước đã cấp phép sử dụng vaccine này tiêm chủng cho nhóm trẻ trong độ tuổi trên.

Trong khi đó, tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19, giới chức y tế nước này hối thúc người dân tiêm vaccine mũi tăng cường phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, đồng thời đeo khẩu trang và thận trọng nếu đi nghỉ trong mùa Đông.

Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, ông Francis Collin, cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng mạnh tại Mỹ trong 2 tuần tới. Ông Collin cũng kêu gọi những người nằm trong số 60% đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường tại Mỹ cần đi tiêm ngay trong tuần này.

Cùng ngày, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ cảnh báo mùa Đông ảm đạm trong bối cảnh biến thể Omicron tạo ra làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu, kéo theo các biện pháp hạn chế tại nhiều nước. Hiện Omicron chiếm khoảng 3% số ca mắc COVID-19 tại Mỹ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều công ty lớn ở nước này đang phải đánh giá lại các kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc, đồng thời đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến tiêm phòng hoặc đeo khẩu trang, trong bối cảnh biến thể Omicron đang làm gia tăng văn hóa làm việc từ xa do đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.675 ca mắc mới COVID-19 và 396 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã trên 14.656.172 trường hợp và 300.514 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 4 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Việt Nam ngày 20/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với xấp xỉ 15.000 ca mắc mới và 225 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/12 ghi nhận thêm trên 2.500 ca bệnh mới và 31 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 7 bệnh nhân mới và không có ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, "Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 1 ca tử vong vì COVID-19. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trước tình hình dịch bệnh trên, việc nâng cao tỷ lệ người hoàn thành tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường đang là vấn đề ưu tiên của các chính phủ nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ của dịch COVID-19. Để làm được điều này, đa dạng hóa nguồn cung vaccine song vẫn đảm bảo yếu tố hiệu quả, an toàn và chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Nuvaxovid do hãng dược phẩm Mỹ Novavax sản xuất, cho người từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, Nuvaxovid sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 5 được lưu hành tại châu lục này, sau vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Trong khi đó, hãng dược Moderna của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho biết tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA-1273 của hãng sẽ giúp bảo vệ khỏi biến thể Omicron, đồng thời khẳng định phiên bản vaccine hiện nay sẽ tiếp tục là "sự phòng vệ tuyến đầu của Moderna chống Omicron”.

Moderna cho biết liệu trình tiêm 2 mũi vaccine của hãng tạo ít kháng thể chống Omicron, nhưng mũi tiêm tăng cường với liều lượng 50 microgram giúp tăng lượng kháng thể gấp 37 lần để chống lại Omicron. Đáng chú ý, mũi tiêm với lượng cao hơn - 100 microgram - của cùng loại vaccine này giúp tăng lượng kháng thể cao hơn 80 lần so với mức chưa tiêm bổ sung.

Hiện các nhà quản lý dược phẩm Mỹ cho phép tiêm mũi tăng cường với liều lượng 50 microgram, bắt đầu từ tháng 10 vừa qua. Hai mũi vaccine đầu tiên đều có có liều lượng 100 microgram.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, biến thể Omicon hiện đã lây lan tới 89 quốc gia. Omicron lây lan rất nhanh, song hiện chưa có số liệu chính xác về mức độ nghiêm trọng của bệnh mà biến thể này gây ra.

 


Theo Baotintuc

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục