Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 478.000 ca nhiễmm, nâng tổng ca bệnh lên gần 270 triệu người. Nước Anh ghi nhận kỷ lục 633 ca nhiễm biến thể Omicron trong 1 ngày và được cảnh báo đối mặt 75.000 ca tử vong trong mùa Đông này.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu chợ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 10/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 8/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 269.946.913 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.317.147 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 478.457 và 5.252 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 242.693.425 người, 21.936.341 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.811 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 54.073 ca; Pháp đứng thứ hai với 53.720 ca; tiếp theo là Mỹ (46.505 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.171 người chết trong ngày; tiếp theo là  Ba Lan (486 ca) và Mỹ (422 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 50.751.762 người, trong đó có 817.765 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.684.396 ca nhiễm, bao gồm 475.128 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.184.824 ca bệnh và 616.733 ca tử vong.   

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 83,02 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 77,82 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 60,54 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,18 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,97 triệu ca và châu Đại Dương trên 387.000 ca nhiễm.


Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại London, Anh, ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Anh: Kỷ lục 633 ca nhiễm Omicron trong một ngày

Theo trang Sky News, số liệu công bố ngày 11/12 cho thấy có thêm 633 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện tại Anh, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ khi biến thể này được phát hiện ở xứ sương mù.

Như vậy đến nay số ca Omicron được xác nhận tại Anh đã lên tới 1.898 ca. 

Các chuyên gia đang cảnh báo biến thể Omicron có thể gây ra từ 25.000 đến 75.000 ca tử vong ở Anh trong vòng 5 tháng tới nếu không có biện pháp bổ sung nào được thực hiện ngoài Kế hoạch B. 

Italy đạt kỷ lục mới về tiêm vaccine 

Số người đi tiêm liều vaccine đầu tiên phòng COVID-19 tại Italy đã tăng lần đầu tiên trong nhiều tuần, trước khi quy định "siêu thẻ xanh” có hiệu lực từ ngày 6/12 với những hạn chế mới nhằm vào những người chưa tiêm vaccine.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi thăm khu chợ Giáng sinh tại Paris, Pháp ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo mới nhất được Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation công bố ngày 10/12, cho biết số người tiêm vaccine liều đầu tiên trong tuần từ ngày 30/11-5/12 đã tăng 31% so với tuần trước đó, tương đương với 223.000 liều vaccine, so với 105.000 liều/tuần hồi đầu tháng 11. Cũng trong tuần trên, số người tiêm mũi vaccine tăng cường đã tăng hơn gấp đôi. Dữ liệu của Bộ Y tế Italy cho thấy khoảng 2,6 triệu lượt người đã tiêm mũi tăng cường, tăng 52% so với tuần trước. Số người đi tiêm mũi vaccine tăng cường đã tăng mạnh khi Italy bắt đầu cho phép tất cả những người trên 18 tuổi được tiêm mũi thứ ba này từ ngày 1/12.

Theo dữ liệu mới nhất ngày 10/12 của Bộ Y tế Italy, hơn 88% dân số nước này hiện đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi gần 85% đã tiêm đủ liều (với hai liều hoặc một mũi vaccine Johnson & Johnson).

Mỹ xem xét tiêm mũi vaccine tăng cường cho quân nhân

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang tiến hành các cuộc "thảo luận tích cực" về việc bắt buộc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa cho các quân nhân, ngay cả khi hàng nghìn người từ chối hoặc tìm cách miễn tiêm mũi ban đầu bắt buộc.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này, song Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khuyến khích mọi quân nhân, nếu có thể và đủ điều kiện, tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện giờ, bộ này chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc liên quan việc thực hiện mũi tiêm tăng cường. 

Ông Kirby cho biết khoảng 96,4% tổng số quân nhân tại ngũ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tỷ lệ này giảm khi tính cả các thành viên của lực lượng Dự bị và Vệ binh Quốc gia. Chỉ khoảng 74% tổng quân số, bao gồm cả lực lượng tại ngũ, vệ binh và dự bị, đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng lực lượng vệ binh của Lục quân phải đến tháng 6/2022 mới được tiêm.

New Zealand điều tra vụ người tiêm 10 liều vaccine chỉ trong một ngày

Ngày 11/12, Bộ Y tế New Zealand cho biết cơ quan này đang làm rõ trường hợp một người đàn ông đã tiêm vaccine COVID-19 tới 10 liều chỉ trong một ngày.  

Theo bộ trên, một người đàn ông đã tiêm tới 10 liều vaccine COVID-19 tại nhiều trung tâm tiêm chủng khác nhau chỉ trong một ngày. Điều tra sơ bộ cho thấy người này đã được trả tiền để đi tiêm thay cho những người khác. Bộ Y tế New Zealand không nói rõ địa điểm xảy ra sự việc và khuyến cáo những người từng tiêm nhiều hơn số mũi theo quy định nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nhà virus học, Phó Giáo sư Helen Petousis-Harris cho hay tạm thời sức khỏe của người đàn ông này không có gì bất thường sau khi tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng phụ sẽ xuất hiện trong những ngày sau đó do hệ miễn dịch phản ứng mạnh hơn. 

Mỹ phát hiện dấu vết Omicron trước khi WHO phát cảnh báo

Các phương tiện truyền thông Mỹ ngày 10/12 đồng loạt đưa tin kết quả xét nghiệm các mẫu nước thải cho thấy biến thể Omicron đã xuất hiện tại bang California của nước này trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là biến thể mới nhất và đáng lo ngại.

Theo Cơ quan Y tế cộng đồng California, biến thể Omicron được phát hiện trong một mẫu nước thải thu thập ở hạt Merced vào ngày 25/11 - cùng thời điểm Nam Phi báo cáo về biến thể này với WHO và một ngày trước khi WHO đưa Omicron vào danh sách "những biến thể đáng lo ngại".

Báo The Los Angeles Times cho biết phát hiện trên đã củng cố những kết quả nghiên cứu của giới khoa học trong những tuần gần đây, rằng Omicron nhanh chóng lan rộng khắp thế giới trước khi các quan chức y tế toàn cầu biết về sự tồn tại của biến thể này.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 22 bang của nước này, trong đó một số trường hợp cho thấy có sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Bồ Đào Nha tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Từ ngày 18/12, Bồ Đào Nha sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, theo khuyến nghị của Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha (DGS) và Ủy ban kỹ thuật về tiêm chủng.

Phụ huynh có thể đặt lịch tiêm chủng từ tuần sau, ưu tiên những trẻ có bệnh kèm theo. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Sales nói: "Chúng tôi có kế hoạch, chúng tôi có hậu cần, chúng tôi có các chuyên gia y tế xuất sắc và sự tự tin để thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi. Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải bảo vệ con cái của mình".

Số liệu cho thấy trẻ em dưới 9 tuổi hiện có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất ở Bồ Đào Nha. Nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm Antonio Silva Graca nói rằng việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi là một phần quan trọng để chống lại đại dịch vì giúp "làm tăng tỷ lệ dân số được bảo vệ".

Theo dữ liệu chính thức, 88,6% dân số Bồ Đào Nha đã được tiêm vaccine đủ liều và 71,69% dân số đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường.

Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron 

Ngày 11/12, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trung tâm chỉ huy phòng dịch Đài Loan cho biết, biến thể Omicron được phát hiện ở một du khách đến từ Eswatini và đã được cách ly. Người này không có biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19. Theo trung tâm trên, 10 người khác ngồi phía trước và phía sau hành khách nhiễm Omicron trên chuyến bay tới hòn đảo này đã được cách ly tại nhà và đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Cùng ngày, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Zimbabwe. 

Trung Quốc: Một số tỉnh biên giới xét nghiệm bắt buộc du khách nhập cảnh

Trung Quốc đã yêu cầu một số thành phố biên giới nước này tăng cường cảnh giác trước đại dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm bắt buộc cho các du khách nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài. 

Trong một thông cáo, Chính phủ Trung Quốc nêu rõ: "Có nhiều ổ dịch bùng phát ở các địa phương của Trung Quốc trong thời gian gần đây, tất cả đều do lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhập cảnh từ nước ngoài thông qua các thành phố nhập cảnh bằng đường biển".

Thông cáo nêu rõ, những người định rời thành phố biên giới có cửa khẩu để tới những nơi khác ở Trung Quốc, phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi rời thành phố, ngoại trừ những người đến từ các thành phố có cảng nhập cảnh kết nối với Hong Kong hay Macao. Trước đó, hồi tháng 11, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân ở các thành phố biên giới không đến thủ đô nếu không cần thiết. 

Bangladesh, Mauritius phát hiện những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron 

Ngày 11/12, Bộ trưởng Y tế Bangladesh Zahid Maleque cho biết nước này đã phát hiện những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicro. Theo ông Maleque, hai nữ vận động viên cricket của nước này đã nhiễm biến thể Omicron sau khi về nước mới đây từ Zimbabwe. Hiện hai bệnh nhân đang được cách ly tại một khách sạn ở thủ đô Dhakar và có tình hình sức khỏe ổn định. 

Tương tự, quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương cũng ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, vừa trở về nước từ Nam Phi. Cả hai đều không có triệu chứng mắc bệnh và có xét nghiệm âm tính một ngày trước đó. 

Đầu tháng 10, Mauritius đã mở cửa cho du khách quốc tế nhằm phục hồi ngành du lịch sau nhiều tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước này hồi tháng trước đã buộc phải áp đặt trở lại các hạn chế do sự gia tăng số ca mắc mới biến thể Delta. 

Singapore có thêm ca nhiễm biến thể Omicron

Ngày 10/12, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2,  trong đó có một ca nhiễm trong cộng đồng.

Theo phóng viên TTXVN, ca nhiễm mới trong cộng đồng là nhân viên hỗ trợ hành khách làm việc tại nhà ga số 3 ở sân bay Changi. Hai ca nhiễm còn lại là các ca nhập cảnh từ Anh theo làn dành cho người đã tiêm vaccine (VTL).

Trước đó, ngày 9/12, Singapore đã ghi nhận ca lây nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên cũng là một nhân viên làm việc tại sân bay Changi và một ca nhập cảnh từ Đức. Đáng nói, các ca nhiễm này đều đã tiêm đủ vaccine, thậm chí đã tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, Lực lượng Liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore (MTF) đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Chuyên gia về vaccine COVID-19 (EC19V) về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi bắt đầu từ cuối năm nay khi vaccine về tới nước này. 

Lào cho phép các trường học mở cửa trở lại  

Ngày 11/12, Ủy ban Chuyên trách phòng chống COVID-19 quốc gia Lào cho biết đã hoàn thành cơ sở, biện pháp và hướng dẫn cho các trường học mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, các trường học cần đáp ứng các tiêu chí cần thiết để có thể mở lại các lớp học trực tiếp một cách an toàn như: lập kế hoạch phòng ngừa lây nhiễm và có chương trình dạy học phù hợp để ủy ban chuyên trách xem xét, đánh giá; đồng thời làm việc, lấy ý kiến phụ huynh về khả năng mở trở lại lớp học trực tiếp.

Việc thí điểm sẽ được thực hiện trước ở thủ đô Viêng Chăn, sau đó mở rộng ra các tỉnh trên cả nước. Theo thông báo, sẽ không có tiêu chí đánh giá tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong kế hoạch mở cửa lại các lớp học. Đối với trường hợp học sinh không thể đến lớp trực tiếp do gặp vấn đề sức khỏe hoặc phụ huynh lo ngại nguy cơ lây nhiễm, các trường được yêu cầu bố trí phương pháp thích hợp để duy trì chương trình học cho các em.

Liên quan đến tình hình dịch tại Lào, trong báo cáo cập nhật ngày 11/12, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua Lào có thêm 1.898 ca nhiễm mới tại 18 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ có một ca là nhập cảnh. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại Lào kể từ đầu dịch. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 88.046 ca nhiễm và 236 ca tử vong do COVID-19.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Triều Tiên từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản

Bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố nước này sẽ từ chối mọi liên lạc với Nhật Bản.

LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục